Họa sĩ Anh vẽ tranh 14 ngày cách ly

Thứ năm, 26/03/2020, 09:34
Nghệ sĩ Anh Gareth Fuller minh họa 14 ngày tự cách ly bằng những bản vẽ đen trắng.

Khi từ Kuala Lumpur (Malaysia) trở về phòng làm việc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 3/3, họa sĩ Gareth Fuller đối mặt với lệnh tự cách ly hai tuần tại nhà, nhằm ngăn sự lan rộng của Covid-19. "Tôi muốn ghi lại trải nghiệm của mình nên vẽ tranh minh họa cuộc sống trong bốn bức tường", nghệ sĩ chia sẻ qua điện thoại với CNN.

Mỗi ngày trong căn hộ 59 mét vuông, Fuller ghi lại trải nghiệm, suy nghĩ của mình. Buổi sáng, anh dành thời gian quan sát xung quanh - đồ đạc, tin tức từ radio, tivi, cuộc sống bên ngoài cửa sổ. Tới chiều và tối, họa sĩ phác thảo bản vẽ, cho rằng cách này giúp lưu tâm kỹ tới các chi tiết dễ bị bỏ qua trong cuộc sống thường nhật. Từ đó, Fuller cho ra đời 14 bản vẽ tên Bản đồ cách ly.

Họa sĩ tái hiện khung cảnh trong bốn bức tường ở ngày đầu cách ly (đã Việt hóa).

Những bản vẽ đầu tiên, Fuller tập trung mô tả căn hộ với vật dụng quen thuộc. Anh nghĩ ra vài ý tưởng như kính bơi để ngăn các "giọt virus" bắn vào mắt, mặt nạ phòng độc, bình lọc khí hay gầm bàn trú ẩn... trong ngày thứ hai. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Sang ngày thứ tư, anh hướng tầm mắt ra ngoài cửa sổ, mô tả đường phố Bắc Kinh trong mùa dịch. Ở ngày thứ năm, họa sĩ Anh thậm chí vẽ Bản đồ trốn thoát, phác họa kế hoạch bỏ trốn khỏi nơi cách ly một cách vui nhộn, hài hước.

Tầm nhìn từ cửa sổ căn hộ của Fuller ở Bắc Kinh.

Những ngày cuối, tác phẩm thể hiện khung cảnh tưởng tượng, như vùng biển ngập chai rửa tay khô, có điểm tận cùng thế giới hay đảo cách ly với nhiều hình ảnh trừu tượng. Bức vẽ ngày 13 dựa trên cảm hứng trò chơi Pacman - thể hiện thông điệp sống chân thật, vị tha qua hình ảnh virus có thể lây cho bất cứ ai. Trong khi đó, ngày 14 anh tổng kết tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Fuller vẽ bản đồ tình hình dịch bệnh thế giới trong 14 ngày anh bị cách ly (từ ngày 3 đến 17/3).

Nam nghệ sĩ chia sẻ khi tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, anh để trí tưởng tượng phát huy, biến tình huống trớ trêu thành cơ hội sáng tạo. Cây bút Karina Tsui của CNN nhận xét: "Fuller sử dụng khiếu hài hước như một phần công việc, ghi lại trải nghiệm bản thân. Đó là giải pháp giúp anh ứng phó với tin tức tiêu cực về bệnh dịch tăng lên hàng ngày"

Gareth Fuller nổi tiếng với những bức tranh bản đồ thành phố phức tạp, cầu kỳ. Tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến là tranh minh họa thành phố Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, London hay Bristol, kết hợp bản đồ đô thị với trải nghiệm cá nhân. Một số được lưu trữ trong Thư viện Anh và Bảo tàng London.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích