Hơn 122 triệu ca Covid-19 toàn cầu, EU nối lại tiêm vaccine AstraZeneca

Thứ sáu, 19/03/2021, 09:45
Thế giới ghi nhận hơn 122,3 triệu ca nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, EU nối lại tiêm vaccine AstraZeneca sau khi xác định "an toàn và hiệu quả".

Thế giới đã ghi nhận 122.331.331 ca nhiễm nCoV và 2.701.602 ca tử vong, tăng lần lượt 558.845 và 10.594, trong khi 98.630.740 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 18/3 xác định vaccine Covid-19 của AstraZeneca "hiệu quả, an toàn" và không liên quan nguy cơ gây đông máu, dù họ "không loại trừ hoàn toàn" mối liên quan giữa vaccine với chứng rối loạn đông máu hiếm gặp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan giám sát y tế Anh trước đó cũng xác định vaccine an toàn và dừng tiêm gây nguy cơ cao hơn nhiều vì một số quốc gia đang đối mặt mức tăng ca nhiễm đáng lo ngại.

Sau thông báo của EMA, một loạt quốc gia châu Âu thông báo sẽ sớm nối lại việc tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca, gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, Latvia, Slovenia và Bulgaria. Tuy nhiên, Na Uy và Thụy Điển chưa sẵn sàng tiếp tục sử dụng vaccine. Viện Y tế Công cộng Na Uy cho biết đã "ghi nhận" quyết định của EMA, nhưng vẫn còn "quá sớm" để đưa ra kết luận và sẽ công bố quyết định riêng vào cuối tuần tới.

Hiện hơn 400 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, chủ yếu ở các quốc gia giàu có đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất thuốc. Vaccine của AstraZeneca, một trong những loại rẻ nhất hiện có và dễ bảo quản cũng như vận chuyển hơn so với một số loại vaccine Covid-19 khác, được coi là lựa chọn cho các quốc gia nghèo hơn.

Vaccine AstraZeneca cũng là một phần quan trọng của Covax, chương trình do WHO dẫn đầu nhằm đảm bảo mua và phân phối vaccine công bằng trên toàn thế giới.

Các lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại trung tâm tiêm chủng ở Nuremberg, miền nam nước Đức, hôm 18/3. Ảnh: AFP.

Các lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại trung tâm tiêm chủng ở Nuremberg, miền nam nước Đức, hôm 18/3. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.355.000 ca nhiễm và 552.162 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 58.749 và 1.531 trường hợp so với một ngày trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/3 cho biết chính quyền ông sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền vào 19/3, vượt xa so với kế hoạch đề ra.

"Tôi tự hào thông báo rằng ngày mai, 58 ngày đầu tiên của chính quyền tôi, chúng tôi sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 triệu mũi cho đồng bào chúng ta", Biden phát biểu tại Nhà Trắng. "Cách đây 8 tuần, chỉ 8% người cao tuổi, những người dễ bị mắc Covid-19 nhất, đã được tiêm phòng. Hiện 65% người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi. Đó chính là mấu chốt, bởi nhóm dân số này chiếm 80% trong hơn 500.000 ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ".

Tổng thống Mỹ cảnh báo đây là thời điểm để lạc quan, nhưng không phải để lơi là. "Bây giờ không phải lúc chúng ta mất cảnh giác. Tuần trước, ca nhiễm ở một số bang tăng lên. Các nhà khoa học đã nói rõ mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn khi các biến thể mới của loại virus này lây lan", ông nói thêm.

Với việc sản xuất vaccine đang bùng nổ ở Mỹ, chính quyền Biden cho biết họ hiện có thể gửi vaccine AstraZeneca sang các nước láng giềng Mexico và Canada. Thư ký báo chí của Biden nói 2,5 triệu liều sẽ được chuyển tới Mexico và 1,5 triệu liều cho Canada trong số 7 triệu liều dự trữ, song không nói rõ thời gian.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 11.780.820 ca nhiễm và 287.499 ca tử vong vì Covid-19, tăng 80.389 và 2.363 trong 24 giờ qua.

Brazil đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech và 38 triệu liều của Johnson & Johnson, nhằm tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đang bị tụt hậu. Hôm 12/3, Bộ Y tế nước này còn ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, dự kiến giao trong quý II năm nay.

Hiện khoảng 4,6% dân số Brazil đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Hai loại vaccine đang được sử dụng ở Brazil là AstraZeneca của Anh và CoronaVac của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng, khi các bệnh viện đang bị đẩy đến gần mức quá tải trên khắp đất nước.

Marcelo Queiroga, tân Bộ trưởng Y tế Brazil, ngày 17/3 hứa sẽ đưa ra các chính sách dựa trên khoa học để chống Covid-19 và cho biết ông có thể "điều chỉnh" cách xử lý dịch bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Ấn Độbáo cáo thêm 39.643 ca nhiễm và 155 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.513.945 và 159.405.

Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới, trong bối cảnh các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus được mở rộng ở những khu vực đại dịch có xu hướng gia tăng.

Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hôm 15/3 yêu cầu các rạp chiếu phim, khách sạn và nhà hàng hạn chế số lượng khách xuống một nửa sức chứa cho đến cuối tháng. Đám cưới và sự kiện xã hội khác cũng sẽ bị hạn chế lượng người tham dự. Một số địa phương trong bang bị phong tỏa.

Chính phủ Ấn Độ đánh giá nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ là việc tụ tập đông người và tâm lý ngại đeo khẩu trang của người dân, thay vì đề cập tới các biến chủng nCoV như phương Tây.

Ấn Độ đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 35 triệu người kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào giữa tháng một. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào tháng 8.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.280.882 người nhiễm và 125.926 người chết, tăng lần lượt 6.303 và 95 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết bất chấp dấu hiệu tích cực, người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, ông khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn, chính phủ Anh rất tự tin sử dụng vaccine này trong chiến dịch tiêm chủng.

Anh là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, bắt đầu từ tháng 12, phần lớn sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua tiếp tục trấn an rằng vaccine AstraZeneca "đang cứu sống người Anh", kêu gọi người dân hãy đến tiêm chủng nếu nhận được lịch hẹn.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 34.998 ca nhiễm và 268 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.181.607 và 91.679.

Sau khi ghi nhận ca nhiễm nhất cao nhất trong 4 tháng vào hôm 17/3, Pháp cho biết sẽ áp ệnh lệnh phong tỏa giới hạn ở Paris từ nửa đêm 19/3. Biện pháp này không dẫn đến phong tỏa hoàn toàn, nhưng sẽ khiến các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa và việc ra ngoài bị hạn chế ở các vùng bị ảnh hưởng nặng, trong khi trường học vẫn mở cửa.

Thủ tướng Pháp Jean Castex đã công bố các biện pháp mới, đồng thời nói rằng ông sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca "để cho thấy chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng".

Tương tự các nước EU khác, tiêm chủng ở Pháp bị tụt xa so với Mỹ và Anh. Hơn 5,5 triệu người ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 2,4 triệu người đã tiêm hai liều.

Đức, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới, ghi nhận 2.628.624 ca nhiễm và 74.878 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 17.855 và 201 ca so với một ngày trước đó. Chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm nCoV tại Đức đang tăng vọt, đe dọa kế hoạch dỡ phong tỏa và vực dậy nền kinh tế.

Ngay cả khi nhiều cửa hàng không thiết yếu chỉ mới tái mở cửa từ tuần trước, giới chức vẫn kêu gọi thận trọng. "Chúng tôi đang thấy những dấu hiệu rõ ràng, rằng làn sóng đại dịch thứ ba đã bắt đầu ở Đức", Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch phụ trách kiểm soát và phòng dịch của Đức, cho biết hôm 12/3.

Đức đã sử dụng hơn 1,6 triệu liều vaccine của AstraZeneca, dù chủ yếu dựa vào vaccine của Pfizer-BioNTech.

Tại Đông Nam Á,Indonesialà vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.443.853 ca nhiễm, tăng 6.570, trong đó 39.142 người chết, tăng 227.

Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã tiêm vaccine.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 640.984 ca nhiễm và 12.887 ca tử vong, tăng lần lượt 5.290 và 21 ca.

Thủ đô Manila quyết định mở rộng lệnh cấm trẻ vị thành niên rời khu vực cư trú, bao gồm cả độ tuổi từ 18 trở xuống, trong vòng hai tuần bắt đầu từ ngày 17/3 nhằm kiềm chế đợt lây nhiễm mới. Chỉ những người từ 18-65 tuổi mới được phép rời nhà. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được tái áp dụng trong hai tuần kể từ ngày 15/3.

Từ 20/3, Philippines sẽ đóng biên giới đối với người nước ngoài, lao động Philippines ở nước ngoài vẫn sẽ được về nước nhưng bị giới hạn ở mức 1.500 một ngày.

Theo VNE

Các tin cũ hơn