Cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Bắc Syria chính là “màn cuối” trong cuộc khủng hoảng dai dẳng trong quan hệ giữa Ankara và các đối tác phương Tây - nhà bình luận chính trị Isabelle Lasserre của tờ Le Figaro nhận định. Theo bà Lasserre, ngày nay, sự liên lạc của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO và EU gần như đã bị phá vỡ.
Một số nhà ngoại giao và các chính trị gia cấp cao phải đặt câu hỏi rằng, liệu có nên giữ lại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia Hồi giáo duy nhất và có quân đội lớn thứ hai trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương - ở lại NATO, và liệu đã đến lúc chấm dứt sự mơ hồ trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU - nơi vốn đóng băng các cuộc đàm phán về sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay, nhưng lại không tuyên bố chấm dứt tiến trình này một cách chính thức.
Tác giả bài báo lưu ý, cuộc tấn công quân sự chống lại người Kurd trở thành mục mới trong danh sách dài những bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Trước đó, khi cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria bắt đầu, Ankara đã nhắm mắt làm ngơ khi để cho các chiến binh thánh chiến trốn vào lãnh thổ của mình và tuyển mộ thêm chiến binh. Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại quyết định mua các hệ thống chống tên lửa S-400 từ Nga, gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nội bộ NATO.
Sự liên lạc của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO và EU gần như đã bị phá vỡ. (Ảnh: Reuters) |
“Một số người tin rằng sự thay đổi trong quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và việc nước này xích lại gần hơn với Nga, nhằm làm suy yếu và buộc NATO phải nhượng bộ, đang đặt ra câu hỏi về trạng thái của Ankara như một đồng minh và đe dọa sự tồn tại của Liên minh” - tác giả viết.
Tuy nhiên, dù cho một số chính trị gia có kêu gọi khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn chưa xem xét một thủ tục như thế, trong khi bất cứ cải cách nào trong lĩnh vực này đều chỉ được thực hiện nếu có được sự chấp thuận của Ankara.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đang nghi ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang ngày càng ít thừa nhận mình là thành viên của NATO – có thể quyết định tự mình rời khỏi Liên minh. Theo phó Giám đốc của Quỹ nghiên cứu chiến lược Paris, ông Bruno Tertrais, nhiều khả năng Ankara có thể ngừng tham gia vào tổ chức quân sự chung, yêu cầu đưa toàn bộ vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi lãnh thổ của mình và đóng cửa không cho các đồng minh tiếp cận căn cứ không quân Inzhirlik.
Nhưng đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ dù gì vẫn cần sự bảo đảm an ninh từ Mỹ và NATO, trong khi quân đội của họ, dù bị suy yếu đi nhiều sau nỗ lực đảo chính hồi tháng 7/2016, nhưng vẫn là một trong những trụ cột của Liên minh - tờ Le Figaro viết. Tuy nhiên, như ông Tertrais lưu ý, Liên minh này tồn tại là dựa trên “những lợi ích và giá trị chung”, nhưng trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên NATO khác, mọi thứ trông có vẻ không giống thế.
Cả Brussels cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự với Ankara kể từ khi quan điểm của ông Erdogan trở nên cực đoan hơn - tác giả bài viết lưu ý. Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các vùng lãnh thổ của người Kurd đang bị chỉ trích dữ dội ở châu Âu, trong khi Pháp và Đức thậm chí còn đình chỉ việc cung cấp vũ khí cho Ankara. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu lại không thể đưa ra lệnh cấm vận tương tự chỉ vì quan điểm của Vương quốc Anh.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp có thể từ chối đến xem trận bóng đá giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại một trong những sân vận động của Pháp, nhưng nhìn chung, khả năng để người châu Âu thể hiện sự đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ là rất hạn chế - bà Lasserre tin tưởng. Kể từ khi EU tham gia thỏa thuận tài chính với Ankara để hạn chế dòng người tị nạn đến châu Âu, Brussels thường xuyên bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa “mở cây cầu di cư”.
“Chúng tôi sẽ mở cửa và gửi 3,6 triệu người tị nạn đến chỗ các ngài” - ông Erdogan phát đi thông điệp vào tuần trước. Theo Le Figaro, nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng di cư mới sẽ là tác nhân cản trở sự đồng thuận nội bộ EU về các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Người châu Âu tự lái mình vào cái bẫy khi thỏa thuận. Nhưng nhượng bộ trước sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ là không nên. Chúng ta cần phải nói với Ankara rằng: nếu vậy thì chúng tôi cũng sẽ có biện pháp đáp trả!” - chuyên gia Tertrais nói.
Theo VTC