Các nước châu Á khuyến khích sinh con như thế nào?

Thứ sáu, 08/05/2020, 10:47
Tặng tiền cho phụ nữ sinh con, hỗ trợ phí chụp ảnh cưới hay hối thúc lao động về nhà sớm là những biện pháp các nước châu Á dùng để khuyến khích sinh sản.

Nhật Bản là quốc gia "siêu già", tức hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Năm 2018, bình quân một phụ nữ Nhật sinh 1,42 con. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản năm 2015, dân số khoảng 127 triệu người của đất nước có thể giảm xuống dưới 100 triệu vào năm 2049 và 82 triệu vào năm 2065.

Học sinh trường mần non tại Nagi, Nhật Bản năm 2018. Ảnh: CNN.

Một trong số những lý do khiến người Nhật ngày càng ngần ngại sinh con là văn hóa làm việc, chi phí chăm sóc trẻ em và kinh tế bấp bênh. Xu hướng này có nguy cơ tạo ra tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.

Chính phủ Nhật đã đưa ra một số biện pháp để các bà mẹ đi làm cân bằng cuộc sống tốt hơn. Mặc dù Nhật Bản đã đưa ra một số chính sách nghỉ phép dành cho người lao động vào đầu năm 1911, đến năm 1992 họ mới cho phép cha mẹ nghỉ phép có lương lên đến một năm sau khi sinh con.

Chính phủ yêu cầu các công ty gồm hơn 300 nhân viên đề ra mục tiêu tuyển dụng hoặc thăng chức cho nhân viên nữ. Năm 2017, Nhật đầu tư hai nghìn tỷ yên (18,47 tỷ USD) vào một gói trợ cấp cho chăm sóc người già và giáo dục trẻ em. Trường mầm non công miễn phí cho trẻ em từ 3-5 tuổi và cả trẻ dưới độ tuổi đó đối với gia đình có thu nhập thấp.

Một số thị trấn và đô thị Nhật Bản còn đưa ra những biện pháp đặc biệt. Thị trấn Nagi đã tăng tỷ lệ sinh từ 1,4 năm 2004 lên khoảng 2,8 vào năm 2014 bằng cách tặng tiền các bà mẹ mới sinh cũng như các khoản trợ cấp cho chăm sóc trẻ em, nhà ở, y tế và giáo dục. Các gia đình nhận 100.000 yên (879 USD) khi sinh con đầu lòng, 150.000 yên (1.300 USD) khi sinh con thứ hai và khoảng 400.000 yên (3.500) cho lần sinh thứ năm.

Năm 2018, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp kỷ lục, bình quân mỗi phụ nữ sinh 0,98 con, chưa bằng một nửa so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Trong 6 năm tới, Hàn Quốc được dự đoán trở thành "xã hội siêu già". Đây được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc chi 152,9 nghìn tỷ won (128,5 tỷ USD) để tăng tỷ lệ sinh. Thông qua chương trình trợ cấp nhà nước, các cặp vợ chồng sắp có em bé có thể nhận 500.000 won (420 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh và khoản trợ cấp 107.000 won (89,90 USD) mỗi tháng dành cho phụ huynh có con dưới 5 tuổi.

Trung bình người Hàn Quốc làm việc 2.113 giờ một năm - nhiều thứ hai trong số các quốc gia khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ đã nhận ra tác động của điều này đối với thời gian hẹn hò của thanh niên nên số giờ làm việc trong tuần đã bị cắt giảm từ 68 giờ xuống còn 52 giờ.

Năm 2010, một ý tưởng đặc biệt của Bộ Y tế Hàn Quốc ra đời: yêu cầu các tòa công sở tắt điện vào 19h30 thứ 4 của tuần thứ ba hàng tháng "để thúc đẩy sinh sản và chăm sóc con cái".

"Về nhà sớm có thể không có liên kết trực tiếp với sinh con, nhưng bạn không thể loại trừ hoàn toàn mối liên kết có thể có giữa hai vấn đề", quan chức y tế Hàn Quốc Choi Jin-Sun nói.

Trong nội bộ Bộ Y tế Hàn Quốc cũng có những biện pháp khuyến khích nhân viên sinh con, bao gồm tặng tiền mặt cho những người có nhiều hơn hai con. Một số chính quyền địa phương còn vận hành dịch vụ mai mối để tăng tỷ lệ sinh.

Cuối năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ hỗ trợ nhà ở cho gần 25.000 cặp vợ chồng mới cưới mỗi năm thông qua sáng kiến phúc lợi 3,1 nghìn tỷ won (2,6 tỷ USD).

Các cặp vợ chồng không sở hữu nhà, đã kết hôn được 7 năm và thu nhập tổng hàng năm dưới 100 triệu won được nhận khoản vay lên tới 200 triệu won với lãi suất thấp. Các cặp vợ chồng có nhiều con sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.

Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con từ năm 1980, kêu gọi đảng viên chỉ có một con để giữ dân số ở mức 1,2 tỷ người cho đến hết thế kỷ 20. Năm 1982, chính sách này được soạn thảo thành hiến pháp và trở thành bắt buộc. Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách năm 2016. Tuy nhiên, sau khi chính quyền cho phép sinh con thứ hai, nhiều cặp vợ chồng thờ ơ vì cho rằng sinh thêm một con quá tốn kém.

Năm 2016, số em bé chào đời ở Trung Quốc cao kỷ lục, ở mức 17,9 triệu. Nhưng số ca sinh đã liên tiếp giảm xuống 17,2 triệu năm 2017, 15,2 triệu năm 2018 và 14,6 năm 2019. Dân số trong độ tuổi lao động 16-59 tuổi là 896,4 triệu vào năm 2019, chiếm 64% tổng dân số, trong khi số người trên 60 tuổi là 253,8 triệu người, tương đương 18%. Tỷ lệ sinh năm ngoái ở mức 10,48 trẻ trên 1.000 người, thấp nhất kể từ năm 1949.

Nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã thành lập các trung tâm và nền tảng trực tuyến chỉ dẫn sinh sản, để cung cấp dịch vụ thuận tiện cho các cặp vợ chồng trẻ. Từ ngày 1/1/2019, mỗi cặp vợ chồng được khấu trừ 1.000 NDT (khoảng 148 USD) mỗi tháng từ thu nhập chịu thuế khi nuôi con từ bậc mẫu giáo cho đến tiến sĩ.

Các chính quyền địa phương đã sáng tạo nhiều biện pháp để khuyến khích kết hôn và sinh sản. Thành phố Nghi Xương ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc miễn phí chi phí sinh nở cho bà mẹ sinh con thứ hai. Thành phố Tiên đào ở Hồ Bắc tặng các cặp vợ chồng 1.200 NDT (179 USD) nếu sinh con thứ hai.

Tại Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, chính quyền năm 2018 đưa ra gói trợ cấp hôn nhân. Các cặp vợ chồng sắp cưới được chính quyền hỗ trợ 5% chi phí chụp ảnh cưới. Họ còn được giảm 3 NDT (0,48 USD) với mỗi gram vàng và mỗi lần mua xe được hoàn 500 NDT (79,41 USD).

Tỷ lệ sinh ở Singapore năm 2018 là một phụ nữ sinh trung bình 1,14 con, giảm so với mức 3 con năm 1970, khiến nước này nằm trong nhóm có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Trong nhiều năm qua, Singapore đã khuyến khích sinh sản bằng trợ cấp tiền mặt cho những cặp vợ chồng mới có con, hỗ trợ nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng trẻ và thậm chí còn mở chương trình tư vấn tình cảm.

Hồi tháng một, chính phủ đã tăng cường trợ cấp cho các phụ huynh có con học tại trường mầm non với mức tối thiểu là 300 đô Sing. Chính quyền cũng dành nhiều quan tâm hơn cho các phương pháp điều trị và hỗ trợ sinh sản. Họ có chính sách tăng thời gian nghỉ thai sản và giảm thuế nhiều hơn cho các gia đình đông con. Chính phủ còn trợ cấp cho các công ty cho phép nhân viên làm việc linh hoạt, như làm việc từ xa.

Singapore đang tìm những cách mới để giúp người dân "tìm bạn trăm năm". Deon Chan, người sáng lập công ty hẹn hò Love Express, gần đây đã nhận được một khoản tài trợ của chính phủ để xây dựng ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo nhằm gợi ý đối tượng hẹn hò cho những người độc thân tham dự các sự kiện công ty cô tổ chức.

"Chúng ta phải tích cực làm cho người dân cảm thấy việc kết hôn và nuôi con không phải là gánh nặng mà là niềm vui và đáng được tôn vinh", Bộ trưởng Nhân lực Josephine Teo nói hồi năm ngoái.

Theo VNE

Các tin cũ hơn