Zhun, sống ở thành phố Vũ Hán, không được cơ sở y tế đó tiếp nhận bởi kết quả xét nghiệm âm tính với virus, dù bác sĩ một mực khẳng định cô đã bị nhiễm bệnh.
"Họ nói tôi không đủ điều kiện. Thứ họ cần là kết quả dương tính với virus", Zhu, 36 tuổi, người phụ nữ có hai con gái, nói hôm 10/2.
Nhân viên y tế kiểm tra phim chụp X-quang cho bệnh nhân ở Bệnh viện Tongji, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: WSJ). |
Tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và tâm dịch viêm phổi, nghi ngờ về tính chính xác của bộ xét nghiệm mà các cơ sở y tế sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm phổi Covid-19 ngày càng gia tăng. Chuyên gia y tế trên toàn cầu cũng bày tỏ lo ngại số ca nhiễm bệnh có thể lớn hơn số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, do những lỗ hổng trong quá trình xét nghiệm. Nhiều chuyên gia còn cảnh báo hàng chục nghìn người Vũ Hán có thể đã nhiễm nCoV trong khi số liệu mà chính quyền thành phố công bố khi đó ít hơn 20.000.
Chỉ có một trong 19 ca nhiễm virus corona ở Vũ Hán được làm xét nghiệm và xác nhận nhiễm bệnh, theo ước tính của Đại học Hoàng gia London, Anh, hôm 31/1.
Khả năng còn rất nhiều ca nhiễm virus corona chưa được chẩn đoán và điều trị. Điều đó khiến nhiều bác sĩ và nhà dịch tễ học kêu gọi bệnh viện Trung Quốc sử dụng phương thức chụp lồng ngực để chẩn đoán, thay vì chỉ dựa vào xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Nhiều chuyên gia tin rằng, với bệnh nhân bị nhiễm trùng ở phần phổi dưới, rất khó để xác định. Bí thư thành ủy Hồ Bắc Mã Quốc Cường hoài nghi phương pháp swab test (dùng que lấy mẫu bệnh phẩm trên bề mặt) trong buổi họp báo hôm 10/2 và kêu gọi người có kết quả âm tính nên kiểm tra lại.
"Để chắc chắn âm tính với virus, mọi người nên làm thêm xét nghiệm khác một ngày sau đó", ông Mã Quốc Cường nói.
Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc tuần trước cho biết phương pháp chụp lồng ngực có thể được sử dụng để chẩn đoán ca bệnh ở khu vực lân cận Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, giới chức vẫn chỉ xem xét tiếp nhận ca bệnh dương tính với virus và điều đó đòi hỏi phải thực hiện xét nghiệm axit nucleic. Vì số giường bệnh hạn chế, giới chức thường ưu tiên bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và các bác sĩ cũng tiếp tục yêu cầu xét nghiệm như vậy.
Xét nghiệm axit nucleic, sử dụng que tăm bông lấy chất dịch nhày mũi hoặc đờm cổ họng, được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc để chẩn đoán virus corona, bởi nó không mất thời gian và có thể được thực hiện bởi nhân viên y tế thông thường như y tá. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định kỹ thuật không tốt có thể dẫn tới kết quả sai.
"Nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm thực sự không đủ khả năng. Không phải tất cả họ đều được đào tạo chuyên nghiệp", một bác sĩ giấu tên tại bệnh viện ở Vũ Hán cho hay.
Kết quả âm tính giả là mối lo ngại đối với nhà nghiên cứu đang tìm cách ngăn chặn virus cũng như người dân thường muốn kiểm tra khả năng nhiễm bệnh. Hiện, hai nhóm này đều phải phụ thuộc vào số liệu chính thức do chính phủ cung cấp.
Bệnh viện Trung Quốc hiện tập trung hơn vào bệnh nhân được xác định nhiễm nCoV hơn là người chưa được chẩn đoán. Không được tiếp nhận, những người này phải quay về nhà, bệnh ngày càng nặng hơn và có thể lây nhiễm cho người xung quanh. Một số quay lại cơ sở y tế để làm thêm xét nghiệm khiến tăng nguy cơ bị nhiễm virus.
Bên cạnh đó, gánh nặng tài chính cũng là vấn đề khiến nhiều người nhiễm virus không làm xét nghiệm. Chồng của Wang Hongyan bị nhiễm trùng phổi dù kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Cô nói rằng gia đình đã phải trả hơn 10.000 nhân dân tệ (tức hơn 1.400 USD) chi phí chăm sóc y tế và không thể nhận trợ cấp dành cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
"Hiện có rất nhiều kết quả xét nghiệm âm tính giả. Đến bệnh viện bạn sẽ thấy khoảng 90% người ở đó đều có kết quả tương tự", Wang nói.
Tại Vũ Hán, người dân địa phương thực sự nghi ngờ số liệu chính thức do thành phố công bố khi chứng kiến hệ thống bệnh viện quá tải, trong đó có nhiều người phải tự tìm cách vượt qua bệnh tật tại nhà. Tờ Wall Street Journal của Mỹ tìm hiểu 6 bệnh nhân ở Vũ Hán có triệu chứng rõ ràng bị nhiễm nCoV nhưng khi xét nghiệm cho kết quả âm tính. Một số cho kết quả dương tính sau vài lần xét nghiệm tiếp theo.
Khi Weng Wanjin, 57 tuổi, rơi vào hôn mê, bà Hu Lihua vội tìm người đưa chồng tới bệnh viện. Ảnh chụp lồng ngực cho thấy ông bị viêm phổi cấp nhưng kết quả xét nghiệm không phát hiện nCoV.
"Khi chúng tôi nhận kết quả xét nghiệm đầu tiên, bác sĩ nói không thể có kết quả như vậy", bà Hu nói và thêm rằng bác sĩ khuyên họ nên làm xét nghiệm lần hai. Hai ngày sau, ngày 7/2, kết quả đã đúng với điều bác sĩ nghi ngờ.
Nhân viên sản xuất bộ xét nghiệm axit nucleic tại tỉnh Tứ Xuyên tuần này. (Ảnh: Zuma Press). |
Không riêng gia đình bà Hu, nhiều người cũng gặp tình huống tương tự. Wan Pei, công nhân viễn thông, đã phải cách ly người mẹ 54 tuổi tại khách sạn theo yêu cầu của giới chức địa phương. Mẹ của Wan không được nhập viện bởi kết quả xét nghiệm dịch mũi của bà không có kết quả dương tính với virus. Kết quả tương tự với hai xét nghiệm dịch đờm cổ họng sau đó. Tới khi kết quả X-quang lồng ngực hôm 30/1 cho thấy hai bên phổi của bà đã bị nhiễm trùng, bệnh viện mới nói rằng "đúng với triệu chứng của viêm phổi do virus".
Nhiều bác sĩ cho biết, thậm chí được tiến hành một cách chính xác, xét nghiệm lấy dịch đờm cổ họng bằng que bông tăm có thể không đủ chính xác. Bởi nó chỉ được thiết kế để phát hiện nhiễm trùng đường hô hấp trên. Còn đối với đường hô hấp dưới, muốn phát hiện nhiễm trùng thì cần đặt ống nội soi vào phổi. Đây là quá trình chuyên khoa xâm lấn hơn nên khó để bệnh viện Vũ Hán có thể thực hiện trên quy mô lớn.
"Càng xâm nhập sâu vào phổi, kết quả càng chính xác. Nhưng chúng tôi không thể làm được", Peng Zhiyong, bác sĩ Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, cho biết. bác sĩ Peng nói thêm chỉ 30% bệnh nhân có thể phát hiện dương tính với virus với xét nghiệm đường hô hấp trên.
Theo WSJ, nhiều bệnh nhân âm tính với xét nghiệm axit nucleic được bác sĩ chẩn đoán nhiễm virus ở phần phổi dưới.
Hiện chưa rõ liệu virus mới có xu hướng xâm nhập vào phần phổi dưới nhiều hơn, giống hội chứng suy hô hấp cấp tính SARS. John M.Nicholls, nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học Hong Kong đang cùng nhóm của ông đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, nói dịch bùng phát hiện tại sẽ khó kiểm soát hơn nếu nhận định trên đúng.
"Thiệt hại do dịch bùng phát mới có thể nghiêm trọng hơn nếu virus thực sự gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao hơn", Nicholls nói.
Theo nhiều bác sĩ và chuyên gia, chất lượng của bộ xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả và kêu gọi tăng cường kiểm soát vấn đề này. Do nhu cầu về vật tư y tế lớn để đối phó với dịch viêm phổi bùng phát, nhiều bộ dụng cụ được kiểm duyệt nhanh chỉ trong vài ngày.
Gần 100 công ty ở Trung Quốc đã phát triển bộ xét nghiệm virus corona, theo truyền thông địa phương. Trong đó, công ty chẩn đoán y khoa Hybribio có trụ sở ở Quảng Đông nói với tờ Chaozhou Daily rằng tặng 3.000 bộ xét nghiệm chưa được cấp phép cho giới chức y tế địa phương.
"Do tình thế cấp bách, những sản phẩm này chưa kịp đăng ký", giám đốc Hybribio Li Liejun nói. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định nhiều kết quả xét nghiệm không thực sự đáng tin cậy.
Trong khi đó, Zhun đã tới gặp bác sĩ sau khi bị sốt và ho dữ dội. Ảnh chụp X-quang lồng ngực hôm 2/2 cho thấy hai bên phổi của cô bị nhiễm trùng và bác sĩ khuyên nên làm xét nghiệm chẩn đoán virus.
"Bác sĩ nói 99% tôi nhiễm", Zhu nói. Xét nghiệm được thực hiện hai ngày sau đó cho kết quả âm tính. Trong khi chồng cô, Yu Xiang có triệu chứng bệnh nhẹ hơn lại cho kết quả xét nghiệm dương tính. Anh Yu được nhập viện điều trị. Sau khi gửi con gái sang nhà họ hàng, Zhu tiếp tục ở nhà chờ đợi kết quả xét nghiệm lần thứ hai.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết thay đổi phương pháp tính ca nhiễm từ hôm nay, theo đó đưa các ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus vào số liệu ca nhiễm mới. Điều đó có nghĩa các bệnh nhân được chẩn đoán dựa trên triệu chứng phù hợp với Covid-19 được xác nhận, không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm như trước. Ủy ban y tế tỉnh cho biết thay đổi được thực hiện để phù hợp với báo cáo từ những tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc.
Người dân ngồi đợi kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: AFP). |
Theo VNE