Nhiều kênh YouTube dán nhãn “dành cho trẻ em” lại đăng những clip nhảm nhí, thậm chí mang tính độc hại, khiến phụ huynh không khỏi lo lắng. (Ảnh: PV/VIetnam+)
Khi một kênh YouTube dán nhãn “dành cho trẻ em” lại đăng những clip nhảm nhí, thậm chí mang tính độc hại, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, đặt ra câu hỏi liệu con em mình đang xem gì trên mạng xã hội? Đây không phải lần đầu tiên các clip có nội dung không phù hợp được lan truyền. Cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp sai phạm.
Tuy nhiên, để tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi việc sử dụng mạng Internet đã trở thành phổ biến, các hình thức giải trí cũng ngày càng đa dạng, thì cần nhiều hơn nữa sự chung sức của cả gia đình-nhà trường-xã hội trong việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, kịp thời ngăn chặn những nguy cơ xấu.
Cần tạo ra 'hệ miễn dịch' cho trẻ nhỏ
Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú định hướng cho các con của mình hạn chế tiếp xúc với smartphone và mạng xã hội từ khi con nhỏ. Anh cũng từng có nhiều bài viết cảnh báo các phụ huynh hiện nay cho con sử dụng các thiết bị thông minh quá sớm và quá tự do, điều đó có hại cho sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xuất hiện, mọi hoạt động dần chuyển hướng online và mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các con học trực tuyến, bố mẹ họp online, các đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đều có thể đặt hàng trên mạng và được giao tại nhà.
Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng như nhiều người đã chấp chấp nhận một sự thật rằng các con cần smartphone và mạng xã hội để có thể theo kịp đà phát triển của xã hội.
“Kể cả sau khi chúng ta dẹp được COVID-19 đi chăng nữa, cuộc sống số là những thứ chúng ta không thể tránh né được. Làm sao chúng ta có thể để con cái mình ngơ ngác trong một xã hội 4.0? Làm sao chúng ta đành lòng đợi con đủ lớn mới cho con dùng smartphone, dùng mạng xã hội? Giờ chính là lúc vẽ đường cho hươu chạy đúng chứ không thể tiếp tục ra rả tuyên bố: ‘Con không cần smartphone để lớn khôn’ được nữa đâu,” anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Anh Tú đã từng cấm ba đứa con của mình xem những clip của Khá 'bảnh', Huấn 'hoa hồng' hay Thơ Nguyễn. Tuy nhiên, anh Tú biết rằng lệnh cấm ấy là thừa. Những đứa trẻ không xem, nhưng chúng đều biết đến những nhân vật đó bởi vì ở lớp, quá nhiều bạn bè nói về những nhân vật này.
“Chúng cũng từng tò mò muốn vào xem một lần để biết. Lũ trẻ, có đứa nào muốn mình thành ‘tối cổ’ trước bạn bè? Vậy nên, dù không được xem ở nhà thì các con vẫn có cách này hay cách khác để tiếp nhận những ‘thực phẩm bẩn’ đến từ Internet,” anh Tú nói.
“Phụ huynh thường quan tâm chuyện con chơi với bạn xấu, học hành lơ mơ, có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, ăn uống thiếu chất, chưa khoa học, mua những poster, album của thần tượng bằng cách lén trộm tiền của cha mẹ… nhưng rồi một ngày họ giật mình khi nghe con tự xưng mình là ‘một đứa em của anh Khá 'bảnh'.’ Rất nhiều thông tin trên mạng đang đầu độc con trẻ,” anh Tú cảnh báo.
Các bậc làm cha, làm mẹ có muôn vàn nỗi lo khác nhau, tùy theo từng độ tuổi của con. Khi những bà mẹ trẻ hoảng hốt khi con mình bước vào “khủng hoảng tuổi lên ba,” họ chưa hình dung ra được khi con đến tuổi đi học, đến tuổi teen thì mọi vấn đề trở nên phức tạp như thế nào.
Có lẽ dạy con sử dụng smartphone thế nào, ứng xử trên mạng xã hội ra sao thật sự là một mảng nội dung mà các cha mẹ đang “đói.”
Những ngày gần đây, mọi người nói nhiều về giải pháp làm sao để ngăn con xem những kênh vô bổ, nhảm nhí và gây hại. Trong khi nhiều cha mẹ không biết con đang xem cái gì trên Internet. Những nội dung đó không giống như bóng cười, ma túy hay những kẻ đồi bại xâm hại, bạo hành con cái chúng ta.
Nhà báo Hoàng Anh Tú nhận định: “Những thứ độc hại đó trông giống những trò vô thưởng vô phạt như điệu múa quạt của Khá 'bảnh' gây hại từ từ giống như khói thuốc lá mà nhiều người cha (và cả người mẹ) hút bên cạnh con (nhưng lại cấm con hút thuốc). Nó gây hại chút một như việc cho con uống nước ngọt thả ga, như việc cha mẹ trước mặt con vẫn chửi tục, vượt đèn đỏ, đút lót cho cảnh sát giao thông vậy…”
Phụ huynh có thực sự ở bên con?
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, nhà báo Hoàng Anh Tú tỏ ra phẫn nộ khi nhắc tới clip Thơ Nguyễn dạy trẻ “xin vía búp bê để học giỏi.” Anh khẳng định những clip của Thơ Nguyễn không có một chút giá trị giáo dục nào. Ngoài nội dung liên quan đến búp bê kia thì các clip còn lại đa phần cũng chỉ khiến trẻ em xin tiền cha mẹ mua đồ chơi.
Tuy nhiên, đó là nhãn quan của người lớn. Vậy còn trẻ em, những khán giả chính của kênh YouTube Thơ Nguyễn nghĩ sao? Tìm hiểu trang này, phóng viên thấy có hàng ngàn comments (bình luận) của các em nhỏ an ủi, động viên chị Thơ Nguyễn sau sự cố búp bê.
Tài khoản có tên Nguyễn Kim N viết: “Năm nay em học lớp 7, em đã xem kênh của chị từ khi học lớp 3. Chị đừng giải nghệ nhé. Chúng em luôn ủng hộ và yêu chị.”
Trao đổi điều này với nhà báo Hoàng Anh Tú, anh kể một câu chuyện: “Một cô bé 10 tuổi đã nói với con gái út của tôi rằng giá như mẹ mình như chị Thơ Nguyễn thì thích nhỉ? Tha hồ có đồ chơi, tha hồ có những trò vui. Mình sẽ được vào clip mẹ làm cho hàng triệu người xem. Mình sẽ nổi tiếng theo mẹ. Cậu có bố là người nổi tiếng nên cậu biết mà."
Thực tế là nhiều bạn nhỏ ở lứa tuổi cấp 2 cũng thích tự lập một kênh riêng, thích có nhiều người theo dõi. Ở góc độ này, dường như những người như Thơ Nguyễn đang hiểu tâm lý của trẻ hơn là bố mẹ chúng.
Đặt mình vào vị trí của các bạn nhỏ, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng Thơ Nguyễn là một người chị, người bạn lớn không bao giờ quát mắng trẻ, không bao giờ bắt chúng học đi, làm việc nhà đi…
“Những người làm cha, làm mẹ hãy dừng lại một chút và suy nghĩ xem tại sao Thơ Nguyễn hấp dẫn con đến thế. Khi con có đồ chơi, rủ bố mẹ chơi cùng, bố mẹ có ngồi chơi với con không, hay đôi khi còn mắng con ra chỗ khác vì bố mẹ đang bận,” anh trăn trở.
Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) có nhiều quan điểm đồng tình với nhà báo Hoàng Anh Tú. Phụ huynh thường cấm đoán con không được xem cái này, cái kia mà không giúp con hiểu vì sao không nên xem. Họ lo lắng cho con nên đã xây một bức tường thép bao quanh con bằng những lệnh cấm, trong khi đó, họ nên đóng vai trò là một hàng rào bảo vệ con thì hơn.
Theo ông Nam, cần sự chung tay của cả cộng đồng để giáo dục cho con trẻ biết thông tin nào là xấu, thông tin nào là có lợi.
“Trước tiên, chúng ta phải tăng cường kỹ năng cho các bậc phụ huynh để rèn cho trẻ con. Việc dùng kỹ thuật để kiểm soát con chỉ được một thời gian thôi. Nếu kiểm soát chặt quá lại ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ-con cái. Giải pháp khuyến nghị là cha mẹ phải đồng hành với con để con chia sẻ những vấn đề gặp phải trên không gian mạng,” ông nói.
Ông Nam cho rằng mục đích chính trong tất cả các chiêu trò trên mạng là kiếm tiền. Do đó, rất cần những biện pháp cứng rắn hơn, những chế tài cụ thể hơn.
“Thế giới 4.0 này thay đổi cực kỳ nhanh. Vì vậy, pháp luật đôi khi cũng có những độ trễ nhất định. Do đó, cần áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp, đặc biệt là giáo dục, truyền thông. Các nhà sư phạm, các chuyên gia tâm lý trẻ em, các nhà quản lý, uỷ ban bảo vệ chăm sóc phụ nữ-trẻ em, hội bảo vệ trẻ em… cũng phải vào cuộc”.
Theo TTXVN