"Nếu không biết nguồn gốc của virus ở đâu, sẽ rất khó để ngăn đại dịch tái diễn", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc họp báo hôm 6/5 ở Geneva, Thụy Sĩ. "Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác ở Trung Quốc để đưa thêm phái đoàn tới đó".
Van Kerkhove hồi tháng 2 tham gia phái đoàn tới Trung Quốc. Nhóm điều tra này của WHO sau đó kết luận nCoV có nguồn gốc từ động vật. Dơi dường như là vật mang virus nhưng không thể xác định được vật chủ trung gian.
Phái đoàn điều tra lần này mang tính chuyên môn hơn sẽ "thực sự tập trung xem xét những gì xảy ra ngay từ đầu liên quan đến quá trình tiếp xúc với các loài động vật khác nhau", bà nói thêm.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO. Ảnh: AFP. |
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tranh luận ngày càng tăng về nguồn gốc loại virus gây đại dịch toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nCoV có khả năng bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tuần trước tuyên bố "có bằng chứng to lớn" cho thấy virus lọt ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ông cũng nhiều lần nói rằng Mỹ không được tiếp cận Viện Virus học Vũ Hán và chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/5 cho biết sẽ công bố báo cáo về nguồn gốc virus, song không nêu thời gian cụ thể. Một số nguồn tin nói rằng Trump trước đó đã chỉ đạo tình báo điều tra giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Phần lớn các nhà khoa học cho rằng nCoV có nguồn gốc từ động vật và đã "nhảy" sang người. Trung Quốc nhiều lần phủ nhận giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm, cáo buộc Mỹ đang chính trị hóa dịch bệnh để chuyển hướng chỉ trích việc xử lý khủng hoảng trong nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua tuyên bố Pompeo "không có bất kỳ bằng chứng nào" về nCoV và nguồn gốc virus nên để các nhà khoa học và chuyên gia y tế giải quyết.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,8 triệu người nhiễm và hơn 265.000 người tử vong. Trong khi Trung Quốc dường như đã kiểm soát được dịch bệnh, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,2 triệu ca nhiễm và gần 75.000 ca tử vong.
Theo VNE