Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với TT Trump về chống dịch

Thứ năm, 07/05/2020, 09:10
Tối 6/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết tại cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp và vận chuyển trang thiết bị y tế cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Mỹ.

Tổng thống Trump nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời chào tới nhân dân Việt Nam.

Tổng thống Trump thông báo sẵn sàng tặng Việt Nam một số máy thở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19; đồng thời đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh.

Tổng thống Trump lấy làm tiếc Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đã bị hoãn do dịch Covid-19 và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ - ASEAN trong thời gian tới.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc dien dam voi TT Trump ve chong dich hinh anh 1 vna_potal_thu_tuong_nguyen_xuan_phuc_dien_dam_voi_tong_thong_my_donald_trump_stand_1_.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cập nhật về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở Việt Nam, đồng thời chia sẻ những mất mát, khó khăn mà người dân Mỹ đang phải gánh chịu, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ sớm kiểm soát thành công dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong đối phó với dịch Covid-19, cảm ơn thiện chí của Tổng thống Trump tặng máy thở cho Việt Nam; đồng thời cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho ASEAN, trong đó gần 10 triệu USDdành riêng cho Việt Nam để nâng cao năng lực y tế và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Tiếp tục mở cửa thị trường hàng hóa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tỏ hài lòng về tiến triển thực chất trong quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng cho đến khoa học - giáo dục, giải quyết hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân.

Hai bên vui mừng nhận thấy kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tiếp tục tăng trong quý I/2020, trong đó xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau trong thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp để đưa quan hệ toàn diện đi vào chiều sâu, nhất là trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

Tổng thống Trump khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, đánh giá quan hệ Việt Nam - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua và tin tưởng quan hệ sẽ tiếp tục phát triển ngày càng bền chặt hơn thời gian tới; đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ sớm được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, vào các ngày 26/3 và ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump đã có thư thăm hỏi về tình hình dịch Covid-19.

Cùng ngày, theo đề nghị của phía Mỹ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại; thống nhất phối hợp chặt chẽ để tổ chức, triển khai các hoạt động hợp tác nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2020, qua đó làm sâu sắc hơn hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ứng phó với các thách thức chung, nhất trí tăng cường phối hợp để thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Mỹ, trong quá trình Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hai bên cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Hợp tác chống Covid-19 từ đầu dịch

Trong thời gian qua, chính phủ hai nước đã hợp tác rộng rãi trong cuộc chiến chống Covid-19. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã hợp tác với các quan chức Việt Nam để theo dõi và ứng phó với tình hình diễn tiến của dịch bệnh Covid-19.

Ngày 17/4, Việt Nam đã trao tặng cho Mỹ 250.000 khẩu trang y tế, trong đố 50.000 chiếc được gửi tặng cho Nhà Trắng, với tổng giá trị khoảng 100.000 USD. Trước đó, Việt Nam đã hỗ trợ chính phủ Mỹ và công ty DuPont sản xuất và vận chuyển 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế cho Kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc dien dam voi TT Trump ve chong dich hinh anh 2 Viet_Nam.jpg

Lô hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ được gửi từ Việt Nam sang Mỹ hỗ trợ cuộc chiến với Covid-19. Ảnh: Twitter.

Trong thông cáo ngày 8/4, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết chính phủ Mỹ sẽ chuyển nguyên vật liệu sang Việt Nam mỗi tuần để cơ sở của công ty DuPont tiếp tục sản xuất đồ bảo hộ. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết chuyến hàng này chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Việt - Mỹ.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/4 xác nhận Việt Nam đã hỗ trợ các chuyến bay chở 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ cá nhân đến Mỹ. Trong cuộc đối thoại trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN, ông Pompeo đặc biệt cám ơn Việt Nam đã hỗ trợ đưa vật tư y tế đến Mỹ.

Ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố viện trợ 5 triệu USDcho Quỹ Hỗ trợ Kinh tế, sẽ nhằm đem lại những “hỗ trợ ngay lập tức, bao gồm hỗ trợ phục hồi khu vực tư nhân bằng cách giảm thiểu tác động tài chính của đại dịch đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại Việt Nam.

Đại sứ Kritenbrink nói khoản viện trợ sẽ tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, và giúp Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục hành trình trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao... Ông nhấn mạnh khoản viện trợ "củng cố cam kết của chúng tôi ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”.

Trong tháng 4, Mỹ cũng công bố khoản hỗ trợ y tế 4,5 triệu USDnhằm giúp Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát, phát hiện ca nghi nhiễm, hỗ trợ chuyên môn trong chuẩn bị và ứng phó, giáo dục cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm ở cơ sở y tế, và kiểm tra y tế cộng đồng tại các điểm nhập cảnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn