Mười năm trước, Ghayath Abou Ahmed (hiện 30 tuổi, nhà báo tự do) vẫn còn là sinh viên khi biểu tình nổ ra ở quê hương anh tại Darayya, Syria.
Không giống những gì được thấy từ phong trào "Mùa xuân Arab" năm 2011 ở các nước như Tunisia hay Ai Cập, Ahmed nhanh chóng chứng kiến cơn ác mộng. “Tôi mất quá nhiều bạn bè, hàng xóm chỉ trong hai ngày. Nỗi sợ hãi trói chặt mọi thanh niên ở Darayya”, anh nói với BBC News.
Hàng trăm người ở Darayya thiệt mạng dưới tay quân đội chính phủ Syria ở giai đoạn đầu phong trào biểu tình. Suốt bốn năm sau, Ahmed và mọi người ở Darayya sống trong cảnh bị bao vây.
“Tôi thấy cay đắng mỗi khi nhìn về chân trời và thấy ánh đèn sáng rực từ Damascus, còn chúng tôi thì sống trong bóng tối. Họ (nhóm người ủng hộ chính quyền Assad) tự do đi lại, trong khi chúng tôi không có thực phẩm, thuốc men”, anh nói.
Ahmed buộc phải sơ tán từ Darayya sang Idlib năm 2016. Cha mẹ của anh bị giam giữ một thời gian, anh hoặc em trai thì bị giết. “Đó là cái giá mà chúng tôi đã phải trả khi muốn nổi dậy. Tôi không đổ lỗi cho phong trào này. Người đáng phải chịu trách nhiệm chính là chính phủ Syria cùng những hành vi không thể tha thứ của họ", Ahmed nói.
Nour al-Sham, 28 tuổi, từng sống với gia đình ở Aleppo, nhưng bây giờ cô đang tá túc ở một túp lều đơn sơ tại Idlib, bên cạnh hàng trăm căn lều khác, trên một mảnh đất cằn cỗi.
Đến mùa đông, nơi này gần như trở thành vũng bùn khổng lồ. Sang mùa hè, đầy rẫy côn trùng và bụi bao phủ nơi al-Sham sống.
Al-Sham từng mong ước sẽ hoàn thành việc học ở Đại học Aleppo. Nhưng sau khi tham gia phong trào biểu tình năm 2011 được vài tháng, cô phải bỏ trường vì bị đội an ninh của chính quyền đe dọa.
“Tôi không có ước mơ gì về tương lai cho mình hoặc cho con trai”, Nour al-Sham nói với BBC. “Tôi không nói gì về chiến tranh để tâm lý con trẻ đỡ bị đè nặng”.
Chồng cô phải sang Thổ Nhĩ Kỳ làm việc. Hai người họ hàng của cô thiệt mạng khi nhà bị trúng bom. Anh hoặc em trai của al-Sham bị bắt giữ năm 2012, còn tung tích của gia đình cô đến nay vẫn chưa rõ.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn câu chuyện đau thương của người Syria, 10 năm sau khi biểu tình nổ ra năm 2011 dẫn đến nội chiến.
Hãng tin AP cho biết hơn một nửa trong tổng dân số 23 triệu dân của Syria (tính vào thời điểm trước nội chiến) buộc phải rời bỏ nhà cửa, và tới 80% dân số đang sống dưới mức đói nghèo, theo Liên Hợp Quốc.
Khoảng một nửa đất nước Syria đang là những vùng đổ nát, bị bom đạn tàn phá. Trái với nhiều người lầm tưởng, việc chấm dứt nội chiến vẫn còn xa vời đối với người Syria.
Năm 2011, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad có lúc tưởng như sắp sụp đổ như chiếc domino, sau làn sóng nổi dậy đòi dân chủ quét qua khu vực Trung Đông. 10 năm sau, ông Assad vẫn tại vị. Nhưng sau khi hàng trăm nghìn người thiệt mạng, cái giá dường như quá lớn, khiến cho mọi thắng lợi quân sự đều không còn có thể coi là thắng lợi, theo AP.
Cũng giống như phong trào biểu tình ở Tunisia (từ tháng 12/2010 đến tháng 1/2011), được châm ngòi bởi vụ người bán hàng rong Mohamed Bouazizi tự thiêu do bị chính quyền quấy nhiễu, biểu tình ở Syria năm 2011 cũng cần một ngòi nổ.
Dù biểu tình ở Trung Đông năm 2011 lan tới Syria khá chậm (nước này cấm biểu tình trong nửa thế kỷ), ngòi nổ chính là các thiếu niên dùng sơn vẽ chữ “Đến lượt ông, bác sĩ” lên các bức tường ở thị trấn phía Nam Daraa - ý nói tới ông Assad, từng là bác sĩ mắt được đào tạo ở London, Anh.
Các hình vẽ nói trên dẫn tới những vụ bắt giữ và tra tấn, khiến công chúng trở nên phẫn nộ và đồng loạt tham gia biểu tình.
Ngày 15/3/2011 được nhiều hãng tin chọn khi kỷ niệm cuộc nổi dậy ở Syria, không phải là ngày biểu tình đầu tiên, mà là ngày biểu tình nổ ra đồng loạt trên cả nước.
Một giai đoạn hy vọng ngắn ngủi diễn ra sau đó, rồi nhanh chóng bị lấp đầy bằng cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất mà thế giới phải chứng kiến trong một thế hệ trở lại đây.
Việc chính phủ dùng vũ lực và quân đội dập tắt biểu tình làm nổi lên các nhóm vũ trang thánh chiến (jihad). Tình hình Syria, ban đầu là phong trào biểu tình đòi dân chủ, sau đã chuyển thành nội chiến thực sự.
Phương Tây cáo buộc chính phủ ông Assad dùng vũ khí hóa học nhắm vào các khu vực dân thường để dập tắt phản kháng, và dội bom thùng xuống các khu đông dân, gây thương vong kinh hoàng.
Nhiều khu vực của Aleppo, từng là đầu tàu kinh tế và là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới, bị san phẳng.
Hãng tin AFP cho biết khoảng 400.000 người thiệt mạng trong vòng 10 năm, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria.
Sự tàn bạo của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - cùng khả năng lôi kéo chiến binh từ khắp châu Âu - gây ra nỗi hoang mang cho các nước phương Tây. Sự chú ý của thế giới nhanh chóng dồn về nguy cơ khủng bố, thay vì mong muốn đòi tự do, dân chủ của người dân Syria.
Các cường quốc, tùy vào lợi ích chiến lược, có sự can thiệp và hỗ trợ một số bên trong cuộc xung đột. Nhưng cuối cùng, bên bị bỏ quên vẫn là người dân Syria.
Dù vượt qua các phong trào biểu tình, chính quyền Assad cũng có lúc không chắc chắn về khả năng trụ vững trước cuộc xung đột phức tạp. Các nhóm nổi dậy và jihad, nhận tiền và vũ khí từ bên ngoài, dần áp đảo quân đội Syria.
Chính phủ Assad từng mất khoảng 80% lãnh thổ, hầu hết nguồn dầu khí. Quân nổi dậy cũng có lúc tiến rất sát Damascus.
Nhưng sự can thiệp bởi Iran và các lực lượng thân Iran - nổi bật là nhóm Hezbollah từ Lebanon - và sự hỗ trợ to lớn từ Nga (năm 2015) đã lật ngược thế cờ cho ông Assad.
Với không quân, thiết bị và cố vấn của Nga hậu thuẫn, quân đội của ông Assad phản công với các chiến dịch “long trời lở đất” nhằm chiếm lại lãnh thổ, theo hãng tin AFP.
Từng thị trấn và chiến khu của phe phản kháng bị bao vây và dội bom đến khi phải đầu hàng, trở thành những vùng đổ nát.
Giờ đây, tuy ông Assad kiểm soát khoảng 2/3 diện tích Syria, ông chỉ quản lý được khoảng 15% biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ đang có khoảng 15.000 lính bên trong Syria và có ảnh hưởng lớn ở phía Bắc. Lực lượng người Kurd vẫn kiểm soát phía Đông Bắc sau khi đánh bại IS.
Các nhóm phản kháng và jihad bây giờ co cụm tập trung ở tỉnh Idlib phía Tây Bắc. Tại đây, 3 triệu người đang sống trong điều kiện tồi tàn, dưới tay nhóm jihad Hayat Tahrir al-Sham.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào năm 2020 giữa Nga, quân đội Syria, phe nổi dậy Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn được duy trì, dù vẫn các cuộc giao tranh thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Các cường quốc đang “phân chia Syria thành nhiều vùng ảnh hưởng, và kiểm soát phần lớn biên giới nước này”, nhà địa lý học Fabrice Balanche viết về một khảo sát các khu biên giới.
“Tôi nghĩ kịch bản đỡ tồi tệ nhất hiện nay chính là bế tắc kéo dài”, Dareen Khalifa, nhà phân tích về Syria ở công ty nghiên cứu International Crisis Group, nói trên chương trình podcast “Frozen Conflict” (cuộc xung đột đóng băng).
Các nỗ lực hòa bình của Liên Hợp Quốc hiện chưa tiến triển. Ông Assad nhiều khả năng sẽ không từ bỏ một phần quyền lực của mình cho những bên mà ông coi là “khủng bố”. Ông tuyên bố sẽ lấy lại “từng cm một của Syria”, và chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2021.
Phía Mỹ cáo buộc Damascus nhiều lần trì hoãn tiến trình thương thảo của Hội đồng Bảo an, để “câu giờ” và “tiến hành cuộc bầu cử giả tạo năm 2021, rồi 'rửa tay' khỏi tiến trình chính trị mà Liên Hợp Quốc làm trung gian”.
Dù giải pháp ngừng bắn đang được thực thi, hậu quả của 10 năm nội chiến vẫn còn kéo dài. Cuộc sống của người Syria ngày càng tệ.
“Cuộc nội chiến tạm lắng nhưng các vết thương của chúng tôi vẫn còn mới. Và bây giờ kinh tế là vấn đề khủng hoảng mà mọi người đều cảm nhận được. Nội chiến tạm im, nhưng sự cực khổ thì chưa”, một người phiên dịch 39 tuổi nói với AFP từ Damascus.
Trong khi đó, 12 triệu người Syria đối mặt với nạn đói, và giá thực phẩm tăng mạnh.
Một người buôn bán nói với Economist rằng việc chở hàng gặp nhiều khó khăn, phải qua hàng loạt trạm kiểm soát. Đa phần đều đòi thu phí.
Chẳng hạn, lực lượng người Kurd tính phí theo số tấn ở đường ranh giới phân chia lãnh thổ mà họ kiểm soát.
Bên kia đường ranh giới, một lực lượng thân với ông Assad thu phí 3.000 USDmột lô hàng. Các thương gia cũng phải hối lộ quan chức chính phủ, hoặc hỗ trợ tiền cho chương trình của chính phủ, để không bị coi là “khủng bố”.
Trạm kiểm soát có lúc bị đóng lại vì một bên muốn chặn nguồn hàng của bên kia. Thương nhân này nói bán lúa mì ra nước ngoài còn dễ hơn trong nước. “Các chính trị gia đang làm người dân chết đói”.
Chiến tranh, tham nhũng, đại dịch Covid-19, đợt khủng hoảng của kinh tế nước láng giềng Lebanon làm kinh tế Syria ngày càng tệ đi. Đồng bảng Syria chỉ có giá trị 1% so với giá trị trước nội chiến.
Chính phủ ông Assad chỉ có thể trả lương công chức 15 USDmỗi tháng. Khắp đất nước, người dân phải xếp hàng nhiều giờ để mua xăng. Về kinh tế, các đồng minh của Assad là Iran và Nga cũng đang khó khăn nên không hỗ trợ được nhiều, theo Economist.
Dù đang ở thế “hoãn binh”, nội chiến ở Syria vẫn có thể tạo ra các bi kịch mới, ảnh hưởng lớn đến chính trị toàn cầu, do các lực lượng biên ngoài vẫn hiện diện, đối phó với thế cờ của nhau.
Đi ra khỏi thủ đô Damascus, có thể thấy chính phủ Assad chưa hẳn đang kiểm soát được tình hình, ngay cả ở những vùng mà chính quyền Assad đang nắm giữ về danh nghĩa, theo Economist. Tại các nơi này, quân đội Nga hoạt động theo ý của mình, không do ai kiểm soát.
Người Syria buộc phải dựa vào các nhóm vũ trang, theo sắc tộc cụ thể hay một tôn giáo nhất định, để được bảo vệ. Xung đột giữa các nhóm này thường xuyên xảy ra. “Nếu một người dòng Alawite đến đây một mình và không có vũ khí, hắn sẽ bị giết”, một người cao tuổi người Arab từ Deir ez-Zor ở phía đông Syria, nói với Economist.
Ở vùng Đông Bắc do người Kurd kiểm soát, người dân bỏ tiếng Arab để nói tiếng Kurd. Người Syria chuyển đến khu vực này phải được người đang sống ở đây “bảo trợ”.
Kinh tế cũng khó khăn như tình hình chung, nhưng ít nhất người Kurd có dầu mỏ và được Mỹ bảo vệ. Vì vậy, chính quyền Kurd trả lương cao hơn chính quyền Assad, và nhập được vật liệu từ nước ngoài để tái thiết.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có một cộng đồng Kurd thiểu số, và luôn cảnh giác với người Kurd ở Syria, cũng thường tấn công vào trong lãnh thổ Syria, đánh đuổi người Kurd khỏi vùng biên giới, giao cho người Arab dòng Sunni thân với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Giáo viên Sarah Ramy, 40 tuổi, kể với BBC về quá khứ trước nội chiến: “Chúng tôi luôn sống cùng nhau bất kể là tôn giáo nào. Trước cuộc khủng hoảng, chúng tôi không cảm thấy khác biệt. Nhưng vài tháng sau (biểu tình), tôi mất đi nhiều người bạn đại học, bắt đầu đặt câu hỏi về những người xung quanh, về quê quán và tôn giáo”.
Các năm sau, cô phải chứng kiến bom đạn liên miên. Người nhà của cô thiệt mạng năm 2016 ở ngoại ô Damascus khi đang trong nhà hàng.
“Bom đạn liên tục dội xuống, và chúng tôi còn không biết là do bên nào bắn”, cô nói. “Tôi không đổ lỗi cho những người biểu tình, vốn chỉ có những đòi hỏi giản đơn. Tôi biết họ chỉ đang đòi hỏi những quyền cơ bản, nhưng nhiều người khác lại trở nên điên cuồng và khủng bố chúng tôi”.
Hàng chục nhóm nhỏ có vũ trang tỏa ra khắp nơi, giết hại người dân vô tội chỉ vì “thành phần” của họ. Như việc người dân bị giết chỉ vì là công chức, làm việc cho chính quyèn. Mẹ của cô Ramy là công chức, và xe buýt chở bà cũng bị nhắm tới, nhưng bà may mắn thoát được.
“10 năm qua làm tôi tan nát. Tim tôi đập nhanh và cả người tôi run lên mỗi khi tôi nghe tiếng động mạnh. Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ là sẽ có một vụ nổ vào bất cứ lúc nào”, cô nói với BBC.