Một người đàn ông đứng cạnh chiếc trực thăng của UDG đậu trước một casino của khách sạn Dara Sakor ở Botum Sakor, tỉnh Koh Kong, Campuchia, tháng 6/2018 ảnh: Reuters
Theo SCMP, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) “chiếm giữ đất và phá dỡ các công trình của người Campuchia địa phương” để xây dựng Dara Sakor, một khu nghỉ mát ven biển rộng 36.000ha được lên kế hoạch bao gồm các sân gôn, sòng bạc, khu nhà ở sang trọng, sân bay và bến cảng đủ lớn cho tàu du lịch.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, UDG đã đăng ký giả mạo thành một công ty Campuchia để xây dựng trên đất vườn quốc gia vốn được luật pháp bảo vệ. Phía Mỹ nói UDG đã “buộc người Campuchia phải rời khỏi đất đai của họ và tàn phá môi trường”. UDG đã được cấp hợp đồng thuê đất 99 năm cho dự án này vào năm 2008.
“Như thường lệ với sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh, các hoạt động này đã mang lại lợi ích cho (Trung Quốc) bằng thiệt hại của người dân Campuchia,” SCMP trích dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ.
“(Trung Quốc) đã sử dụng các dự án của UDG ở Campuchia để thúc đẩy tham vọng thi triển sức mạnh trên toàn cầu”.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một chương trình lớn của chính phủ nước này nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng - từ sân vận động thể thao, đường ray xe lửa đến mạng 5G - ở một loạt quốc gia trên thế giới.
Trang web công ty mô tả dự án ở Campuchia là “dự án phát triển khu vực lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do chính phủ Trung Quốc lãnh đạo” và “dự án đầu tư vào bờ biển lớn nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà trên thế giới nói chung”.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, UDG đã làm việc với Kun Kim, một tướng Campuchia, người đã bị Mỹ trừng phạt vào năm ngoái vì cáo buộc tham nhũng.
Bộ Tài chính Mỹ nói UDG, với sự giúp đỡ của Kim và binh lính Campuchia, đã “ngăn cản dân địa phương trồng lúa trên đất tranh chấp”.
Lệnh trừng phạt được công bố hôm thứ Ba (giờ Mỹ) được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump gần đây công bố “diễn đàn chiến lược hợp tác” mới và mở rộng với khu vực sông Mekong, một khu vực bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Chưa rõ cụ thể biện pháp trừng phạt của phía Mỹ là gì.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD viện trợ cho toàn bộ khu vực sông Mekong kể từ năm 2009.
Courtney Hulse, một nhà phân tích của tổ chức tư vấn RWR Advisory Group, chuyên theo dõi các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp thế giới, ước tính rằng Trung Quốc đã đầu tư khoảng 34,1 tỷ USD vào Campuchia kể từ năm 2013.
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Campuchia và các nước láng giềng nên cảnh giác với Trung Quốc, theo ông “ngày càng đe dọa môi trường tự nhiên và quyền tự chủ kinh tế của Mekong”.
Ông nói: “Các quốc gia trong khu vực sông Mekong đã trải qua một hành trình đáng kinh ngạc trong vài thập kỷ qua. Họ xứng đáng có những đối tác tốt”.
Theo TPO