Huyện Bình Chánh nhận định với những sai phạm trước năm 2016, UBND các xã có công trình vi phạm đã không kịp thời kiểm tra, phát hiện lúc phát sinh hành vi. Giai đoạn 2009-2013, việc lập hồ sơ còn nhiều thiếu sót dẫn đến các vụ việc không được xử lý triệt để.
UBND huyện Bình Chánh cho biết địa bàn tồn tại hàng loạt dự án vi phạm trật tự xây dựng với tính chất phức tạp. Những sai phạm của chủ đầu tư là thi công khi chưa đủ điều kiện pháp lý, xây dựng sai quy hoạch, mẫu được duyệt.
Hai dự án không đủ điều kiện khởi công, chưa có quyết định giao đất của chính quyền nhưng vẫn xây dựng gồm khu dân cư Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt và khu dân cư An Hạ, xã Phạm Văn Hai. Đến nay, chủ đầu tư của 2 khu dân cư trên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Khu ẩm thực Bình Xuyên rộng hơn 25.000 m2 là một trong những trường hợp sai phạm về xây dựng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khu dân cư Trung Sơn, khu dân cư Phi Long 5 (xã Bình Hưng), khu dân cư xã Vĩnh Lộc A và khu dân cư Comic (xã Phong Phú) có nhiều trường hợp người dân tự xây dựng công trình sai quy mô, mẫu nhà, không phù hợp theo quy hoạch được duyệt.
Ngoài ra, UBND huyện Bình Chánh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng khu dân cư ấp 5, xã Phong Phú không đúng với nội dung quy định về khoảng lùi sau do Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, địa bàn còn nhiều "dự án tự xưng" khác. Những trường hợp này đều không có giấy tờ pháp lý công nhận thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư vẫn phân lô, rao bán bất động sản.
UBND huyện Bình Chánh thừa nhận tỷ lệ thi hành các quyết định xử lý xây dựng sai phép trên địa bàn còn thấp. Đội thanh tra địa bàn gặp khó khăn trong công tác cưỡng chế, khắc phục hậu quả do khi phát hiện hành vi, các công trình đã hoàn thành đến 80% hạng mục.
Bên cạnh đó, Nghị định 139 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm xây dựng, nhà ở chỉ quy định xử phạt hành chính đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn khiến việc xử lý còn nhiều bất cập.
UBND huyện Bình Chánh thừa nhận chưa xử lý hết các trường hợp vi phạm xây dựng. Ảnh: Quang Huy. |
Huyện Bình Chánh cũng cho rằng Nghị định 139 không có các chế tài như cắt điện, nước để buộc chủ đầu tư ngừng thi công. Do đó, ngay cả khi bị xử phạt, chủ đầu tư sẽ không chấp hành yêu cầu ngừng thi công, gây khó khăn cho công tác cưỡng chế công trình.
Đối với phần kinh phí chi cho công tác cưỡng chế công trình, UBND huyện Bình Chánh thông tin đến nay, ngân sách huyện đã tạm ứng hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần kinh phí hoàn trả chưa đến 1/3.
Vướng mắc lớn nhất về việc thu hồi kinh phí cưỡng chế của huyện Bình Chánh nằm ở những trường hợp cưỡng chế tháo dỡ móng gạch, nhà quây tôn trên đất nông nghiệp. Người vi phạm thường vắng mặt dẫn đến không thể thu lại kinh phí.
Để giải quyết khó khăn về mặt kinh phí cưỡng chế, huyện Bình Chánh kiến nghị UBND TP.HCM và các sở, ngành đề xuất Bộ Tài chính cho phép được sử dụng ngân sách để thanh toán những khoản không có khả năng thu hồi.
UBND huyện Bình Chánh cũng kiến nghị Sở Xây dựng có hướng dẫn về biện pháp xử phạt những cá nhân vi phạm trật tự xây dựng tại huyện nhưng cư trú, có trụ sở ở địa bàn khác.
Ngày 28/8, Thanh tra TP.HCM đã công bố thông báo kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận Thủ Đức. Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền huyện Bình Chánh khi để Khu ẩm thực Bình Xuyên rộng 25.000m2 và nhiều trường hợp quy mô nhỏ hơn khác tồn tại trên đất nông nghiệp trong thời gian dài, qua nhiều thời kỳ. |
Theo Zing