TP.HCM cấp tập chống dịch viêm phổi do nCoV

Thứ hai, 03/02/2020, 17:02
TP.HCM yêu cầu cán bộ từng đi qua vùng dịch không được đi làm, các phương tiện giao thông phải được khử trùng, xây bệnh viện dã chiến... để chống dịch nCoV.

Chiều 3/2, mở đầu buổi làm việc với các sân bay, bến xe, tàu biển, hiệp hội vận tải hành khách về các biện pháp đối phó dịch viêm hô hấp cấp do virus corona, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đề nghị tất cả cán bộ, công chức từng đi đến các vùng có dịch tự cách ly, không tham dự cuộc họp.

"Chúng ta không được chủ quan, số ca nhiễm nCoV tăng lên từng ngày nên các đồng chí thông cảm. Văn phòng UBND thành phố lấy danh sách thành viên tham dự cuộc họp này luôn, để dễ truy đầu mối khi có vấn đề xảy ra", ông Liêm nói và cho biết hôm nay tại UBND thành phố, những người đã đi đến vùng dịch bị yêu cầu không đi làm, tự cách ly 14 ngày.

Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh nói thêm: "UBND thành phố được xem là tổng hành dinh điều hành chung, nên mọi công tác phòng chống phải tuân thủ nghiêm ngặt. Tất cả các nhân viên phục vụ ở đây đều phải đeo khẩu trang để phòng bệnh".

Ông Bỉnh cho biết, đến 1h34 ngày 3/2, trên thế giới có 17.385 trường hợp nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona, 362 ca tử vong. Việt Nam hiện có 8 người nhiễm bệnh. "So với hôm qua, tốc độ diễn biến dịch bệnh đã tăng cao, phức tạp. Việt Nam có biên giới với Trung Quốc khá dài nên cũng được xếp vào nhóm có nguy cơ cao", ông Bỉnh nói.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo cuộc họp.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm nói rằng, riêng sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày có cả trăm nghìn lượt khách đi, đến. Các phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ và xe buýt vận chuyển tổng cộng hơn 1,6 triệu người mỗi ngày nên khả năng lây lan dịch bệnh qua đường hô hấp rất cao. Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan hàng ngày sát trùng tất cả các khu vực đông người như nhà ga, bến xe, hoặc bên trong các xe... liên tục trong hai tuần.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế TP.HCM) cho biết hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo đặc thù nên trước mắt vẫn là thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế như mang khẩu trang, giữ vệ sinh và truyền thông.

Theo đó, tại nơi công cộng mọi người phải mang khẩu trang; 100% tài xế và nhân viên phục vụ xe buýt phải đeo khẩu trang, bao tay, đồng thời rửa tay thường xuyên, cấp phát miễn phí khẩu trang cho hành khách. "Do đặc thù của phương tiện giao thông nên không thể phun xịt bên trong vì chất khử trùng có clo sẽ làm hư các thiết bị bằng kim loại. Chỉ nên lau chùi ở những vị trí dễ lây nhiễm như ghế, vị trí nắm tay, cửa...", ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm (Giám đốc Trung tâm kiểm soát quốc tế, Sở Y tế) từ khi bắt đầu có dịch trung tâm đã tăng cường các biện pháp giám sát các hành khách quốc tế qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng hải thành phố. Khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện nhiễm bệnh, trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan kích hoạt công tác đối phó như: mở luồng nhập cảnh riêng, khử trùng máy bay, lập danh sách hành khách ngồi gần chuyển trung tâm bệnh tật...

Trung tâm cũng tiến hành kiểm soát thân nhiệt tại Cảng Hàng hải cơ sở 2 ở Vũng Tàu, thực hiện tờ khai y tế để xử lý ngay từ đầu trước khi họ vào thành phố. Sắp tới trung tâm sẽ thực hiện tầm nhiệt ở ga quốc nội, ga xe lửa... Đối với hàng không, trước mắt sẽ kiểm soát các chuyến bay từ Nha Trang, Thanh Hoá, Quảng Ninh... trước khi kiểm soát toàn bộ ở ga quốc nội. Đối với ga xe lửa sẽ kiểm soát thân nhiệt trước ở tuyến Sài Gòn - Nha Trang. "Hiện Sở Y tế đã huy động thêm 20 bác sĩ từ tuyến quận, huyện để tăng cường ở các điểm này", ông Tâm nói.

Tương tự, đại diện Cảng vụ Hàng hải thành phố cho biết, đối với các tàu bè từ vùng dịch, hoặc đi ngang vùng dịch, các thuyền viên không lên bờ và bị cách ly theo dõi trong 14 ngày.

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm yêu cầu các đơn vị vận tải hàng không, đường bộ và đường thuỷ tuyệt đối thực hiện nghiêm các yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh, giảm số người nhiễm bệnh thấp nhất. "Mục tiêu cao nhất là không để phát sinh ca nhiễm bệnh do lây lan trên các phương tiện giao thông", ông Liêm nói.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố lên kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường để đối phó trong trường hợp người mắc bệnh tăng cao.

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dịch khởi phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái, sau đó lan ra tất cả các tỉnh thành Trung Quốc. Trong số 362 người chết có 361 ca ở Trung Quốc, một ở Philippines; số ca nhiễm lên hơn 17.000.

Việt Nam, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận trường hợp nCoV truyền từ người sang người.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích