Trung Quốc thử nghiệm hàng loạt thuốc trị Covid-19

Thứ sáu, 14/02/2020, 10:23
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch Covid-19 "có thể rẽ sang bất cứ hướng nào"

Trung Quốc đang gấp rút nghiên cứu để ra phương pháp chữa trị hiệu quả cho các bệnh nhân dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra. Theo hãng tin Bloomberg ngày 13-2, khoảng 77 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Covid-19 đã được đăng ký tại Trung Quốc kể từ ngày 23-1.

Nội dung thử nghiệm rất đa dạng, từ thuốc kháng virus remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ) và thuốc điều trị HIV Kaletra của Công ty AbbVie (Mỹ) đến các loại thảo dược cổ truyền của Trung Quốc. Ngoài ra còn nghiên cứu xem luyện tập thể thao có hỗ trợ quá trình hồi phục hay không.

Giới chức Trung Quốc đẩy nhanh quá trình phê duyệt các cuộc thử nghiệm để bảo đảm bệnh nhân trong nước được tiếp cận nhanh chóng các loại thuốc hiện đại, thậm chí sớm hơn các nước phát triển trong một số trường hợp.

Việc tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trong lúc virus lan nhanh đóng vai trò quan trọng bởi nó cho phép các nhà khoa học xác định loại thuốc hiệu quả nhất. Bà Marie-Paule Kieny, đồng chủ tịch một diễn đàn WHO kéo dài 2 ngày ở Thụy Sĩ, hôm 12-2 cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng remdesivir và Kaletra tại Trung Quốc sẽ có trong vài tuần tới.

Bác sĩ kiểm tra ảnh chụp CT phổi của một bệnh nhân tại TP.Vũ Hán - Trung Quốc hôm 8-2

Cuộc chạy đua tìm thuốc diễn ra giữa lúc thế giới xôn xao trước số liệu thống kê nhảy vọt của giới chức Trung Quốc. Hôm 13-2, nước này thông báo có thêm 14.840 ca nhiễm tại tỉnh Hồ Bắc, khiến tổng số ca nhiễm đạt mốc 48.206 ca. Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại tỉnh này tăng thêm 242 người, lên tổng cộng 1.310 người. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là những con số kỷ lục được ghi nhận trong một ngày.

Ủy ban Y tế Hồ Bắc nhanh chóng lý giải họ đã thay đổi phương pháp thống kê để đẩy nhanh việc điều trị cho bệnh nhân, kể cả những trường hợp nghi nhiễm. Trước đó, những trường hợp nhiễm Covid-19 chỉ được xác nhận thông qua xét nghiệm RNA, vốn mất nhiều ngày. Hiện tại, theo Reuters, giới chức Hồ Bắc bắt đầu sử dụng hình chụp cắt lớp (CT) phổi để tìm kiếm các triệu chứng nhiễm virus.

Nếu theo cách tính cũ, số ca nhiễm mới tại Trung Quốc vẫn tiếp tục đà giảm trong tuần qua. Sự thay đổi đã gây ra một làn sóng tranh cãi giữa giới chuyên gia. Ông Ho Pak-leung (Trường ĐH Hồng Kông) bày tỏ sự ủng hộ bởi theo ông, một số bệnh nhân có thể tử vong trước khi bác sĩ tiến hành bất kỳ xét nghiệm nào. Ngược lại, nhiều chuyên gia khác khẳng định ảnh chụp CT phổi không phải là công cụ lý tưởng để chẩn đoán, bởi những người nhiễm cảm cúm thông thường cũng có triệu chứng viêm phổi thấy được trên ảnh chụp CT phổi.

Sự phức tạp của dịch bệnh cũng thể hiện qua lưu ý của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng ngày 12-2, rằng còn quá sớm để dự đoán thời điểm dịch Covid-19 kết thúc và "dịch bệnh có thể rẽ sang bất cứ hướng nào".

Xử lý dịch bệnh yếu kém là lý do khiến Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương và Bí thư Thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường vừa bị cách chức. Theo báo The Straits Times (Singapore), người thay thế ông Tưởng và ông Mã là cựu Thị trưởng TP.Thượng Hải Ứng Dũng và Bí thư Thành ủy Tế Nam Vương Trung Lâm.

IMF: Tác động mạnh hơn SARS

Thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm hôm 13-2 nhưng theo Reuters, mức sụt giảm 0,2% của chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật Bản) chứng tỏ các nhà đầu tư không quá lo lắng về sự gia tăng đột ngột của số người tử vong và nhiễm Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc.

Trước đó một ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới rõ ràng mạnh hơn đại dịch SARS giai đoạn 2002-2003. Trả lời đài CNBC, bà Georgieva cho biết dịch Covid-19 tại Trung Quốc tác động đến những nước khác thông qua các chuỗi giá trị. Cùng ngày, Công ty Dịch vụ tài chính Citi (Mỹ) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 xuống còn 5,3%, so với mức 5,5% vào 2 tuần trước và 5,8% hồi tháng 1.

Dịch Covid-19 cũng buộc sự kiện Hội nghị Di động Thế giới (WMC), dự kiến diễn ra từ ngày 24 đến 27-2 tại TP Barcelona - Tây Ban Nha, bị hủy sau khi nhiều tên tuổi lớn như Vodafone, Nokia, Deutsche Telekom, Rakuten, Intel, Facebook, Cisco... rút lui.

Cơn ác mộng của du thuyền

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm 13-2 thông báo có thêm 44 trường hợp nhiễm Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess - chở tổng cộng 3.600 người, đang bị cách ly tại cảng Yokohama. Con số này nâng tổng số người nhiễm Covid-19 trên du thuyền lên 218 cho đến giờ. Theo ông Kato, Tokyo muốn đưa những người lớn tuổi có kết quả xét nghiệm âm tính tới các trung tâm cách ly trên đất liền, có thể bắt đầu từ ngày 14-2.

May mắn hơn đôi chút, du thuyền MS Westerdam đã được phép cập cảng tại TP Sihanoukville - Campuchia sau khi bị 5 cảng khác ở châu Á từ chối. Con tàu do Công ty Holland America Line (Mỹ) vận hành rời Hồng Kông hôm 1-2 với 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn. Theo đài BBC, hành khách sẽ rời tàu và trở về quê nhà từ thủ đô Phnom Penh sau khi được kiểm tra sức khỏe ngay trên tàu.

Các công ty du thuyền không muốn nói nhiều về tác động của Covid-19 đến ngành công nghiệp du thuyền trị giá 45,6 tỉ USD nhưng theo báo The New York Times, một số chuyên gia cho rằng số lượng khách đặt tour du thuyền đang giảm 10%-15%.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn