YouTube cho trẻ em đầy cạm bẫy

Thứ sáu, 12/03/2021, 08:15
Vụ YouTuber Thơ Nguyễn bị chỉ trích dữ dội vì tung clip cho búp bê ma uống nước ngọt để "xin vía học giỏi" lần nữa cảnh cáo về cạm bẫy bủa vây khán giả nhỏ tuổi từ một số kênh dành cho thiếu nhi

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 11-3, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cơ quan này đã phối hợp cơ quan công an để xác minh nhân thân tài khoản YouTuber Thơ Nguyễn.

Làm sai và... chịu phạt!

Theo ông Lê Quang Tự Do, đến chiều cùng ngày, đại diện Cục PTTH-TTĐT đã liên lạc được với YouTuber Thơ Nguyễn qua điện thoại. "Qua trao đổi, Thơ Nguyễn bày tỏ mong muốn được hợp tác với cơ quan chức năng và sẵn sàng chấp hành mọi quyết định xử lý đối với vi phạm. Người này cũng cho biết đang bị sốc, bị ốm và phải truyền dịch trong bệnh viện" - ông Lê Quang Tự Do nói.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm YouTuber Thơ Nguyễn đã thừa nhận lỗi của mình đúng như cộng đồng mạng cáo buộc về những nội dung phản cảm. Do YouTuber Thơ Nguyễn đang nằm viện tại Bình Dương nên Cục PTTH-TTĐT đã ủy quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương tiếp tục theo dõi, xử lý nghiêm vụ việc. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã gửi giấy mời Thơ Nguyễn lên làm việc.

YouTube cho trẻ em đầy cạm bẫy - Ảnh 1.

YouTuber Thơ Nguyễn trong clip “Xin vía học giỏi” và lên tiếng xin lỗi sau khi các bậc phụ huynh phẫn nộ. (Ảnh từ clip của YouTuber Thơ Nguyễn)

Trước đó, trên tài khoản YouTube Thơ Nguyễn trong 2 ngày 25 và 27-2 đã phát 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong lên mạng xã hội TikTok. Điều đáng nói, ở clip đăng ngày 27-2, Thơ Nguyễn cho biết mình thực hiện video dùng búp bê để "xin vía học giỏi" do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ". Clip này sau đó tiếp tục được đăng lên tài khoản YouTube của Thơ Nguyễn và nhận nhiều phản ứng lên án từ phía cộng đồng mạng.

Thơ Nguyễn được biết đến là một YouTuber nổi tiếng tại Việt Nam. Cô hiện sở hữu kênh YouTube Thơ Nguyễn với hơn 8,7 triệu người theo dõi. Sản phẩm của kênh YouTube này là các video có nội dung dành cho trẻ em. Còn theo ước tính từ Social Blade, YouTuber Thơ Nguyễn thu nhập khoảng 16 tỉ đồng trong năm 2020, bình quân mỗi tháng thu về hơn 1,3 tỉ đồng. Nhờ liên tục tạo nội dung mới, Thơ Nguyễn đã thu về hơn 1,7 tỉ lượt theo dõi trong năm 2020, trung bình đạt 144 triệu lượt/tháng. Với lượt người theo dõi "khủng" nên theo thống kê đến tháng 4-2020, kênh Thơ Nguyễn đã đạt gần 5 tỉ lượt xem.

Xin vía ma để học giỏi (!?)

Bị phản ứng dữ dội từ các bậc phụ huynh, YouTuber Thơ Nguyễn phân trần nhưng càng khiến người xem phẫn nộ hơn. Cô lập tức đăng tải clip tiếp theo, khóc sụt sùi, ôm búp bê và xin mọi người đừng tẩy chay kênh của mình. Đây không phải lần đầu tiên YouTuber này khiến các bậc phụ huynh hoang mang với nội dung mà cô truyền tải.

Thời gian đầu, kênh được nhiều phụ huynh yêu thích bởi các clip vui nhộn, dễ thương phù hợp với trẻ nhỏ qua các nội dung như khám phá đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, tự làm đồ chơi…

Nhưng dần dần, kênh bắt đầu xuất hiện các nội dung phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm nếu trẻ em bắt chước theo. Cô từng làm clip "thử nghiệm đun lon nước ngọt", mô tả cảnh dùng lửa đốt 4 lon nước ngọt và bia để xem hiện tượng khí đốt. Hay một clip khác với nội dung "Cho đá khô vào chai nước kín", mô tả thí nghiệm với đá khô và phát nổ.

Thực tế, những clip phản cảm như Thơ Nguyễn không hề ít. Công chúng từng bàng hoàng với thông tin một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai hay cô bé 5 tuổi ở TP.HCM qua đời, nghi nạn nhân học theo một trò chơi trong "Thử thách Momo". Cộng đồng mạng từ lâu đã dậy sóng các video mang tên "Thử thách Momo" có nội dung độc hại, thậm chí hướng dẫn trẻ em tự sát. Kênh Peppa Pig cũng được xét duyệt trên YouTube Kids, những clip về nhân vật này dù ở dạng hoạt hình nhưng lại dạy trẻ em cách tự tử, hành xử bạo lực.

Dư luận cũng từng xôn xao về kênh YouTube thu hút hàng triệu lượt view với nội dung xoay quanh các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng được trẻ em yêu thích như công chúa Elsa, công chúa Bạch Tuyết, người nhện (Spiderman) hay Joker... do các diễn viên hóa trang diễn lại những hành động ngoài đời thường. Kênh YouTube này khiến phụ huynh lo ngại khi đăng tải hàng loạt clip có những chi tiết "người lớn" như việc công chúa Elsa mặc bikini cắt xẻ táo bạo hay hành động mơn trớn giữa người nhện và công chúa Bạch Tuyết...

"Hành tinh đồ chơi - Toy Planet" cũng là kênh YouTube gắn mác cho trẻ em nhưng lại chứa nội dung không lành mạnh được phát hiện thời gian trước. Kênh thường xuyên đăng những clip gây tranh cãi, những trò lừa bạn "ăn dép tổ ong", "ăn phấn và giẻ lau bảng", "ăn đất sét"… Không ít học sinh tiểu học sau khi xem xong thích thú để lại bình luận, sẽ học theo các trò troll này và áp dụng với bạn cùng lớp.

Đầy rẫy độc hại

YouTube là một sân chơi rộng nên việc ra đời của nền tảng YouTube Kids như một cách để tạo môi trường an toàn hơn dành cho người dùng nhỏ tuổi. Dù xuất hiện với hình tượng hoạt hình nhưng cảnh chú lợn Peppa bị tra tấn trong phòng khám nha khoa, chuột Mickey chịu nhục hình hay vô số video với nội dung quái đản liên quan đến các nhân vật của Disney… đều đủ sức gieo vào người xem những ý tưởng độc hại, nhất là đối tượng trẻ em với đặc tính tò mò và hay bắt chước.

Sau mỗi lần bị chỉ trích, YouTube đều cố gắng gỡ bỏ những clip phản cảm hay tắt chế độ kiếm tiền như một cách để hạn chế những nội dung thô tục nhưng các clip này vẫn xuất hiện. Như kênh của Hưng Vlog xuất hiện những nội dung như "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi", "nấu cháo gà nguyên lông"… Còn YouTuber Nguyễn Văn Hậu (em trai của Hưng Vlog) đăng những clip nhảm nhí không kém như: "Trộm gà nhà em hàng xóm, nướng siêu cay, mời em hàng xóm thưởng thức"… khiến người xem bức xúc.

Người trong giới lý giải rằng YouTube không thể ngăn chặn triệt để những nội dung phản cảm. Hay với clip gây xôn xao của Thơ Nguyễn, tối 10-3, nền tảng TikTok cũng có những phản hồi: "Tại TikTok, chúng tôi cam kết phát triển một môi trường sáng tạo an toàn và thân thiện với tất cả người dùng. Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi không cho phép các nội dung và hoạt động có tính sai lệch và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dùng lan truyền trên nền tảng".

Tuyên bố như thế nhưng người dùng vẫn chưa thấy TikTok đưa ra hướng xử lý cụ thể với Thơ Nguyễn.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, khẳng định việc đăng tải nội dung về búp bê Kumanthong có tên gọi là Cu Ma Mập đã có dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan. Pháp luật hiện hành quy định hành vi này bị xử phạt hành chính và tùy mức độ sẽ bị xử lý hình sự.

Ảnh hưởng đến nhân cách

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thạc sĩ tâm lý học Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng Bộ môn Tâm lý học - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Tâm lý trẻ em chưa toàn vẹn, chưa đạt được sự thống nhất về cách ứng xử và dễ bị ảnh hưởng, chịu tác động bởi yếu tố môi trường sống. Khi xem những chương trình có nội dung thiếu lành mạnh, các em sẽ có thể bắt chước và hành động theo mà không ý thức rõ điều mình thực hiện là đúng hay sai.

Bắt chước các hành vi thiếu lành mạnh lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen xấu, dần sẽ trở thành bản chất, thuộc tính nhân cách. Lúc này, việc uốn nắn và điều chỉnh lại hành vi rất khó khăn. Bên cạnh đó, những hình ảnh thiếu lành mạnh có thể đem lại trạng thái bất an, căng thẳng về tâm lý cho trẻ thơ, có thể dẫn đến sự thiếu tự tin trong ứng xử, thậm chí là các triệu chứng về rối loạn lo âu, tự hủy hoại bản thân, stress, trầm cảm... Trong việc giáo dục thế hệ trẻ, cần sự phối hợp giữa 3 lực lượng: gia đình, nhà trường và xã hội. Phụ huynh cần quan tâm, quan sát các hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ để có sự định hướng, tư vấn kịp thời, tránh thả nổi cho trẻ xem các chương trình không phù hợp lứa tuổi ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách.

Theo NLĐO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích