Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ngày 4/5, cho biết nam phi công Anh, 43 tuổi, can thiệp ECMO ngày thứ 29, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 11. Hình ảnh siêu âm cho thấy phổi trái thùy dưới đông đặc, tràn khí màng phổi phải.
Tràn khí màng phổi là sự tích tụ của không khí trong khoang màng phổi, làm xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi, gây thiếu oxy trong máu.
Bộ Y tế đánh giá bệnh nhân "rất nguy kịch". Bệnh nhân đã ngưng dùng thuốc vận mạch, huyết áp và mạch ổn định, hiện sử dụng thuốc an thần. Tuy nhiên anh vẫn phải lọc máu, dùng kháng sinh phổ rộng, dẫn lưu khí màng phổi, kiểm soát rối loạn đông máu.
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ và không có bệnh nền.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
Lá phổi bình thường (trái) và lá phổi bị xẹp do tràn khí màng phổi (phải). (Minh họa: wikiland). |
Hôm 18/4, phổi bệnh nhân đông đặc toàn bộ bên trái và một phần ba dưới phổi phải. Tình trạng này sau đó được cải thiện. Đến sáng 24/4 diễn biến xấu đi, phổi mờ và co nhỏ cả hai bên, đông đặc toàn bộ phổi phải. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cepacia và vi nấm Aspergillus. Ngày 30/4 bệnh nhân đông đặc nửa dưới phổi trái, phổi bên phải tiến triển tốt.
Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiều lần âm tính rồi dương tính nCoV trở lại.
Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, ngụ ở TP.HCM và từng tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.
TP.HCM đến nay ghi nhận 55 ca nhiễm nCoV. Trong số đó, 53 người khỏi bệnh xuất viện, 6 trường hợp tái dương tính nhập viện trở lại, nâng số bệnh nhân đang điều trị lên 8.
Theo VNE