Chàng trai nhiễm nCoV: 'Họng tôi đau rát như lửa đốt'

Thứ năm, 26/03/2020, 16:33
Nguyễn Văn Tùng, 27 tuổi, "bệnh nhân 18", ban đầu chỉ hơi đau rát họng, ho rất ít, không nghĩ gì nhiều đến việc mình mắc Covid-19.

Tùng là du học sinh tại Đại học Quốc gia Kyungpook, thành phố Daegu, Hàn Quốc. Cuối tháng 2, Daegu, nơi Tùng sống, là tâm dịch Covid-19. Lo lắng, anh chỉ dám ra siêu thị đôi ba lần mua thức ăn dự trữ, đều đeo khẩu trang. Thời gian còn lại anh ở trong nhà trọ với em gái,  không tụ tập bạn bè, hạn chế tiếp xúc với tất cả mọi người.

"Khi hơi đau rát họng, tôi không may mảy nghĩ gì đến việc bị nhiễm nCoV mà chỉ nghĩ bị cảm thông thường", Tùng nhớ lại sau khi xuất viện ngày 20/3.

"Ở Daegu tôi có tiếp xúc với mấy ai đâu thì nhiễm thế nào được", anh nói.

Tùng ra cửa hàng tiện lợi gần nhà mua thuốc ngậm ho để giảm đau họng. Song, thuốc ngậm chỉ đỡ lúc đây thôi.

Vài ngày sau, cơn đau rát ngày càng tăng.

Lúc ấy, Tùng đã nghe nói đến dịch Covid-19 ở Trung Quốc, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn bệnh nhân, có cả những người trẻ ban đầu không xuất hiện triệu chứng gì. Thế nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, anh vẫn không hiểu được mình có thể bị nhiễm bệnh bằng cách nào. Bố mẹ từ Việt Nam nhiều lần gọi sang Hàn Quốc thúc giục con trai về nước. Tùng quyết định về, nhưng anh không nói đang triệu chứng rát họng cho bố mẹ biết, "sợ họ lo lắng quá".

"Đường phố Daegu lúc ấy vắng lắm", Tùng kể. "Bởi thế nên mình lo. Dịch bùng phát mạnh nhưng nhiều người dân ở đây vẫn chủ quan, ra đường không đeo khẩu trang".

Sinh viên Đại học Quốc gia Kyungpook thời gian này được nghỉ đông. Từ khi có dịch, anh cũng nghỉ làm thêm ở quán thịt xiên nướng. Những ngày cuối cùng ở lại Daegu trước khi lên máy bay về Việt Nam, cơn đau rát họng càng hoành hành.

"Chỉ cần nói hay nuốt nước bọt thôi là đã thấy đau như lửa đốt", Tùng mô tả. "Còn ho thì ít thôi". Anh bắt đầu thấy khó chịu, tay thường ôm lên họng, cố gắng uống nước nhiều hơn nhưng không tác dụng.

Nguyễn Văn Tùng trong ngày xuất viện 20/3 tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nguyễn Văn Tùng trong ngày xuất viện 20/3 tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn đầu tháng 3, Tùng được chuyển ngay về khu cách ly Vân Đồn kiểm tra bước một, sau đó về trường quân sự Ninh Bình để kiểm tra kỹ càng hơn. Anh khai báo tiền sử, triệu chứng đầy đủ, mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm.

"Nửa đêm hôm sau, tôi được gọi dậy đưa đến khu riêng điều tra tiền sử dịch tễ. Tôi đoán 90% tôi đã nhiễm bệnh rồi", Tùng chia sẻ.

Chiếc xe chuyên dụng đưa anh đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình. 10 người cùng phòng Tùng, có cả em gái, trong đêm cũng được đưa đi cách ly chỗ khác. Tại đây, anh chính thức được thông báo dương tính nCoV - Bộ Y tế ghi nhận "bệnh nhân 18".

Đã hiểu phần nào về cách nCoV xâm nhập vào cơ thể, đe dọa tính mạng, anh vẫn bất ngờ, băn khoăn không biết mình đã nhiễm bệnh bằng cách nào. Chỉ có hai người bạn mà anh tiếp xúc nhiều nhất khi ở Hàn Quốc, họ đều đã về Việt Nam, xét nghiệm âm tính nCoV.

Tùng lo lắng. Khi ấy, cứ nuốt nước bọt, nói vài câu, tay anh lại ôm lên họng vì đau đớn. Nhưng, anh tự tin: "Tôi nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe nên sẽ có thể chiến thắng được dịch bệnh". Anh cũng tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam nên tâm lý có phần thoải mái. Tùng động viên bố mẹ đang ở quê nhà Thái Bình qua điện thoại để gia đình an tâm.

Ngày đầu tiên nằm ở Khoa truyền nhiễm, bác sĩ hỏi han triệu chứng, sau đó điều trị theo phác đồ, uống thuốc, truyền dịch nâng cao thể trạng.

Khoảng 2-3 hôm sau, các cơn đau rát họng giảm dần.

Không gian xung quanh phòng cách ly yên ắng, ít tiếng động. Không còn bận tâm bởi những cơn đau rát họng nhưng nỗi lo lắng khác lại thường trực: "Không biết mình có lây nhiễm cho ai khác nữa không?". Thật may, cả em gái Tùng cùng những người trong phòng cách ly đều có kết quả âm tính.

Hơn 10 ngày nằm trong phòng cách ly, Tùng bầu bạn cùng chiếc điện thoại, lên mạng, nhận tin nhắn cuộc gọi từ bạn bè. Anh theo dõi tin tức báo chí về tình hình dịch bệnh tại Daegu - Hàn Quốc và Việt Nam. Điện thoại là thứ duy nhất kết nối anh với thế giới bên ngoài.

Anh nhớ lại khoảng thời gian ở Daegu sống giữa hàng nghìn người nhiễm bệnh, phải đối mặt với ổ dịch được cho là lớn thứ 2 thế giới thời điểm đó, những mối nguy hiểm sẵn sàng ập đến bất cứ nơi nào anh đi qua. Anh lại nghĩ ngợi mông lung, đêm mất ngủ. Thỉnh thoảng, Tùng tập thể dục trong phòng để nâng cao sức đề kháng, dễ ngủ hơn. Anh cho biết: "May mắn tôi chỉ đau rát họng, không sốt cao nên người đỡ mệt mỏi".

Tùng có kết quả âm tính nCoV lần đầu sau hơn một tuần điều trị, cơn đau rát họng không còn, "lòng nhẹ nhõm và vui vì biết mình sẽ khỏi bệnh trong nay mai thôi".

Tùng xuất viện Đa khoa Ninh Bình ngày 20/3 sau 3 lần xét nghiệm âm tính nCoV. Anh được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Thái Bình tiếp tục theo dõi, đến nay.

4h chiều trong căn phòng cách ly, Tùng đứng dậy nhấp ngụm nước, rồi lại quay về giường nằm đọc sách. Mọi nỗi niềm lo lắng thường trực đã biến mất từ lâu, giờ chỉ còn cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái của một người vừa từ tâm dịch trở về, khỏi bệnh.

"Tôi chỉ mong được trở về nhà cùng bố mẹ thật sớm", anh nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn