Thiếu thông tin về sách giáo khoa và đặt niềm tin tuyệt đối vào thầy cô khiến nhiều phụ huynh đáp ứng vô điều kiện những yêu cầu mua sắm sách vở từ nhà trường.
Các bậc cha mẹ cho rằng họ không thể từ chối hoặc thắc mắc với giáo viên về những danh mục sách mà trường đưa ra.
|
Sách giáo khoa kèm nhiều đầu sách tham khảo là vấn đề nan giải của ngành giáo dục hiện nay. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Sách bài tập bắt buộc là "luật bất thành văn"?
Bộ GD&ĐT thông tin mỗi bộ sách giáo khoa lớp 1 chỉ có 8 cuốn bắt buộc và 1 quyển tiếng Anh tự chọn. Thực tế, một số trường yêu cầu phụ huynh phải mua sách bài tập cho con kèm sách giáo khoa.
"Nói chỉ có 8 cuốn sách giáo khoa là bắt buộc nhưng nhà trường dùng sách bài tập để cho con làm bài. Phụ huynh không thể không mua. Không mua thì con làm bài tập vào đâu?", chị Phương Lan, phụ huynh tại quận 10, TP.HCM, đặt câu hỏi.
Không phàn nàn về sách bài tập Toán, Tiếng Việt nhưng phụ huynh này băn khoăn sách bài tập các môn Âm nhạc, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm có thực sự cần thiết không?
Mỗi đầu sách giáo khoa đều đi kèm một sách bài tập. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
Nhiều giáo viên cũng thừa nhận, từ nhiều năm nay, họ dùng các cuốn sách bài tập đi kèm như sách giáo khoa bắt buộc.
Cô Đỗ Thị Hòe, giáo viên lớp 1 trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết giáo viên ở trường cô đều yêu cầu phụ huynh mua sách bài tập đi kèm sách giáo khoa. Dù không nằm trong danh mục bắt buộc của bộ, sách bài tập là loại buộc phải có theo thực tế sử dụng.
"Thời gian đầu, học sinh lớp 1 chưa viết chữ. Các em không thể tự viết bài tập ra vở trắng. Sách bài tập đã in sẵn tiện lợi cho học sinh và đỡ mất thời gian cho giáo viên", cô Hòe nói.
Tương tự, cô H.P., giáo viên lớp 1 tại TP.HCM, sử dụng sách bài tập cho học sinh từ nhiều năm nay.
"Thời gian mỗi tiết học có hạn, trẻ lớp 1 còn rất chậm, nếu hướng dẫn các con viết ra vở trắng để làm thì không đủ thời gian, nhất là với những trường chỉ dạy 1 buổi/ngày", cô H.P. cho hay.
Cô Hòe cho rằng việc sử dụng sách bài tập cho các môn cần viết, làm bài nhiều như Toán, Tiếng Việt là chấp nhận được. Nếu môn nào cũng kèm sách bài tập, đó là áp lực cho phụ huynh.
Ông B., hiệu trưởng trường tiểu học tại TP.HCM, thừa nhận những môn như Toán, Tiếng Việt, học sinh cần có sách bài tập. Sách giáo khoa hiện nay không để chỗ cho học sinh viết trực tiếp. Các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thì không cần sách bài tập.
Trả lời câu hỏi khi sách bài tập được giáo viên yêu cầu mua để dùng, phụ huynh có từ chối được không, ông B. cho rằng cha mẹ vẫn có thể không mua. Nhưng thực tế, ông chưa thấy phụ huynh nào từ chối.
"Nếu phụ huynh không mua tức là đã biết năng lực con mình có thể tự viết bài tập ra vở trắng mà vẫn bắt kịp tốc độ của các bạn dùng sách in sẵn. Thực ra, với một số môn cần thiết, làm bài tập nhiều như Tiếng Việt, Toán, khi giáo viên giải thích cách dạy, phụ huynh đều đồng ý mua sách bài tập để tiện lợi hơn cho cả cô và trò", vị hiệu trưởng này cho hay.
Đối với những loại sách dùng trong nhà trường, phụ huynh không có sự lựa chọn nào ngoài gợi ý của giáo viên. Ảnh minh họa: Hiền Đức. |
Ngoài sách bài tập, trong danh mục sách lớp 1, nhiều đầu sách bổ trợ như Giáo dục An toàn giao thông, Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường... cũng được các trường gợi ý cho phụ huynh. Dù biết hay không, phụ huynh vẫn phải mua theo sự giới thiệu của nhà trường.
Chị Nguyễn Hằng (quận 9, TP.HCM) cho biết năm ngoái, khi con chị học lớp 1, nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh mua nhiều đầu sách tham khảo như trên. Nhưng đến khi lên lớp 2, trẻ vẫn không hiểu được những nội dung trong các sách này.
|
"Học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, làm sao có thể đọc và hiểu những nội dung trong sách bổ trợ, tham khảo. Nếu có học những chủ đề giao thông, bạo lực học đường, trẻ cũng chỉ nghe hướng dẫn từ giáo viên. Bây giờ đã lên lớp 2, cầm cuốn sách về bạo lực học đường, con tôi vẫn không hiểu những hình vẽ minh họa trong sách là gì", chị Hằng nói.
Dù vậy, phụ huynh vẫn mua đủ những đầu sách bổ trợ được nhà trường giới thiệu, vì không muốn con mình bị đối xử khác thường so với bạn bè. Theo chị Hằng, khi trường giới thiệu danh mục đồng nghĩa đây là những đầu sách bắt buộc học sinh phải có.
"Phụ huynh không có chuyên môn, không thể chất vấn giáo viên tại sao dùng sách này, tại sao phải mua sách kia. Có tự nguyện hay không, phụ huynh đều phải mua theo giới thiệu của trường", chị Hằng giải thích.
Chị Phương (Bình Chánh, TP.HCM) có con học lớp 1 và 2 tại một trường tiểu học ở quận 7, cho biết chỉ vì chưa kịp mua sách Mỹ thuật lớp 2 theo phương pháp Đan Mạch mà con của chị phải đứng vòng tay suốt tiết học.
"Khi trường đã đưa ra danh mục sách, bất kể nhiều hay ít, phụ huynh đều không có sự lựa chọn. Muốn con học hành bình thường, không bị soi mói, cha mẹ phải răm rắp làm theo. Vì thiếu sách do trường bán hết, nhà sách không có mà học sinh phải đứng khoanh tay. Nếu phụ huynh ý kiến, không mua, con mình còn bị đối xử thế nào nữa?", chị Phương nói.
Cô Đỗ Thị Hòe cho biết trong suốt 12 năm đi dạy từ trường công đến tư thục, nữ giáo viên chưa từng thấy phụ huynh thắc mắc hay ý kiến với danh mục sách, vở, đồ dùng phải mua sắm cho con.
"Phụ huynh rất tin vào nhà trường và giáo viên. Khi trường đã giới thiệu, họ nghĩ cuốn sách cần thiết phải mua cho con. Hơn nữa, phụ huynh không có nhiều thông tin về các đầu sách nên không thắc mắc, hỏi lại giáo viên", cô Hòe cho biết.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, cho rằng việc quảng bá danh mục sách tham khảo hay bổ trợ do hiệu trưởng và giáo viên giới thiệu dưới bất kỳ hình thức nào cũng thể hiện sự "gợi ý" hoặc "ép buộc" cha mẹ học sinh phải mua.
Theo Zing