"Không may là Mỹ đang trong giai đoạn có tỷ lệ người nhiễm nCoV tăng theo cấp số nhân", Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Đại học Pennsylvania, nói với VnExpress.
Mỹ đã ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm và hơn 1.200 người chết do Covid-19, là vùng dịch lớn nhất toàn cầu.
Theo Offit, tình hình ở Mỹ không giống ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore, nơi đã có thể ngăn chặn tốc độ lây lan của nCoV. "Mỹ chưa thể hiện có thể kiềm chế được dịch", ông nói.
Người dân Mỹ mang khẩu trang trên phố New York, Mỹ, ngày 4/3. Ảnh: Reuters. |
Lý giải nguyên nhândịch diễn biến nhanh ở Mỹ, Tiến sĩ Offit cho rằng Washington đã chậm trễ nhận dạng Covid-19 "sẽ trở thành vấn đề". Cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo Quốc hội vào đầu tháng 1/2020 về dịch bệnh nhưng không được chính phủ quan tâm. Chính quyền không áp lệnh hạn chế đi lại sớm với các nước có nhiều người nhiễm nCoV. Washington cũng không đẩy nhanh xét nghiệm kịp thời. Tính đến cuối tháng 2/2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện khoảng 500 xét nghiệm, mức thấp hơn nhiều so với con số 150.000 xét nghiệm Hàn Quốc đã làm. Mỹ không chuẩn bị sẵn khẩu trang, máy thở, cơ sở hạ tầng của bệnh viện và các biện pháp khác.
"Tôi cho rằng Mỹ đã không có sự chuẩn bị. Dịch đang lây lan mất kiểm soát", Offit nói.
Giáo sư Dean Jamison, phụ trách mạng lưới Ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, Đại học Washington, cũng cho rằng Mỹ đã không tăng cường sản xuất các thiết bị cho nhân viên y tế từ sớm. Cuối tháng 1/2020, tạp chí y khoa Lancet công bố nghiên cứu cho thấy nCoV lây từ người sang người. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ thiếu thiết bị y tế như máy thở, kit xét nghiệm. Tính đến cuối tháng 3/2020, riêng bang New York cần bổ sung thêm 30.000 máy thở.
CNN đưa tin các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đều chứng kiến tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ, trong khi số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Jamison cho hay chính em gái và em rể ông, bác sĩ tại Bệnh viện của Đại học Johns Hopkins, bang Maryland, đang đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ. Mỹ chưa có chương trình nào sản xuất thiết bị y tế ở quy mô toàn quốc.
"Đây là sự thất bại trong chính sách của Mỹ", Jamison nói. Ông cho rằng Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội khống chế khi dịch ở mức độ vừa phải, để Covid-19 vượt ngoài tầm kiểm soát.
Nguyên nhân thứ hai khiến ca nhiễm ở Mỹ gia tăng, theo Carroll, là người dân vẫn tham gia các hoạt động mang nguy cơ lây lan virus. Nhiều người không thấy cần thiết giữ khoảng cách với người khác, không cần rửa tay thường xuyên. Trong khi chính quyền các bang đang thực hiện các biện pháp cứng rắn để đối phó với bệnh dịch, chính quyền liên bang chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn Covid-19.
Theo Carroll, Mỹ đang "tái diễn" tình hình ở châu Âu, khi Nhà Trắng quan tâm đến tác động của dịch bệnh đến kinh tế nhiều hơn. Tổng thống Trump ngày 23/3 cho rằng tác động kinh tế do Covid-19 gây ra nghiêm trọng hơn tác động đến sức khoẻ cộng đồng. Nếu Mỹ để Covid-19 vượt ra ngoài tầm kiểm soát, tác động đến kinh tế nước này sẽ lớn hơn, so với ảnh hưởng của các biện pháp kiềm chế cần thiết hiện nay. Lãnh đạo của Mỹ đang thể hiện sự thiếu kiên nhẫn.
"Điều khiến tôi lo ngại nhất là Mỹ không có ban lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả", Carroll nói.
Theo Offit, dịch bệnh sẽ gây hai tác động lớn: sức khoẻ của người dân và tình trạng thất nghiệp. Dự báo khoảng 30 triệu người Mỹ sẽ mất việc, dẫn tới nguy cơ tăng tỷ lệ vô gia cư, bạo lực gia đình, trầm cảm, tự tử.
Đánh giá về năng lực của Mỹ, tiến sĩ Dennis Carroll, từng phụ trách xử lý đại dịch cúm và các nguy cơ mới nổi, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) trong 15 năm, cho rằng Washington có đủ khả năng để chặn đứng Covid-19 dù số ca nhiễm "tăng theo cấp số nhân". Ở cấp bang, chính quyền quyết tâm ngăn dịch bệnh lây lan. Tại New York, California và một số bang khác, thống đốc bang thực hiện các biện pháp cứng rắn, hạn chế người dân đi lại, và đóng cửa nền kinh tế. Tại Washington D.C, người dân đã tuân thủ quy định "cách biệt cộng đồng", làm việc từ xa, các nhà hàng, cơ sở giải trí đều đóng cửa.
"Các biện pháp chặn Covid-19 sẽ phổ biến ở nhiều nơi trong các tuần tới. Tôi cho rằng mọi người bắt đầu nhận ra nguy cơ bị nhiễm bệnh", Carroll nói.
Về nguồn lực, Giáo sư Jamison cho rằng Mỹ có thể nhanh chóng thay đổi hiện trạng thiếu thiết bị y tế nhờ tiềm lực kinh tế sẵn có. Cộng đồng nghiên cứu khoa học rộng lớn cũng là thế mạnh của Washington.
Mỹ đang xúc tiến để đưa gói kích thích kinh tế kỷ lục 2.000 tỷ USD vào thực tiễn. Giữa tháng này, Trump đã ký một gói viện trợ 100 tỷ USD bao gồm các điều khoản xét nghiệm Covid-19 miễn phí và đảm bảo lương cho người lao động nghỉ việc. Trước đó, một gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD cũng được thông qua để các cơ quan y tế nghiên cứu và phát triển vắc-xin.
"Các nhà khoa học Mỹ, trong vòng một hoặc hai tháng, có thể thay đổi hoàn toàn môi trường y tế để đối phó với dịch bệnh", Jamison nói.
Dự báo diễn biến sắp tới, Jamison cho rằng tình hình ở Mỹ chắc chắn sẽ trở nên xấu hơn. Ông lo ngại ca tử vong ở Mỹ sẽ gia tăng do thiếu thiết bị y tế, đặc biệt là máy thở dành cho các trường hợp nặng. Tuy nhiên, Jamison phủ nhận ước tính của Thống đốc bang California Newsom, rằng 56% dân số bang, tương đương 25,5 triệu người, có thể bị nhiễm nCoV trong hai tháng tới.
"Tôi không nghĩ là tình hình ở Mỹ xấu hơn so với Trung Quốc quá nhiều", Jamison nói.
Offit cho rằng dịch ở Mỹ sẽ sớm "đạt đỉnh", có thể là trong tháng 4 hoặc tháng 5/2020. Ông tin người dân Mỹ sẽ hiểu cần thực hiện nghiêm túc cách ly và hạn chế tiếp xúc cộng đồng. Trên phạm vi toàn cầu, Covid-19 sẽ giống như SARS và MERS, có thể chấm dứt sau một đến hai năm.
Theo VNE