Lý do biểu tình ở Mỹ vẫn sục sôi

Thứ ba, 09/06/2020, 14:34
Dakota Patton cảm thấy kiệt sức khi bỏ công việc, lái xe hai giờ mỗi ngày đi biểu tình suốt hai tuần qua, nhưng không có ý định dừng lại.

"Chuyện này quan trọng hơn. Tôi không bận tâm đến bất cứ điều gì khác nữa. Tôi muốn và cần phải ở đây", Patton, thanh niên 24 tuổi tại bang Colorado, Mỹ, cho hay. Anh là một trong những người tham gia làn sóng biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát sau khi George Floyd, người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bị một cảnh sát da trắng ghì chết.

Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra sau cái chết của Floyd, hàng nghìn người vẫn tập trung tuần hành đòi bình đẳng sắc tộc tại hơn 150 thành phố ở Mỹ. Người dân khắp thế giới, như tại Australia, Anh, Pháp, Đức, cũng bất chấp thời tiết giá lạnh và những quy tắc phòng ngừa Covid-19 để xuống đường thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình ở Mỹ.

Quy mô và mức độ của các cuộc biểu tình được cho là chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ và dường như sẽ không sớm lụi tàn. Các con đường, quảng trường tràn ngập những người chấp nhận hủy kế hoạch cá nhân, bớt thời gian làm việc, hoặc vội vàng thuê người trông trẻ để đi biểu tình.

Người biểu tình tập trung tại nơi tưởng niệm George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hôm 2/6. (Ảnh: NY Times).

Nhiều người cho biết mọi kế hoạch của họ đã đổ vỡ sau khi nền kinh tế lao dốc vì Covid-19. Với hàng chục triệu lao động mất việc và hàng loạt sinh viên nghỉ học vì trường đóng cửa, họ giờ đây không có gì ngoài thời gian.

"Cảm giác như nơi này là nhà của tôi", Rebecca Agwu, một lao động thất nghiệp vì đại dịch, cho hay. Cô gái 19 tuổi này đã dành 5 ngày để tham gia cuộc biểu tình tại thành phố Denver, bang Colorado, đồng thời tranh thủ trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ trong đám đông.

Theo các nhà hoạt động và học giả nghiên cứu về những cuộc biểu tình liên quan đến tình trạng bạo lực của cảnh sát, xả súng trường học, nữ quyền hay nhập cư, cơn thịnh nộ lan rộng vì bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc, vấn đề vốn âm ỉ lâu nay, cùng sự thất bại của chính quyền khi xử lý Covid-19, có thể đã giúp phong trào hiện nay sục sôi trong thời gian dài hơn.

"Mọi người đang chứng kiến bất công xảy ra trong mọi lĩnh vực xã hội. Trường học bị đóng cửa. Sinh viên chịu nhiều gánh nặng và nợ nần. Những điều đó đã xát thêm muối vào nỗi đau", Wes Moore, một doanh nhân xã hội, nêu ý kiến.

"Giải pháp cho các cuộc biểu tình lúc nào cũng vậy, lặp đi lặp lại theo một quy trình chuẩn. Họ sẽ triệu tập một ủy ban, tổ chức vài phiên điều trần với sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng. Nhưng lần này một số nhà hoạch định chính sách đã lên tiếng. Đây chính là điểm khác biệt", Jody David Armour, giáo sư luật tại Đại học Nam California, nhận định.

Thị trưởng New York Bill de Blasio cam kết cắt giảm ngân sách của Sở Cảnh sát thành phố và dành nhiều tiền hơn cho các dịch vụ xã hội. Tại Minneapolis, nơi bộ máy thực thi pháp luật từ lâu bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, 9 thành viên của hội đồng thành phố cũng muốn tạo ra một hệ thống an ninh công cộng mới thay thế lực lượng cảnh sát.

Công tác tổ chức tốt dường như cũng là một trong những yếu tố giúp duy trì các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Nekima Levy Armstrong, một nhà tổ chức ở Minneapolis, từng là phó giáo sư luật tại Đại học St. Thomas trong thành phố. Tuy nhiên, bà nghỉ việc hồi năm 2016 để có thể cống hiến hết mình cho phong trào dân quyền và các cuộc biểu tình.

Hôm 3/6, ngay sau khi quyết định truy tố đối với 4 cảnh sát liên quan đến vụ Floyd bị ghì chết được công bố, Armstrong đã tập hợp được hơn 500 người mang theo những tấm biểu ngữ đòi quyền lợi cho người da màu. Bà cảnh báo 4 cảnh sát có thể được một bồi thẩm đoàn gồm toàn người da trắng xét xử rồi được tha bổng.

"Chúng ta phải tiếp tục đề cao cảnh giác. Chúng ta không thể nghỉ ngơi", Armstrong kêu gọi đám đông tập trung trước một đài truyền hình. "Chúng ta phải tiếp tục tuần hành. Hãy duy trì cuộc biểu tình, tiếp tục nói lên sự thật". Đáp lại lời của bà là những tiếng reo hò và vỗ tay.

Các nhà tổ chức cộng đồng cho rằng nguồn năng lượng biểu tình trên đường phố rồi cũng sẽ hạ nhiệt, nhưng phong trào lần này dường như còn giúp tạo ra một thế hệ các nhà hoạt động mới.

Tại khu vực phía Nam bang Florida, các nhà hoạt động đang cố gắng duy trì động lực bằng cách tuyển thêm tình nguyện viên, tổ chức đào tạo, đồng thời đảm bảo mọi người đủ tiền lộ phí để tới tham gia nhiều cuộc biểu tình trong ngày.

"Trước đây, chúng tôi từng chứng kiến động lực phai nhạt dần, nhưng bây giờ mọi người lại muốn biết cách tổ chức biểu tình. Tôi nhận thấy một sự thay đổi", Tifanny Burks, thành viên liên minh đấu tranh vì người da màu tại hạt Broward, bang Florida, cho hay.

Asa Rogers-Shaw, nhà hoạt động 30 tuổi tại thành phố Fort Lauderdale, cho biết không phải ngày nào anh cũng đi biểu tình, mà đang tập trung hoạch định chiến lược để đảm bảo người biểu tình đủ điều kiện duy trì hoạt động. Khi các nhà tổ chức tại hạt Broward mở buổi đào tạo trực tuyến nhằm chỉ dẫn cho người dân cách tiếp tục biểu tình thông qua "những hành động cụ thể", hơn 200 người đã đăng ký.

Cuộc biểu tình vì quyền lợi của người da màu tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 3/6. (Ảnh: NY Times.)

Các nhà hoạt động tại Mỹ còn cho biết họ chưa bao giờ ngừng đấu tranh và kêu gọi cải cách. Tại thành phố Ferguson, bang Missouri, nơi một thanh niên da màu 18 tuổi bị cảnh sát bắn chết hồi năm 2014, cư dân và các nhà hoạt động đã dành gần 6 năm kêu gọi cải cách hệ thống tòa án, chính sách với cảnh sát và lãnh đạo chính trị. Tuần trước, thành phố này bầu ra thị trưởng người Mỹ gốc Phi đầu tiên là Ella Jones.

Tại Baltimore, gia đình của Tyrone West, người thiệt mạng sau khi đụng độ với cảnh sát hồi năm 2013, vẫn tập trung trên đường phố vào mỗi thứ tư hàng tuần để đòi công lý, đồng thời tưởng niệm những người tử vong vì bạo lực của cảnh sát.

Các nhà hoạt động của phong trào "Mạng sống người da màu cũng quan trọng" tại Los Angeles đã biểu tình ở trung tâm thành phố mỗi thứ tư hàng tuần trong hơn hai năm qua, thường chỉ thu hút vài chục người. Tuy nhiên, hàng nghìn người đã đến gia nhập vào tuần trước.

Valerie Rivera, mẹ của một người bị cảnh sát giết hồi năm 2017, cho biết bà rất vui khi có nhiều người tham gia biểu tình cùng. "Chúng tôi vẫn luôn chờ đợi ngày mà mọi người tràn ngập những con phố này", bà nói.

Trong một cuộc biểu tình gần đây ở thủ đô Washington, một người trong đám đông hét lên rằng tất cả họ sẽ quay lại vào ngày hôm sau. Hàng trăm người sau đó hưởng ứng rồi hô vang khẩu hiệu "Và cả ngày hôm sau nữa!".

Một người biểu tình tên Andrew Jackson cho biết những trải nghiệm của bản thân về sự lạm quyền của cảnh sát khiến anh phải bớt giờ làm để đi tuần hành. Thanh niên 25 tuổi này từng bị cảnh sát chĩa súng vào đầu và chứng kiến con trai của một hàng xóm bị bắn chết.

"Tôi sẽ ra ngoài biểu tình ngày này qua ngày khác", Jackson nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn