Nhận diện thế khó của Trung Quốc trong khủng hoảng Myanmar

Thứ tư, 10/03/2021, 12:25
Mọi công sức ngoại giao của Trung Quốc với chính quyền dân sự thời gian qua cùng những khoản đầu tư khổng lồ Bắc Kinh đổ vào nước này có nguy cơ bị đạp đổ vì khủng hoảng Myanmar.

Dù là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Trung Quốc (TQ) đến nay gần như không có hành động gì đáng kể trước các diễn biến của cuộc khủng hoảng chính trị Myanmar kéo dài hơn một tháng qua, trừ một số thông điệp ngoại giao kêu gọi các bên liên quan giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình.

Ngay cả khi thông tin đầu tiên về người biểu tình bị bắn chết xuất hiện ngày 28-2 thì truyền thông TQ cũng không đưa tin mạnh mẽ. Giới chức Bắc Kinh cũng tránh đề cập các vấn đề bạo lực, đổ máu và tránh quy trách nhiệm về một phe. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng TQ đang lâm vào thế khó khi vừa phải chịu áp lực thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm, vừa phải lo bảo vệ những khoản đầu tư kinh tế đổ vào Myanmar những năm gần đây.
Hiện diện kinh tế của Trung Quốc ở Myanmar
Theo tờ The Nikkei, TQ đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar năm 2011 khi quốc gia Đông Nam Á này mở cửa thị trường sau hàng chục năm khép kín dưới sự lãnh đạo của phe quân đội. Trong 10 năm tiếp theo, TQ vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar với thương mại song phương hằng năm đạt hàng chục tỉ USD.
Trước khi chính biến xảy ra ngày 1-2, TQ cũng đã có động thái củng cố quan hệ với chính quyền dân sự Myanmar, thông qua chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới nước này hồi giữa tháng 1 để ký thỏa thuận hợp tác song phương cho dự án quy mô lớn mang tên “Hành lang kinh tế TQ - Myanmar”.
Dự án này trải dài từ tỉnh Vân Nam, TQ tới khu vực Myanmar ở vịnh Bengal. Đây là một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh và khi hoàn thành sẽ giúp TQ có thể tiếp cận với hoạt động thương mại dầu khí ở Ấn Độ Dương. Dự án được định giá 100 tỉ USD với 38 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã được lên kế hoạch thi công.
Mặt khác, TQ hiện cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào Myanmar cho nguồn cung đất hiếm, vốn là vật liệu không thể thiếu trong việc sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, hệ thống phòng thủ tên lửa cho tới chiến đấu cơ.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết TQ trong năm qua đã sản xuất 140.000 tấn oxid đất hiếm, tương đương 60% sản lượng toàn cầu và nhập khẩu. Tuy nhiên, nước này cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu quặng và tinh quặng đất hiếm lớn nhất. Đối với các nguyên tố đất hiếm nặng (bao gồm những nguyên tố như terbi hay dysprosi), TQ phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ Myanmar (chiếm tới 50% nguồn cung nội bộ TQ) do trữ lượng đất hiếm trong lãnh thổ TQ không có đủ các nguyên tố này.
Hướng đi nào cho Trung Quốc về vấn đề Myanmar?
Với những thông tin trên, TQ thời gian qua đã chọn cách án binh bất động, cố gắng cân bằng quan hệ với cả phe dân sự lẫn phe quân đội, bởi số phận những khoản đầu tư và dự án trăm tỉ USD của TQ ở đây phụ thuộc vào bên chiến thắng cuối cùng và ủng hộ sai bên thì TQ sẽ mất tất cả.

Nhận diện thế khó của Trung Quốc trong khủng hoảng Myanmar - ảnh 1

Người biểu tình Myanmar trên đường phố TP.Yangon ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, The Nikkei chia sẻ cũng có một số nguồn tin ngoại giao khẳng định TQ thực chất “cũng không quá hài lòng với cuộc đảo chính”, dẫn đến những bước đi ngoại giao thận trọng. Theo nguồn tin này, “TQ quan trọng ổn định chính trị hơn cả và phe quân đội với việc lật đổ chính quyền dân sự đã ném Myanmar vào hỗn loạn”.
Thái độ này của TQ còn được thể hiện rõ trong hai sự kiện quan trọng kể từ sau cuộc chính biến là việc soạn thảo tuyên bố của HĐBA LHQ về khủng hoảng và một nghị quyết được đưa ra tại Hội đồng Quyền con người LHQ.
Ở sự kiện đầu tiên, một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên tiết lộ phái đoàn TQ trong phiên thảo luận của HĐBA đã nhiều lần phát biểu tỏ ý ủng hộ chính quyền dân sự, động thái được đánh giá “bất thường”. Ở sự kiện thứ hai tại Hội đồng Quyền con người LHQ, khi được kêu gọi biểu quyết về thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền quân sự thả tù nhân chính trị thì phái đoàn TQ chọn bỏ phiếu trắng, cho phép nghị quyết được thông qua thay vì phản đối như mọi lần.
“TQ trước đây trong mọi cuộc thảo luận về các cuộc xung đột trên thế giới thường yêu cầu các nước khác tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào việc nội bộ của nhau và thường bỏ phiếu chống hoặc lên tiếng phản đối bất kỳ nghị quyết hay tuyên bố nào mà họ cho là trái với nguyên tắc này. Tuy nhiên, với trường hợp của Myanmar thì TQ lại không có phản ứng nào đáng kể. Có lẽ họ phần nào cũng khá khó chịu vì phe quân sự đã làm mọi công sức làm thân với chính quyền dân sự lâu nay của họ trở thành công cốc” - một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên giải thích.
Tiêu điểm

Hãng tin Reuters mới đây dẫn lời chuyên gia vận động hành lang cho quân đội Myanmar - ông Ari Ben-Menashe cho biết giới tướng lĩnh nước này muốn rời chính trường, cải thiện quan hệ với Mỹ và rời xa TQ. Ông còn khẳng định phương Tây đang hiểu lầm phe quân đội, đồng thời khẳng định phe quân đội không muốn làm “con rối cho TQ”.

Ngày 8-3, quân đội Myanmar tiếp tục mở đợt truy quét nhằm vào các lãnh đạo phong trào biểu tình ở TP Yangon, theo hãng tin AFP. Cụ thể, lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng và bắt người ở quận Sanchaung thuộc TP này từ 22 giờ cùng ngày. Đến rạng sáng 9-3, khoảng 20 người đã bị bắt giữ, theo thông tin từ truyền thông và người dân địa phương đăng trên mạng xã hội.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sau đó lên tiếng khẳng định đang theo dõi sát tình hình “hàng trăm người biểu tình bị vây trong một khu dân cư ở Sanchaung nhiều giờ”. Văn phòng LHQ ở Myanmar và các đại sứ quán của Anh, Mỹ đồng loạt kêu gọi quân đội Myanmar để người biểu tình rời khỏi Sanchaung trong hòa bình.

Theo PLO

Các tin cũ hơn