Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Phân biệt chủng tộc đã và đang tiếp tục là một thách thức hàng ngày ở bất kỳ đâu. Và đối với hàng triệu người, điều đó còn hơn cả một thử thách.
Tại Myanmar, người Rohingya và những người khác đã bị trấn áp, lạm dụng và bị giết với số lượng đáng kinh ngạc. Còn tại Trung Quốc, chính phủ nước này thực hiện ‘tội ác diệt chủng’ và ‘tội ác chống lại loài người’ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương”.
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield. (Ảnh: Reuters)
Đáp trả trước phát biểu của đại diện Mỹ, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Dai Bing cho rằng "Mỹ đã tự cho mình là ngoại lệ, đưa Washington ra khỏi hồ sơ nhân quyền. Thế nhưng Mỹ không có quyền nói với các nước khác phải làm gì”.
"Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến nhân quyền, họ nên giải quyết các vấn đề sâu xa của phân biệt chủng tộc, bất công xã hội và sự tàn bạo của cảnh sát, trên đất của họ", Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Dai Bing nói thêm.
“Chúng tôi có sai sót. Những sai sót sâu sắc, nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi dám nói về điều đó, cố gắng làm việc để giải quyết chúng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, làm cho đất nước trở nên tốt hơn với những gì mọi người đã thấy”, bà Linda Thomas-Greenfield nói.
Xung đột nhấn mạnh căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới một ngày sau khi Washington và Bắc Kinh có cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Mỹ là quốc gia đầu tiên mô tả việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là "tội diệt chủng". Sau đó, các nghị sĩ Canada cũng bỏ phiếu nhất trí rằng hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội "diệt chủng". Và Quốc hội Hà Lan trở thành cơ quan lập pháp đầu tiên ở châu Âu đưa ra tuyên bố tương tự như vậy.