Nghệ sĩ chơi vĩ cầm khi nhiễm nCoV

Thứ sáu, 27/03/2020, 09:26
Anne-Sophie Mutter đeo khẩu trang, kéo vĩ cầm trong show diễn trực tuyến tối 26/3, sau khi nhận kết quả dương tính với nCoV cùng ngày.

Nghệ sĩ vĩ cầm thông báo bệnh với đồng nghiệp và người hâm mộ trên Facebook, cho biết hiện tự cách ly tại nhà riêng ở Munich. Trước đó, bà nhận lời tham gia dự án hòa nhạc trực tuyến của dàn giao hưởng London, tối 26/3. Anne-Sophie quyết định không hủy buổi diễn vì chương trình cho phép các nhạc công tự biểu diễn tại nhà và được ghép lại bởi một kỹ sư âm thanh.

Anne-Sophie Mutter bắt đầu biểu diễn chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi. Ảnh:The Violin Channel.

Buổi diễn được phát trên nhiều ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như Spotify, IDAGO, sau đó phát lại trên trang Facebook của dàn nhạc giao hưởng London. Bà cùng ba nhạc công khác diễn The Harp - bản tứ tấu đàn dây số 10 cung Mi giáng trưởng của Beethoven, viết năm 1809. Cuối chương trình, Anne-Sophie giao lưu ngắn với khán giả về tình hình sức khỏe.

Trên trang cá nhân, Anne nói tự tin sẽ chiến thắng bệnh: "Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Tôi có khả năng cao bình phục vì mới 56 tuổi, không hút thuốc nên phổi khỏe mạnh. Các bạn, nếu là người hút thuốc, hãy bỏ ngay lập tức".

Anne cho biết đây là quãng thời gian khó khăn với cộng đồng. Với tư cách nghệ sĩ, bà nhớ những buổi hòa nhạc biểu diễn trước khán giả. "Tôi hy vọng các bạn vẫn nghe nhạc, hạnh phúc. Mọi chuyện sẽ sớm trở nên tốt hơn", bà nói.

Anne-Sophie Mutter sinh năm 1963, là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng của Đức. Từ nhỏ, bà bỏ học và dành hết thời gian tập nhạc. Năm 13 tuổi, Anne lần đầu lên sân khấu tại lễ hội âm nhạc Lucerne ở Thụy Sĩ, biểu diễn bản Violin Concerto No. 4 ở cung Rê trưởng của Mozart.

Trong suốt hơn bốn thập kỷ biểu diễn, Anne từng hợp tác cùng nhiều nhạc trưởng như Sebastian Currier, Henri Dutilleux, Sofia Gubaidulina, Witold Lutosławski hay Norbert Moret... Bà từng bốn lần nhận giải Grammy ở các hạng mục dành cho nhạc giao hưởng. Năm 2019, Anne nhận hai danh hiệu cao quý về nghệ thuật gồm Polar Music Prize (của Thụy Điển) và Praemium Imperiale (của Nhật Bản) vì những đóng góp cho dòng nhạc thính phòng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn