"Chúng tôi rốt cuộc cũng ghi nhận những ca dương tính đầu tiên, đó chính là lúc cánh cửa địa ngục mở ra", một bác sĩ giấu tên ở New York, Mỹ, nói về Covid-19.
Bác sĩ tại bệnh viện St. Barnabas ở Bronx, New York, xét nghiệm cho các đồng nghiệp có triệu chứng nhiễm nCoV ngày 24/3. Ảnh: AFP. |
Theo lời kể của bác sĩ này, bệnh viện nơi ông làm việc hoàn toàn không được chuẩn bị khi bệnh nhân ồ ạt đổ tới từ cách đây gần hai tuần. Tình trạng quá tải khiến bệnh viện bị vắt kiệt mọi nguồn lực. Nhiều bệnh nhân nghiêm trọng thậm chí còn không có máy thở để sử dụng.
"Chúng tôi thiếu máy móc, thiếu cả giường bệnh", ông nói. "Chúng ta đang ở giữa thành phố New York và chuyện như vậy lại xảy ra. Nó giống như kịch bản cho một đất nước ở thế giới thứ ba. Thật đáng kinh ngạc".
Ban đầu, bệnh nhân chủ yếu là những người trên 70 tuổi, nhưng tuần qua, số người nhập viện dưới 50 tuổi đang tăng dần lên.
"Tôi không nghĩ họ hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh", ông cho hay, đề cập tới những bệnh nhân trẻ. "Hai tuần trước, cuộc sống vẫn hoàn toàn khác".
Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo Mỹ có thể "trở thành Italy thứ hai", nơi hàng loạt bác sĩ tại những bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đang phải đưa ra quyết định nghiệt ngã là chọn chữa cho ai và ai sẽ được dùng máy thở.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến bên trong các phòng cấp cứu thực sự thảm khốc", bác sĩ Craig Spencer, giám đốc y tế toàn cầu về y học khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Đại học NewYork-Presbyterian/Columbia, cho biết. "Tuần trước, khi tôi đi làm, chúng tôi chỉ nói về một hoặc hai bệnh nhân trong vài chục người có thể nhiễm nCoV", Spencer ngày 24/3 nói với CNN. "Trong ca trực của tôi hôm qua, gần như tất cả bệnh nhân tôi chăm sóc đều nhiễm nCoV, nhiều người trong tình trạng nguy kịch. Nhiều người phải dùng máy thở. Tình hình tuần này rất khác tuần trước".
Giới chức New York đang thúc giục các bệnh viện trên toàn bang nỗ lực hơn trong công tác cứu chữa. New York chiếm khoảng 6% số ca nhiễm nCoV toàn cầu và gần một nửa số ca nhiễm tại Mỹ.
Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết chính quyền thành phố New York đang triển khai kế hoạch xây dựng các bệnh viện khẩn cấp và thiết lập một bệnh viện dã chiến ở trung tâm hội nghị Javits với 1.000 giường bệnh. Thêm vào đó, hàng nghìn bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu đang đăng ký trở lại tiền tuyến chống dịch.
Chính quyền đồng thời cũng tìm mọi phương án để cung cấp máy thở cho những bệnh nhân nặng nhất. Cuomo cho biết New York đã huy động được thêm 7.000 máy thở bổ sung vào 4.000 máy có sẵn. Nhà Trắng thông báo bang New York sẽ nhận được lô hàng 2.000 máy nữa trong tuần này từ kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, toàn bang vẫn cần tới 30.000 máy thở.
Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia ngày 25/3 cho hay họ có khoảng 16.600 máy thở và đang được triển khai dần tới những nơi cần trong vài ngày qua.
"Một đại dịch như Covid-19 có thể gây quá tải bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới", bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cảnh báo. "Đấy là khi bạn phải đưa ra những lựa chọn vô cùng khó khăn".
Hai nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho tài xế ở Billings, bang Montana hôm 20/3. Ảnh: AP. |
Các bệnh viện New York còn thử nghiệm các phương pháp mới nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. "Chúng tôi đang thử nghiệm phương pháp dùng chung máy thở", Thống đốc Cuomo nói. "Chúng tôi dùng một máy thở cho hai bệnh nhân. Tương đối khó thực hiện, đây là thử nghiệm, nhưng hiện tại, chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
New York không phải nơi duy nhất ở Mỹ đối mặt nguy cơ quá tải hệ thống y tế vì Covid-19. Các bệnh viện trên cả nước đều đang chứng kiến số lượng bệnh nhân tăng đột biến, bên cạnh tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ. Không ít bác sĩ, y tá lo sợ gia đình và cả bệnh nhân của họ đang bị đặt trước rủi ro.
Một y tá khoa cấp cứu ở Virginia mô tả bệnh viện của cô rơi vào cảnh "hỗn loạn chưa từng thấy" khi bệnh nhân nghi nhiễm nCoV phải ngồi bên cạnh người mắc những bệnh khác do quá đông.
"Một cặp vợ chồng già bị tức ngực ngồi ngay kế bên một người bị ho và cúm", cô kể. "Tôi nghĩ cách sắp xếp như vậy là vô cùng liều lĩnh".
Nữ y tá này không dám ôm con gái kể từ khi dịch bùng phát đến nay vì sợ mình có thể lây virus sang cho con.
Một y tá khác ở Georgia cho hay cô liên tục bị từ chối xét nghiệm nCoV dù các triệu chứng bệnh của cô ngày càng xấu đi. Cô đã chăm sóc vài bệnh nhân qua đời vì viêm phổi tuần trước. Mãi đến hôm 24/3 cô mới được nhập viện, xét nghiệm và cách ly.
"Thật điên rồ. Thật đáng giận. Như thể bạn phải hét lên thì mới được người ta nghe thấy", cô chia sẻ trong hơi thở nặng nhọc và những cơn ho dài.
Judy Sheridan-Gonzalez, y tá khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Montefiore, chủ tịch Hiệp hội Y tá bang New York, cho hay tất cả các y tá đều sợ bị lây nhiễm bởi họ không có trang bị bảo hộ phù hợp. Một số người còn được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang sau khi kiểm tra cho các bệnh nhân khác nhau.
Sheridan-Gonzalez quan ngại cả hệ thống sẽ không có đủ máy thở và nhân lực để chăm sóc tất cả những bệnh nhân nhiễm nCoV. Tuy nhiên, bệnh viện của bà "chưa chạm đến ngưỡng đó".
"Chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân. Ai cũng thấy như thế. Nhưng chúng tôi không muốn bị nhiễm virus và trở thành người phát tán mầm bệnh", bà nhấn mạnh. "Tại bệnh viện của tôi, đã có một y tá phải thở máy vì nhiễm virus. Tôi nghĩ chuyện này không phải hiếm".
Nếu virus đánh gục cả các nhân viên y tế thì coi như "mọi chuyện kết thúc", bác sĩ Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, đánh giá. "Nếu nhiều nhân viên y tế trên tuyến đầu, các bác sĩ cấp cứu, y tá bị nhiễm bệnh, khi đó, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh những người đồng nghiệp phải trông nom lẫn nhau bên trong các phòng chăm sóc đặc biệt. Không có gì gây bất ổn cho nước Mỹ hơn điều này".
Theo VNE