Hai học giả Lee Jones and Shahar Hameiri khi viết cho tổ chức nghiên cứu Chatham House đã bác bỏ quan điểm đã trở nên phổ biến ở phương Tây hiện nay: Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc chủ yếu là công cụ địa chiến lược mà Trung Quốc cố tình vạch ra nhằm đưa các nước mục tiêu vào tròng, cụ thể là rơi vào tình trạng nợ nần không bền vững và sau đó sử dụng điều đó để tạo ra ảnh hưởng chính trị.
Jones và Hameiri cho rằng BRI còn lâu mới là đại kế hoạch chiến lược. Dựa trên các kết luận của mình về các nghiên cứu trường hợp cụ thể trong đầu tư của Trung Quốc ở Sri Lanka và Malaysia, hai vị này viết rằng “hệ thống tài chính phát triển của Trung Quốc quá phân mảnh và phối hợp kém để theo đuổi các mục tiêu chiến lược chi tiết”.
Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và “Con đường Tơ lụa trên biển”. Ảnh: GRI.
Báo cáo của Chatham đưa ra một câu hỏi thú vị: Các kế hoạch của BRI đã được suy nghĩ thấu đáo chưa, đã thực sự nhạy cảm trước các thực tế chính trị thay đổi ở các nước mục tiêu chưa, và đến mức độ nào?
Quan điểm của Ấn Độ đối với BRI có thể mang lại một số câu trả lời.
Trung Quốc cố chấp?
Nhìn từ góc độ của Ấn Độ, một trong những khía cạnh bí hiểm nhất của BRI là việc Bắc Kinh cứ khăng khăng rằng thành phố Kolkata là một điểm nút trong hành trình của Con đường Tơ lụa trên Biển, cả trước và sau khi Ấn Độ mạnh mẽ bác bỏ sáng kiến BRI.
Bằng cách từ chối tham gia Diễn đàn Vành đai và Con đường vào năm 2017, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thẳng thừng thể hiện tuyên bố phê phán sáng kiến này. Bất chấp thực tế đó, một tấm bản đồ của BRI vào tháng 4/2019 vẫn chứa đựng cả 2 cảng khác của Ấn Độ trong đó, ngay trước Diễn đàn Vành đai và Con đường lần 2 – sự kiện này đã một lần nữa bị Ấn Độ tẩy chay. Tấm bản đồ này (sau đó bị loại bỏ) còn bao gồm cả lãnh thổ đang bị tranh chấp giữa 2 nước.
Những điều này cho thấy Trung Quốc thiếu một kế hoạch nhất quán. Không có điều nào cho thấy đây là một sáng kiến mà nhiều người gắn với giá trị chiến lược lớn lao. Hoặc cũng có thể, Trung Quốc đã hiểu sai về sự thay đổi đang diễn ra bên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narenda Modi.
Kể từ khi Ấn Độ bắt đầu tự do hóa kinh tế vào đầu thập niên 1990, chính sách đối ngoại của nước này đã đặt trọng tâm vào dự án chuyển đổi kinh tế nội địa của Ấn Độ. Từ đó xuất hiện tư tưởng tin vào sức mạnh của sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau để quản lý các tranh chấp, và cân bằng giữa áp lực cạnh tranh và sự hợp tác.
Khi đảng Bharatiya Janata (BJP) lần đầu lên nắm quyền, đảng này xem Pakistan và Trung Quốc là lý do đằng sau quyết định của Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân vào năm 1998. Ấn Độ cũng tiến hành một cuộc chiến tranh giới hạn với Pakistan vào năm sau đó. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee cũng tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho tranh chấp Kashmir thông qua đối thoại, cả với Pakistan lẫn với các phần tử ly khai địa phương. Cách tiếp cận này thực sự mang tính hàn gắn, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan gần như nổ ra chiến tranh với nhau khi ông Vajpayee đang nắm quyền, sau một vụ tấn công thất bại nhằm vào Quốc hội Ấn Độ hồi tháng 12/2001.
Liên minh thế tục trung tả lên cầm quyền sau ông Vajpayee lựa chọn một hành trình quen thuộc. Liên minh này theo đuổi đàm phán bí mật với Tổng thống Pakistan khi đó là Pervez Musharraf quanh vấn đề Kashmir.
Vào tháng 7/2009, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có những nhận xét mang tính nhượng bộ hào phóng đối với Pakistan thông qua một tuyên bố chung ở Ai Cập.
Nhưng chính quyền Singh không hề ngây thơ. Theo tính toán của họ, hòa bình sẽ đồng thời giúp Ấn Độ khỏi bị gắn với Pakistan trong con mắt của cộng đồng quốc tế, cũng như cho phép họ theo đuổi phát triển kinh tế mà không bị vướng bận các vấn đề khác, từ đó bảo đảm vị thế của Ấn Độ trên thế giới với tư cách một đại cường quốc, và hình thành nên đại chiến lược tân tự do của ông Singh.
Khi BJP quay trở lại nắm quyền vào năm 2014, bắt đầu với việc mời Thủ tướng Pakistan tới dự lễ nhậm chức của Thủ tướng Ấn Độ Modi vào năm 2014 cho đến một cuộc thăm Pakistan ngẫu hứng vào cuối năm 2015, có vẻ như cách tiếp cận của ông Modi cũng giống chính quyền tiền nhiệm.
Đối với vấn đề Trung Quốc, Thủ tướng Modi cũng ưa thích công thức cũ là tách biệt tranh chấp biên giới với hợp tác kinh tế giữa 2 nước. Chẳng hạn, ông đã thúc đẩy cho dự án tuyến đường bộ đi qua Bangladesh và Myanmar sang Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ có chế độ thị thực đơn giản hơn cho các công dân Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông vào năm 2015.
Trung Quốc máy móc tin Ấn Độ sẽ dễ dàng tách bạch kinh tế và chủ quyền?
Vào quãng thời gian đó, Bắc Kinh bắt đầu quảng bá sáng kiến Vành đai và Con đường (giai đoạn đó gọi là dự án Một Vành đai, Một Con đường) sang Ấn Độ. Từ góc nhìn Trung Quốc, chẳng có lý do gì để Ấn Độ phải từ chối cả. Ấn Độ là cổ đông lớn thứ 2 trong Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng. Khi là Thủ hiến bang Gujarat, ông Modi cũng đã tích cực kêu gọi Trung Quốc đầu tư và ông cũng đã 4 lần thăm Trung Quốc.
Tuy nhiên, có 1 điều mà Trung Quốc không tính đến là phản ứng của một chính quyền Hindu có tư tưởng dân tộc mạnh trước nhiều điều liên tục xảy ra mà họ xem là sự xâm phạm chủ quyền dân tộc. Ấn Độ liên tục khẳng định rằng bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ thuộc về Nam Tây Tạng và đây là một cái gai trong quan hệ giữa đôi bên trong thời gian dài. Trong khi đó, Trung Quốc đã hậu thuẫn cho Pakistan về quân sự trong hàng thập kỷ.
Vào tháng 4/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Pakistan và công bố cung cấp 46 tỷ USD cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng ở đó, các dự án này hợp lại tạo nên Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Điểm lõi của BRI ở đây là kế hoạch kết nối cảng Gwadar của Pakistan tới Tân Cương thông qua một tuyến đường bộ có đi qua vùng lãnh thổ Gilgit-Baltistan mà Ấn Độ nhượng cho Pakistan sau cuộc chiến tranh đầu tiên giữa 2 nước vào năm 1947.
Nhưng đối với đảng BJP của ông Modi, Pakistan là một vấn đề rõ ràng nhạy cảm. Chính quyền BJP ý thức rõ ý đồ của Trung Quốc là hợp pháp hóa việc mà họ gọi là sự “chiếm đóng” của Pakistan đối với Gilgit-Baltistan thông qua CPEC. Đã vậy, Trung Quốc còn từ chối cho phép Ấn Độ gia nhập Nhóm Cung ứng Hạt nhân vào năm 2016, đồng thời Trung Quốc xâm nhập về mặt chính trị vào vùng ảnh hưởng của Ấn Độ. Và các kế hoạch BRI của Trung Quốc dành cho Ấn Độ đã chết vào thời điểm sáng kiến BRI được chính thức khởi động.
Sử gia nổi tiếng Edward Luttwak đã miêu tả Trung Quốc là một “cường quốc tự kỷ” (dịch từ nguyên văn cụm từ tiếng Anh ông này dùng là “autistic power”), nơi mà các quyết định về đối ngoại gần như luôn được thực hiện dựa trên cơ sở nhìn nhận một cách quá đơn giản các thực tế phức tạp ngoài ý muốn. Và việc Trung Quốc không thể trói buộc Ấn Độ vào BRI đã minh chứng cho từ lóng nói trên dùng để chỉ Trung Quốc, quốc gia vẫn cứ tin rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tách biệt kinh tế và địa chính trị.
Theo VOV