Hồ Bắc đổi cách tính ca nhiễm bệnh, chuyên gia y tế thế giới ngờ vực

Thứ năm, 13/02/2020, 16:55
Nhiều chuyên gia y tế tỏ ra nghi ngờ về cách thức xét nghiệm Covid-19 mới của Hồ Bắc khi thành phố này báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh trong chỉ 1 ngày.

Sáng 13/2, giới chức Y tế Hồ Bắc báo cáo có 14.840 ca nhiễm Covid-19 (nCoV) mới được xác nhận, cùng 242 trường hợp thiệt mạng chỉ trong 1 ngày.

Sự gia tăng đột ngột này được cho là do những thay đổi trong phương pháp xét nghiệm. Trước đây, bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19 (nCoV) sau khi kết quả xét nghiệm axit nucleic của họ trả ra kết quả dương tính với virus. Tuy nhiên, hiện tại các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng là nhiễm bệnh được xếp luôn vào các ca nhiễm mới.

Nhiều chuyên gia y tế thế giới đang đặt câu hỏi về tính kịp thời và chính xác từ các dữ liệu thống kê mà Trung Quốc đưa ra. Họ cho rằng hệ thống hiện tại mà quốc gia tỷ dân đang áp dụng chỉ xác định được một phần nhỏ các trường hợp nhiễm bệnh.

Hành khách đeo khẩu trang, chùm túi ni lông bên ngoài nhà ga Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Theo Giáo sư Neil Ferguson, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), chỉ có 1 trên 19 người nhiễm bệnh ở Vũ Hán được xét nghiệm và xác nhận nhiễm virus.

Giám đốc Cơ quan Y tế Úc Brendan Murphy cho rằng việc Trung Quốc dự đoán đợt dịch này kết thúc vào tháng 4 là còn quá sớm. Ông này dự đoán số ca nhiễm bệnh sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Phát biểu với các phóng viên từ trụ sở WHO tại Geneva hôm 12/1, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra một cái nhìn lạc quan khi nói rằng các trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc dường như đã ổn định.

"Nhưng điều này cũng cần được hiểu một cách thận trọng. Sự bùng phát vẫn có thể đi theo bất kỳ hướng nào", ông Tedros cho hay.

Tuyên bố này được đưa ra vài giờ trước khi giới chức y tế Hồ Bắc công bố số liệu chấn động.

Nhiều bệnh nhân ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Vũ Hán nói rằng họ đang mòn mỏi đợi chờ kết quả xét nghiệm chính thức vì thiếu các bộ dụng cụ. Một số khẳng định có những triệu chứng bệnh rõ ràng nhưng không hiểu sao kết quả xét nghiệm vẫn là âm tính.

Luo Jun, một phụ nữ 45 tuổi tới từ Vũ Hán lo lắng khi xuất hiện các triệu chứng bệnh từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, do ô tô riêng bị cấm lưu thông, cô phải vật lộn đi bộ 5 km để tới bệnh viện gần nhất. Ở đây, Jun được chụp CT để xác định có bị nhiễm bệnh hay không.

Luo được thông báo phải quay lại vào 9h sáng hôm sau để xếp hàng thêm một lần nữa trước khi làm xét nghiệm axit nucleic - tiêu chuẩn hiện tại để xác nhận bệnh nhân có nhiễm bệnh hay không.

"Tôi quá mệt. Tôi cảm thấy cạn kiệt năng lượng", Luo nói.

Thay vì quay trở lại bệnh viện, Luo chờ đợi tại nhà và được chính quyền địa phương đảm bảo rằng cô đang trong danh sách chờ nhận kết quả xét nghiệm.

Các chuyên gia lo ngại những trường hợp như Luo bởi nếu thực sự nhiễm bệnh, Luo có thể sẽ lây truyền virus cho những người tiếp xúc với mình hoặc tình trạng bệnh của cô trở nên nghiêm trọng hơn.

Các nhân viên y tế tại Trung Quốc dường như cũng không hài lòng với một số thủ tục xét nghiệm chậm chạp và có phần rườm rà.

Một y tá tuyến đầu tại Trung Quốc nói quá trình xét nghiệm thường phải mất ít nhất 2 ngày. Một bác sỹ khác giải thích trước tiên họ phải gửi mẫu tới Trung tâm kiểm soát dịch bệnh cấp thành phố và sau đó tới Trung tâm cấp tỉnh để kiểm tra lại.

"Các bộ dụng cụ xét nghiệm không chính xác lắm khiến chúng tôi phải thực hiện nhiều xét nghiệm", một chuyên gia Trung Quốc giấu tên cho hay.

Tong Chaohui, Phó chủ tịch bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh cho biết tỷ lệ phát hiện ra các trường hợp dương tính với virus corona tại các bệnh viện chỉ là 20-30%. Ở các bệnh viện tốt hơn, tỷ lệ này có thể đạt 50%, nhưng với các cơ sở y tế lạc hậu hơn, con số này giảm xuống còn 10%.

Bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus corona cũng phải xét nghiệm tới 3 lần mới được xác định nhiễm bệnh. Hơn 1 tuần sau đó, anh qua đời. Điều đáng nói là bác sỹ Lý xuất hiện triệu chứng bệnh 23 ngày trước khi được xác nhận nhiễm bệnh.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích