Việt Nam thăng hạng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021

Thứ sáu, 19/03/2021, 19:16
Việt Nam tăng từ vị trí 83 lên 79 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc, Phần Lan giữ nguyên vị trí thứ nhất.

Việt Nam xếp thứ 79, trên nước láng giềng Trung Quốc (84) hay một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia (81), Myanmar (126), trong bảng xếp hạng 149 quốc gia theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc.

Hai em bé đón giao thừa Tết Tân Sửu tại công viên Lý Tự trọng bên sông Hương, TP Huế. Ảnh:Võ Thạnh

Hai em bé đón giao thừa Tết Tân Sửu tại công viên Lý Tự trọng bên sông Hương, TP Huế. Ảnh:Võ Thạnh

4 quốc gia đầu bảng đều là các nước Bắc Âu, khi Phần Lan tiếp tục là quốc gia xếp thứ nhất, tiếp theo là Đan Mạch,Thụy Sĩ, Iceland. Mỹ từ 18 xuống 19, Anh từ 13 xuống 18, Australia giữ nguyên vị trí thứ 12.

"Chúng ta cần rút ra bài học từ Covid-19", Jeffrey Sách, đồng biên tập báo cáo, giáo sư kiêm giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững thuộc Đại học Columbia, nói. "Đại dịch nhắc nhở chúng ta về mối đe dọa môi trường toàn cầu, nhu cầu cấp thiết phải hợp tác và những khó khăn để đạt được sự hợp tác ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu".

Báo cáo do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố hôm nay. Bảng xếp hạng dựa trên 6 yếu tố: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Báo cáo được công bố thường niên từ năm 2012.

Do Covid-19, các nhà nghiên cứu không thể tới phỏng vấn trực tiếp ở một số quốc gia mà phải thay đổi phương pháp bằng cách tập trung vào mối quan hệ giữa phúc lợi và Covid-19.

Dù trong bảng xếp hạng 10 quốc gia đầu tiên có sự thay đổi, nhưng thứ hạng năm nay phần lớn giống năm trước, được coi là một dấu hiệu tích cực.

"Đáng ngạc nhiên là chỉ số phúc lợi trung bình không giảm khi người dân tự đánh giá về cuộc sống của mình", John Helliwell, người tham gia báo cáo, giáo sư Đại học British Columbia, Canada, nói. "Có thể lý giải rằng người ta coi Covid-19 là mối đe dọa chung từ bên ngoài tới mọi người, khiến họ đoàn kết hơn, cảm giác đồng cam cộng khổ cao hơn".

Đáng chú ý là những khác biệt văn hóa như người đứng đầu chính phủ có phải là phụ nữ hay không cũng được coi là yếu tố đáng cân nhắc khi tính toán mức thành công của chiến lược chống Covid-19.

"Kinh nghiệm của các nước Đông Á cho thấy các chính sách nghiêm ngặt của chính phủ không chỉ kiểm soát hiệu quả Covid-19 mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của các bệnh truyền nhiễm hàng ngày lên hạnh phúc của người dân", Shun Wang, giáo sư Viện Phát triển Hàn Quốc, nhận xét.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 cũng cho thấy tình trạng bế tắc và cách ly xã hội ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người lao động. Theo dữ liệu thu thập, những người không thể đi làm do thất nghiệp cảm thấy ít hạnh phúc hơn 43% so những người không cảm thấy cô đơn khi đại dịch bắt đầu.

"Nghiên cứu trước đây của tôi cho thấy người lao động vui vẻ cho năng suất làm việc tích cực hơn 13%", giáo sư Jan-Emmanuel De Neve, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phúc lợi thuộc Đại học Oxford, một người đóng góp cho báo cáo, nói.

"Báo cáo chứng minh hạnh phúc không được thúc đẩy bởi đồng lương, mà kết nối xã hội và ý thức về bản thân quan trọng hơn. Những phát hiện này hướng tới một động lực mới cho công việc trong tương lai, cần cân bằng cuộc sống và làm việc từ xa để duy trì kết nối xã hội trong khi vẫn đảm bảo tính linh hoạt cho người lao động".

Afghanistan tiếp tục là quốc gia xếp cuối bảng, tiếp theo là Zimbabwe, Rwanda và Botswana. Đứng ở cuối danh sách chủ yếu là những nước kém phát triển, nơi thường xuyên xảy ra xung đột chính trị và vũ trang, hoặc vừa phát sinh xung đột.

"Đây là một năm đầy thử thách, nhưng dữ liệu ban đầu cũng cho thấy một số dấu hiệu đáng chú ý về khả năng phục hồi cảm giác kết nối xã hội và đánh giá cuộc sống", Lara Aknin, giáo sư Đại học Simon Fraser, Canada, nói.

10 nước hạnh phúc nhất thế giới 2021

1. Phần Lan

2. Đan Mạch

3. Thụy Sĩ

4. Iceland

5. Hà Lan

6. Na Uy

7. Thụy Điển

8. Luxembourg

9. New Zealand

10. Áo

10 nước ít hạnh phúc nhất thế giới 2021

140. Burundi

141. Yemen

142. Tanzania

143. Haiti

144. Malawi

145. Lesotho

146. Botswana

147. Rwanda

148. Zimbabwe

149. Afghanistan

Theo VNE

Các tin cũ hơn