Cánh cửa hẹp Trump 'trừng phạt' Trung Quốc

Thứ tư, 06/05/2020, 14:20
Trump và các trợ lý tuần trước tăng cường chỉ trích Bắc Kinh, đặt câu hỏi về nguồn gốc nCoV và gợi ý rằng Mỹ có thể "trả đũa".

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter cuối tuần trước rằng một số kênh truyền hình Mỹ là "những con rối của Trung Quốc", trong khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định Bắc Kinh sẽ phải "chịu trách nhiệm và trả lời rất nhiều vấn đề" về Covid-19, còn việc Mỹ sẽ làm gì, khi nào và tại sao là "tùy thuộc vào Tổng thống".

Đây là một phần trong nỗ lực của Trump nhằm đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã khiến Covid-19 hoàng hoành trên toàn cầu, khiến hơn 72.000 người Mỹ thiệt mạng. Nhiều nguồn tin bên trong Nhà Trắng cho biết chính quyền Trump thậm chí còn đang xem xét sử dụng nhiều công cụ khác nhau, kể cả lệnh cấm vận, đình chỉ nghĩa vụ trả nợ và xây dựng chính sách thương mại mới nhằm trừng phạt Trung Quốc và bất cứ ai mà Mỹ tin là phải chịu trách nhiệm về Covid-19.

Các chuyên gia tin rằng kế hoạch trừng phạt này sẽ là một "mồi lửa mới" trong mối quan hệ vốn đã căng như dây đàn giữa Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, những lựa chọn của Trump để tung đòn vào Trung Quốc sẽ rất hạn chế do những hậu quả kinh tế tiềm tàng của chúng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 30/4. Ảnh: Reuters.

Từ trước khi dịch bùng phát, nghị sĩ từ hai chính đảng Mỹ đều đã nhất trí rằng Washington phải cứng rắn với Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề khác. Nhưng giờ đây, Quốc hội và nhiều cố vấn của Trump có thể chùn bước khi tung ra đòn trả đũa vì chúng có nguy cơ cản trở sự phục hồi kinh tế Mỹ. Hơn 30 triệu người Mỹ đã xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa để tránh nCoV lây lan.

"Câu hỏi đầu tiên chúng ta phải đặt ra là: Liệu biện pháp trả đũa có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của Mỹ không?", James Jay Carafano, chuyên gia từ Quỹ Di sản có trụ sở tại Mỹ, nói. "Nếu câu trả lời là có thì hãy quên chúng đi. Câu hỏi thứ hai là biện pháp đó có thực sự gây tổn hại cho Trung Quốc không?".

Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng cuối tuần trước rằng ông có thể đánh thuế mới với Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt. Matthew Funaiole, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng nếu Mỹ làm vậy, động thái đó sẽ khiến chiến tranh thương mại sôi sục trở lại.

Phần lớn thuế quan Trump áp đặt với Trung Quốc hai năm qua vẫn còn hiệu lực, mặc dù Washington cho phép một số ngoại lệ đối với các nguyên vật liệu liên quan đến sản xuất khẩu trang và máy thở. Thuế được giữ nguyên với nguyên vật liệu sản xuất chất sát khuẩn tay, nhiệt kế và khăn khử trùng.

Nghị sĩ Chip Roy, đồng minh của Trump tại Quốc hội, cảnh báo Trung Quốc có thể đáp trả đòn trừng phạt của Trump bằng cách bóp nghẹt nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Mỹ. "Người Mỹ đã chứng kiến chúng ta phụ thuộc vào thuốc, vật tư và thiết bị y tế sản xuất ở Trung Quốc như thế nào", ông nói. "Nếu Trung Quốc muốn đẩy chúng ta vào tình cảnh khó khăn, họ có thể không xuất những loại thuốc quan trọng sang Mỹ".

Yanzhong Huang, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, lập luận rằng các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh có thể phản tác dụng vì có khả năng khiến các quốc gia khác e ngại báo cáo dịch mới trong tương lai do lo sợ bị Mỹ đổ lỗi và trả đũa.

"Về cơ bản, không có cơ chế hiệu quả nào để thực sự bắt một quốc gia chịu trách nhiệm về đại dịch", Huang nói. "Làm vậy sẽ kéo theo một đống rắc rối".

Các nghị sĩ Cộng hòa trong những tuần gần đây đã đề xuất một loạt đạo luật chống Trung Quốc, bao gồm các biện pháp tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia để đưa Trung Quốc ra tòa Mỹ và cấm chợ buôn bán động vật hoang dã. Bang Missouri ngày 21/4 đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án liên bang Mỹ với cáo buộc nước này "nói dối thế giới về mối nguy hiểm và bản chất lây nhiễm của Covid-19, ngăn chặn những người cảnh báo và làm rất ít để ngăn dịch bệnh lây lan".

Đảng Cộng hòa cũng kêu gọi thẩm tra cách xử lý của WHO trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, với cáo buộc rằng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã "cả tin" Trung Quốc.

Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Chris Murphy từ đảng Dân chủ nói rằng Trump và đảng Cộng hòa đang "chơi đòn chính trị" với Trung Quốc. "Họ chỉ đang tìm kiếm 'vật tế thần' và WHO cùng Trung Quốc là những mục tiêu dễ đổ lỗi". "Không ai trong số họ không có lỗi, nhưng Trump sẽ phải giải thích tại sao rất nhiều người chết ở Mỹ mặc dù chúng ta đã nhận được nhiều cảnh báo từ trước, bất kể sai lầm nào đã xảy ra ở Trung Quốc", Murphy nói.

"Chắc chắn Trung Quốc đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch và che đậy thông tin, nhưng điều khá rõ ràng là chính quyền Trump đang cố gắng 'tung hỏa mù' để chuyển hướng dư luận chỉ trích, khi lẽ ra chính họ phải hành động sớm hơn", ông nói thêm. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,2 triệu người nhiễm, hơn 70.000 người tử vong.

Mark Warner, nghị sĩ đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, cảnh báo về hậu quả của việc quá chú trọng điều tra nguồn gốc của virus. "Tôi nghĩ tìm hiểu về vấn đề này là đúng đắn, nếu như nó được thực hiện bằng cách phù hợp", ông nói. "Điều tôi lo ngại là dường như vấn đề này đã trở thành trọng tâm của Nhà Trắng và Tổng thống. Nhà Trắng có thể tìm cách tác động đến cơ quan tình báo trong cuộc điều tra".

Trong khi đó, Keith Cruz, nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Texas, cho rằng tình trạng chia rẽ đảng phái ở Mỹ đang ngày càng rõ rệt khi chỉ còn vài tháng nữa là đến bầu cử tổng thống. "Rất nhiều đảng viên Dân chủ nhìn mọi thứ qua lăng kính ác cảm đối với Trump", Cruz nói.

Dù hai đảng mâu thuẫn về một số vấn đề, họ đều đồng ý rằng cần thay đổi chuỗi cung ứng của Mỹ, giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ đồ bảo hộ cho đến đất hiếm, nguyên liệu quan trọng để sản xuất linh kiện điện tử.

"Mọi người đều hiểu điều đó", nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul nói. "Người dân Mỹ hiểu rằng chúng ta quá phụ thuộc vào nguồn cung y tế từ Trung Quốc". Hôm 4/5, Chip Roy đề xuất một dự luật khuyến khích các công ty dược phẩm và y tế chuyển dây chuyền sản xuất trở lại Mỹ.

McCaul cho rằng đây là động thái "một mũi tên trúng hai đích", khi vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa tạo lợi thế chính trị cho Mỹ. "Động thái đó sẽ giúp lấy lòng tầng lớp lao động, những cử tri mà cả hai đảng đang cố gắng lôi kéo".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích