Cái giá khi từ chối tiêm vaccine

Thứ năm, 26/03/2020, 16:26
Từ chối tiêm vaccine có thể làm tăng chi phí điều trị, tỷ lệ tử vong, ngay cả với những bệnh có thể phòng được bằng việc tiêm chủng.

Một công bố của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, tiêm vaccine cúm năm 2019-2020 giúp giảm nguy cơ nhiễm virus cúm đến 45% trong mùa cúm vừa qua ở quốc gia này.

Lợi ích của việc tiêm vaccine đã được các chuyên gia y tế và khoa học trên toàn cầu công nhận và công bố của CDC càng nhấn mạnh hơn nữa tiêm vaccine rất cần thiết để phòng bệnh. Dù lợi ích được chứng minh bằng thực nghiệm nhưng phong trào từ chối tiêm vaccine vẫn có.

Trên thực tế, phong trào này đang trên đà tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe trong cộng đồng và các tổ chức y tế toàn cầu đang chạy đua để phổ biến thông tin về lợi ích của tiêm vaccine. Sự do dự tiêm vaccine tăng khiến cho chi phí điều trị tốn kém và tăng tỷ lệ tử vong.

Vào tháng 12/2019, tạp chí y khoa American Journal of Managed Care công bố những số liệu cho thấy gánh nặng chi phí của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Ước tính Mỹ đã chi gần 27 tỷ USD để điều trị cho những người trưởng thành mắc các bệnh có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Trẻ em được tiêm vaccine sẽ tiết kiệm chi phí y tế cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ 295 tỷ USD. Một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra những con số cao tương tự, ước tính những người trưởng thành chưa được tiêm vaccine phải tiêu tốn chi phí gần bảy tỷ USD trong năm 2015.

Tiêm vaccine giúp phòng nhiều bệnh như sởi, cúm, viêm màng não...

Tiêm vaccine giúp phòng nhiều bệnh như sởi, cúm, viêm màng não... Ảnh: Daily Beast.

Tuy nhiên, quan trọng hơn nhiều so với chi phí là cái giá phải trả khi tử vong và những thách thức đối với ngành y tế. Những người chưa được tiêm vaccine có xu hướng lây lan bệnh cao hơn trong cộng đồng so với những người đã được tiêm phòng.

Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), một tổ chức chăm sóc sức khỏe nhi khoa uy tín, giải thích về khái niệm "miễn dịch cộng đồng" và tầm quan trọng của miễn dịch cộng đồng trong việc ngăn ngừa bệnh tật: "Mỗi thành viên sẽ đóng góp vào sức khỏe tập thể bởi vì cách mà mầm bệnh sống sót là tìm người mới để lây nhiễm".

Càng ít người "nhạy cảm" trong cộng đồng, mầm bệnh càng ít lây lan. Về cơ bản, càng có nhiều người trong cộng đồng được tiêm phòng, càng ít khả năng mầm bệnh có thể lây cho những người đã được tiêm phòng hoặc chưa được tiêm phòng. Điều này rất quan trọng trong cộng đồng vi mô, chẳng hạn như môi trường học đường, nơi trẻ em thường xuyên tiếp xúc với những đứa trẻ khác.

Một số tiểu bang ở Mỹ cho phép phụ huynh miễn trừ tiêm vaccine tại các trường công lập. Điều này gây lo ngại về việc các cộng đồng này trở thành điểm nóng cho các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Hơn nữa, những người không thể tiêm vaccine do tình trạng sức khỏe, ví dụ như bệnh bạch cầu hoặc các tình trạng suy giảm miễn dịch khác phải đề phòng hơn vì họ phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng để giữ sức khỏe.

Mặc dù các hướng dẫn của nhà nước có yêu cầu về việc tiêm vaccine nhưng bệnh nhân có thể được miễn trừ tiêm chủng nhất định nếu họ đủ điều kiện và tuân theo các hướng dẫn bảo vệ phù hợp.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ phải chuẩn bị khi sự do dự tiêm vaccine có thể sẽ tiếp tục tăng lên cùng với những hậu quả tương ứng. Nói một cách đơn giản, chi phí kinh tế và tỷ lệ tử vong đặt ra thách thức mới đối với sức khỏe cộng đồng. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần phải tài trợ chi phí và làm việc nhiều hơn để tuyên truyền, giáo dục cho bệnh nhân của họ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích