Bí thư Thành ủy TP.HCM dự báo thời điểm Việt Nam mở cửa giao thương với quốc tế

Thứ ba, 05/05/2020, 15:36
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các quốc gia đã chuyển trạng thái sang kiểm soát được dịch và có tỷ lệ nhiễm không vượt quá 10 người nhiễm/triệu dân thì Việt Nam có thể giao thương được.

Tại tọa đàm Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế thành phố 2020 ngày 5/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định TP.HCM có thể dự báo thời điểm kiểm soát dịch của một số nước là đối tác đầu tư, thương mại, du lịch. Từ đó, đưa ra quy luật, dự báo thời điểm để chủ động liên hệ các quốc gia này, mở lại nền kinh tế.

Qua phân tích tình hình thế giới, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề xuất 10 giải pháp tập trung triển khai để phục hồi kinh tế phát triển bền vững.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân trình bày tham luận tại tọa đàm.

Mở cửa với quốc gia "khỏe"

Từ ngày 11/1, khi Trung Quốc thông báo cáo ca tử vong đầu tiên, đến 5/5, thế giới có 212 nước và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 với 3,6 triệu người nhiễm; hơn 251.000 người chết; và 2,1 triệu người đang điều trị. Ông Nhân nhấn mạnh phải nhìn vào số người đang nằm viện điều trị để đánh giá tình hình dịch hiện tại của thế giới.

Bí thư Nhân chỉ ra tháng 1, thế giới có 27 nước có dịch. Một tháng sau, số nước bị nhiễm tăng vọt và bão hòa dần từ tháng 3, chững lại ở 212 nước có dịch. Ông nhận định đây là dấu hiệu của sự chuyển trạng thái dịch trên thế giới.

Bí thư TP.HCM cho biết đã có 19 quốc gia trên thế giới đã chuyển giai đoạn, tức số người đang điều trị đã đạt mốc cao nhất và giảm dần. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ 5 chuyển giai đoạn trên thế giới vào ngày 30/3, trước đó là Trung Quốc (18/2), Hàn Quốc (12/3), Campuchia (26/3), Brunei (27/3).

"Làm ăn phải xem đối tác thương mại bị dịch cỡ nào để biết có làm ăn được không?", ông Nhân đặt câu hỏi và cho rằng Việt Nam chỉ nên mở cửa giao thương với các đối tác "khỏe", tức kiểm soát được dịch.

Cụ thể, ông nhận định ngoài điều kiện là quốc gia đã chuyển giai đoạn (thuộc nhóm 19 nước kể trên), Việt Nam chỉ nên giao thương với nước duy trì được tỷ lệ nhiễm không vượt quá 10 người nhiễm/triệu dân.

Sau phân tích tình hình dịch chung trên thế giới, Bí thư Nhân phân tích diễn biến dịch của các nhóm nước là đối tác đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam và dự báo thời điểm giao thương cùng khả năng phù hợp với từng nhóm.

Đầu tiên là nhóm 14 nước chiếm 80% thương mại của Việt Nam. Trong 14 đối tác thương mại lớn này, có 9 nước đã chuyển giai đoạn. 5 nước chưa chuyển giai đoạn là Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Hà Lan, Singapore và dự báo dịch còn kéo dài.

Lấy ví dụ Hàn Quốc chuyển giai đoạn từ 12/3 nhưng tỷ lệ nhiễm hiện tại đang là 28 người nhiễm/triệu dân. Ông Nhân dự báo đến khoảng 20/5, tỷ lệ nhiễm của Hàn Quốc sẽ giảm xuống 10 người nhiễm/triệu dân và đây là ngưỡng an toàn, có thể làm ăn được. Với những quốc gia "đang ốm" như Mỹ, dù là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhưng ông Nhân cho rằng trong ngắn hạn chưa nên giao thương từ nay đến cuối năm.

Áp dụng phương pháp tương tự, Bí thư Nhân đặt ra cột một bắt đầu quan hệ bình thường mới với từng quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong - 6/2020; Thái Lan, Đài Loan - 5/2020... Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng nếu đẩy mạnh buôn bán, trong 7 tháng cuối năm, Việt Nam có khả năng khôi phục 57% giá trị thương mại.Phân tích nhóm 6 nước là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam (chiếm 80% tổng giá trị đầu tư), lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đánh giá nếu làm việc với các đối tác đã "khỏe", từ tháng 5 đến tháng 8/2020, Việt Nam có thể khôi phục 67% giá trị đầu tư so với năm trước.

Về ngành du lịch, ông Nhân cho hay có 8 nước chiếm 80% thị phần du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Ước đoán từ nay đến tháng 12, nếu mở cửa từng phần, dự báo có 33% lượng khách nước ngoài so với năm trước đến Việt Nam, tương đương 6 triệu người.

Tuy nhiên, ông Nhân chỉ ra bài toán còn để ngỏ và đặt nhiệm vụ phải giải quyết trong 1 tháng tới là kiểm soát như thế nào với số người nhập cảnh lớn, có thể lên tới vài nghìn. Ông đề xuất có thể yêu cầu tất cả người nhập cảnh phải xét nghiệm với điều kiện tiền xét nghiệm cộng vào tiền vé; hoặc đi cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.

Về quan hệ với ASEAN, tổ chức hiện Việt Nam là chủ tịch, ông Nhân cho hay hiện chỉ có Campuchia, Brunei, và Việt Nam đã chuyển giai đoạn. Thái Lan và Lào có thể an toàn. Singapore, Indonesia chưa an toàn, Malaysia chưa thể dự báo.

Ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp

Qua phân tích tình hình dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 10 giải pháp phục hồi kinh tế cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thứ nhất, phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh, và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Trong đó có: Thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ...; Phát hiện, kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.

Thứ hai, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp bằng các biện pháp: Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5, 6/2020); Hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; Hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhắm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Trong đó, ông Nhân nhấn mạnh việc nên hỗ trợ bằng phương thức hậu kiểm để rút ngắn tối đa thời gian giao kinh phí hỗ trợ, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, hỗ trợ khuyến khích hạn chế thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Thứ tư, kịp thời phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp (tháng 5/2020 đến 12/2020).

Thứ năm, thúc đẩy số hóa tài nguyên của doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh.

Thứ sáu, đẩy mạnh đầu tư công tại TP.HCM, phấn đấu tháng 10 giải ngân trên 80%.

Thứ bảy, đẩy mạnh xây dựng khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP.HCM, đẩy mạnh đầu tư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tám là hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt thách thức.

Chín là đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.

Mười là phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của thành phố, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đề xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực) giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.

Theo Zing

Các tin cũ hơn