Mẫu thẻ căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Bộ Công an
Việc đưa hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bản đồ Việt Nam kèm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên mặt trống đồng lên 50 triệu căn cước công dân có gắn chíp điện tử mà Bộ Công an đang tiến hành thực hiện cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Có thể nói, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc. Mà đã nói về chiến tranh và hòa bình, luận về chủ quyền dân tộc, đất nước thì hẳn trên thế giới này chẳng nơi nào có được đủ đầy bài học lịch sử, thấm thía như Việt Nam.
Chúng ta phải hiểu rằng, nền hòa bình, độc lập mà Việt Nam đang có được phải đánh đổi và trả giá bằng máu thịt của các anh hùng liệt sĩ của đồng bào ta. Theo thống kê, đất nước ta có đến 1.146.250 liệt sỹ trên cả nước, gồm: 191.605 liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 105.627 liệt sỹ hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…).
Trong đó, những ngày tháng 3 này, chúng ta không thể không nhắc đến sự kiện Gạc Ma. Khi từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14/3/1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam. Vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn..v..v.
Đấy chỉ là một con số gần trong những cuộc kháng chiến gần đây, còn về trước nữa thì không kể xiết. Bởi thế, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ nỗi đau xót của chiến tranh loạn lạc, của bom rơi máu đổ, vậy nên chẳng ai mong muốn chiến tranh xảy ra, đặc biệt là lãnh đạo đất nước.
Người dân xếp hàng làm căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Vnexpress
Nói như vậy cũng có nghĩa, đến ngày hôm nay khi nền hòa bình đã ổn định mà có một bộ phận lại cổ súy cho việc chúng ta lại phải dùng vũ lực cho những mâu thuẫn ở “điểm nóng” Biển Đông là bất hợp lý, không phải là phương án tối ưu nhất. Vì Trung Quốc cũng chỉ trông chờ “một phát súng” để lấy cớ hiện thực hóa tham vọng độc chiếm, bành trướng Biển Đông.
Đó là chưa kể, chúng ta biết rõ ràng rằng nếu chiến tranh xảy ra thì nó không hề cân sức, thậm chí là thiệt hại vô cùng lớn. Hãy nhớ, những tàu ngầm, tên lửa phòng thủ, tàu chiến… mà chúng ta trang bị vì mục đích lớn nhất là phòng thủ đất nước, chứ không phải để sử dụng cho một cuộc chiến.
Đó là chưa nói đến chiến lược bảo vệ chủ quyền dân tộc từ “sức mạnh mềm” của Việt Nam luôn được duy trì, phát huy từ xưa tới nay. “Sức mạnh mềm” đó là gì? Đó chính là Văn hóa! Văn hóa là những cái còn lại khi tất cả cái khác mất đi. Lịch sử thế giới từng chỉ ra: Mất lãnh thổ, chủ quyền có thể đấu tranh lấy lại, giành lại được; nhưng mất văn hóa là mất tất cả, mất vĩnh viễn.
Bài học lịch sử của tổ tiên, ông cha ta quyết giữ bằng được văn hóa dân tộc trong thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc để “ta vẫn là ta”, là minh chứng hùng hồn về điều đó. Thế nên, Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến” là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Càng đặc biệt hơn, việc làm của Bộ Công an đang làm gần đây (như đã nói ở trên) cũng là một hình thức để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Điều đó chứng tỏ trong thời bình không có “bom rơi đạn lạc” thì lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam vẫn được nâng cao, dù cho có thể hiện bằng cách này hay cách khác.
Đồng thời, nó như một hồi chuông gióng lên với kẻ thù về tinh thần bảo vệ chủ quyền mạnh mẽ của mỗi người dân Việt Nam. Nó thể hiện tinh thần quyết liệt của lãnh đạo đất nước đối với việc bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và cũng là một thông điệp ngoại giao quan trong gửi gắm đến những kẻ đang lăm le xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam.
Theo DĐDN