Không ghi nhận ca mắc mới, rà soát giá mua sắm máy xét nghiệm Covid-19

Thứ ba, 05/05/2020, 10:09
Sáng nay 5.5, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới. Bộ Y tế đang hoàn tất kết quả rà soát giá mua sắm máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong vụ dịch Covid-19.

Đề xuất quy định, đơn vị kinh doanh phải kê khai giá khi cung cấp thiết bị y tế

Sẽ đón thêm 1.300 chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc

Sáng nay, 5.5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới. Từ 6 giờ ngày 16.4 đến 6 giờ sáng nay, 19 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. 25.625 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly y tế).

Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có 221 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, 10 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; 11 ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cho hay, sẽ có khoảng 1.600 chuyên gia có tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam, làm việc cả ở trên biển và đất liền. Trong đó, 270 đã trường hợp đã đến và được cách ly y tế, được xét nghiệm và ghi nhận chuyên gia đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 (bệnh nhân 271, là chuyên gia của một tập đoàn dầu khí, trụ sở làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh).

Tới đây, còn 1.330 trường hợp sẽ tiếp tục đưa vào Việt Nam. Tất cả các chuyên gia sẽ được cách ly y tế 14 ngày và xét nghiệm virus SARS-CoV-2, xác định ca bệnh Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị các tập đoàn có chuyên gia đến làm việc cần lên kế hoạch, dự kiến chuyên bay,sẽ phối hợp với các bộ giải quyết, có kế hoạch đón và cách ly theo dõi sức khỏe.

Đề xuất kê khai giá thiết bị y tế

Bộ Y tế cho biết, dự kiến trong hôm nay, 5.5, sẽ hoàn tất việc rà soát về thẩm định giá mua sắm máy xét nghiệm Real - PCR xét nghiệm SARS-CoV-2,.
Trước đó, cuối tháng tư, Bộ này đã yêu các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ báo cáo về việc mua sắm máy xét nghiệm từ 2018 đến nay, và mua máy xét nghiệm phục vụ chống dịch Covid-19, sau khi một số địa phương mua hệ thống máy với giá cao hơn khoảng 3 lần so với giá máy khi nhập về đến Việt Nam.
Để kiểm soát việc mua bán lòng vòng, qua nhiều công ty, đẩy giá máy cao bất hợp lý, Bộ Y tế đang xây dựng phần mềm riêng là cơ sở dữ liệu giá trúng thầu các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế; cập nhật kết quả đấu thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Bộ này cho biết đang phối hợp Bộ Tài chính xem xét việc quy định các đơn vị cung cấp máy phải kê khai giá bán.

Theo Thanh Nien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích