5 đại án được yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm

Thứ sáu, 19/03/2021, 08:36
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm đại án tại Công ty Nhật Cường và Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ngày 18/3, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, 3 vụ án còn lại được nêu tên gồm: vi phạm về đầu tư công ở Công ty Gang thép Thái Nguyên; vi phạm quy định xây dựng tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cùng một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

4 trong 5 vụ án trên từng được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu kết thúc điều tra trong năm 2020, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân.

Ngoài 5 đại án, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử; xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu kết thúc điều tra 4 vụ án, ban hành cáo trạng 8 vụ, xét xử sơ thẩm 11 vụ. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được đẩy mạnh "với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp ngày 18/3. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất Ban Chỉ đạo kết thúc chỉ đạo xử lý 7 vụ án, một vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc xử lý. 7 vụ án một vụ việc được chuyển Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; bổ sung một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu "không được làm tượng trưng là có xét xử" và "khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa". Các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt hơn. Ban Chỉ đạo không làm thay hết tất cả, chỉ ví dụ một số vụ để làm gương. Còn lại, các cơ quan chức năng, các địa phương phải làm.

"Cần thiết nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nội hàm tiêu cực là gì, sẽ nghiên cứu kỹ, quy định thành quy chế để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, từ sau Phiên họp thứ 19 (hồi tháng 1), công tác phòng, chống tham nhũng, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã có chuyển biến tích cực.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra 6 vụ án với 70 bị can; ban hành cáo trạng 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 4 vụ; mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát với các tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mới phát sinh.

Thanh tra Chính phủ hoàn thành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Theo TTXVN

Các tin cũ hơn