Xung quanh những ồn ào về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM nhập quốc tịch Cộng hoà Síp, ngày 26/8, trả lời VTC News, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc: "Việc một ĐBQH Việt Nam lại mang quốc tịch nước ngoài là điều không thể chấp nhận".
Theo ông Hoà, trong luật Tổ chức Quốc hội hiện hành không nói cụ thể việc ĐBQH có quốc tịch khác, tuy nhiên theo tinh thần thì ĐBQH không được phép có quốc tịch nước ngoài. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 2021) nêu rõ ĐBQH chỉ được phép có một quốc tịch Việt Nam.
"ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì theo tôi không đủ tư cách đại biểu. Không thể nào Quốc hội Việt Nam lại có người có quốc tịch nước ngoài, dù người đó vẫn còn cả quốc tịch Việt Nam và dù người đó có mua hay nhập quốc tịch nước ngoài bằng cách nào đi nữa", ông Hoà nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp nhưng là do gia đình bảo lãnh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng khi đã có ý định nhập quốc tịch nước khác thì suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức của người đại biểu đó cần phải xem xét lại. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng phải xem xét kỹ trường hợp này, nên "động viên" cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH giống như trường hợp nữ đại biểu trước đây cũng nhập quốc tịch nước ngoài.
Không thể nào chấp nhận trường hợp ĐBQH của Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài.
ĐBQH Phạm Văn Hòa
|
"Với tư cách một ĐBQH, tôi không thể nào chấp nhận trường hợp một ĐBQH của Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài, dù đó có là quốc tịch của nước nào", đại biểu Hoà bức xúc.
Việc đại biểu Phạm Phú Quốc trả lời trên báo chí ông nhập quốc tịch Cộng hoà Síp từ năm 2018 nhưng đến nay chưa hề có báo cáo nào lên các cơ quan của Quốc hội, ông Hoà cho rằng có thể coi đây là hành vi gian dối.
Việc này Ban công tác đại biểu cần phải làm rõ để có báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyết định chính thức.
"Việc ông Quốc giấu, không hề báo cáo là hành vi gian dối. Khi đã có quốc tịch nước ngoài rồi thì trách nhiệm của ông phải báo cáo trước tiên với Đoàn ĐBQH của TP.HCM để Đoàn ĐBQH TP.HCM báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới đúng", ông Hoà nói.
Đại biểu Hoà một lần nữa nhấn mạnh việc phải xử lý nghiêm khắc trường hợp này, "theo tôi nên cho nghỉ, dù rằng đã sắp hết nhiệm kỳ".
Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hoà, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần phải xem xét kỹ lưỡng và xử lý thật nhanh vấn đề này.
"Việc ông Phạm Phú Quốc nhập quốc tịch Cộng hoà Síp từ năm 2018 mà không báo cáo Quốc hội là vi phạm quy định của Việt Nam. Nếu trước khi nhập quốc tịch nước ngoài, ông ta xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và được chấp thuận thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng ông còn đang là đại biểu mà có quốc tịch nước khác là vi phạm", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, những người giữ trọng trách là ĐBQH (như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Phạm Phú Quốc) nhưng lại có những hành động nhập quốc tịch nước ngoài cho thấy sự thiếu hiểu biết về pháp luật của những vị đại biểu này.
Hơn nữa, việc các đại biểu này "âm thầm" nhập quốc tịch mà không báo cáo còn là hành vi thiếu trung thực và việc này cần phải xử lý nghiêm.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội nên nhanh chóng bãi nhiệm chức vụ đối với vị đại biểu này và xem đây là bài học cảnh tỉnh cho các vị ĐBQH đương nhiệm cũng như các vị ĐBQH nhiệm kỳ tới.
|
Theo VTCNews