Sáu điều cần biết về cuộc xung đột Israel - Palestine đang bùng nổ

Thứ năm, 20/05/2021, 17:04
Khi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đang kéo dài tới tuần thứ hai, sự tang thương và tàn phá do nó gây ra khiến cộng đồng quốc tế không thể không lo ngại.

Ngày 10/5, quân đội Israel bắt đầu không kích Dải Gaza khi Mặt Trời chưa ló rạng. Cùng lúc đó, rocket của Hamas hướng đến các thành phố Israel, bao gồm trung tâm tài chính Tel Aviv.

Khi số dân thường thương vong ngày càng gia tăng, xung đột đã làm phân hóa xã hội Israel cũng như thế giới. Đồng thời, bạo lực cũng xảy ra ở khu Bờ Tây và ngay bên trong Israel.

Ai đang bị tấn công?

Các cuộc không kích và pháo kích của Israel vào dải Gaza đã khiến ít nhất 227 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 64 trẻ em. Các hình ảnh tang thương đã được lan truyền ra khắp thế giới.

Trong khi đó, rocket của lực lượng Hamas đã khiến 12 người Israel thiệt mạng, bao gồm hai trẻ em. Thương vong về dân thường lần này của Israel còn lớn hơn cuộc chiến tổng lực trong 7 tuần năm 2014.

Israel coi những cuộc tấn công vào dải Gaza là nhằm phá hủy cơ sở vật chất của lực lượng Hamas, bao gồm các xưởng sản xuất rocket và đường hầm bí mật.

xung dot Israel Palestine anh 2

Lễ tang của 2 người phụ nữ và 8 trẻ em Palestine thiệt mạng sau một vụ không kích của Israel. Ảnh: AP.

Tuy vậy, Israel đang hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì những cuộc tấn công đang cướp đi mạng sống của quá nhiều dân thường, bao gồm cả trẻ em. Hình ảnh thi thể của những đứa trẻ thiệt mạng do không kích, cũng như đoạn video về người đàn ông ở Gaza mất vợ và 4 trong 5 đứa con của mình vì không kích, đã khiến thế giới rúng động.

Về phía Israel, một em bé 5 tuổi đã thiệt mạng khi cùng mẹ đi thăm người cô của mình. Một quả rocket đã rơi trúng ngôi nhà bên cạnh sau khi vượt qua hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Ngoài ra, một số người đã thiệt mạng hoặc bị thương được ghi nhận trong các cuộc bạo loạn tại các thành phố có cộng đồng người Arab và Do Thái cùng sinh sống. 2 người đã thiệt mạng ở thành phố Lod trong các vụ bạo loạn như vậy. Ít nhất 20 người Palestine cũng đã bị lực lượng an ninh Israel giết chết trong tuần qua tại Bờ Tây.

Tại sao xung đột nổ ra?

Xung đột chính thức nổ ra vào ngày 10/5. Tuy vậy, nguồn gốc của xung đột đã có từ vài tuần trước đó, khi căng thẳng giữa người biểu tình Palestine, lực lượng an ninh Israel và phe cực hữu Israel gia tăng tại Jerusalem, thành phố linh thiêng của cả người Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.

Gốc rễ của cuộc xung đột là tranh chấp đối với khu vực Đông Jerusalem, nơi cư dân phần lớn là người Palestine. Palestine coi đây là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Quan điểm này được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ. Trong khi đó, Israel coi đây là một phần của thành phố Jerusalem, “thủ đô thiêng liêng và không thể chia cắt” của nhà nước Do Thái.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra sau khi lực lượng an ninh Israel trục xuất một số gia đình Palestine khỏi Jerusalem. Israel nói rằng đây chỉ là một cuộc tranh chấp về bất động sản, trong khi người Palestine coi đây là một phần trong chiến dịch “thanh lọc sắc tộc” của Israel nhằm đuổi người Palestine khỏi Đông Jerusalem.

xung dot Israel Palestine anh 3

Cảnh sát Israel tiến vào đền thờ Al-Aqsa. Ảnh: Anadolu.

Căng thẳng gia tăng khi Israel cấm người Palestine tụ tập gần cổng Thành cổ Jerusalem trong tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Để đáp trả, cảnh sát Israel xông vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa hôm 10/5. Đây là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi.

Cảnh sát Israel cho rằng hành động này nhằm ngăn chặn người biểu tình ném đá. Tuy vậy, nhiều người theo đạo Hồi ở Palestine nói riêng và trên toàn thế giới nói chung coi đây là hành động xúc phạm tôn giáo của mình. Động thái này cũng đã khiến hàng trăm người biểu tình Palestine.

Ngay sau đó, Hamas và các lực lượng Palestine ở Gaza nã rocket về hướng Jerusalem, còn Israel ném bom dải Gaza. Con số thương vong đã tăng nhanh qua từng ngày, tuy Palestine là bên bị thiệt hại nhiều hơn một cách đáng kể.

Hamas có vũ khí gì?

Với sự giúp đỡ của các lực lượng bên ngoài như Iran, Hamas đã xây dựng một kho vũ khí lớn, đặc biệt là rocket. Từ ngày 10/5, Hamas đã phóng hơn 3.000 quả rocket sang lãnh thổ Israel. Mối đe dọa với Tel Aviv, cũng như với các thành phố khác của Israel, chưa bao giờ lớn như vậy.

Bên cạnh đường hầm và rocket của Hamas, Israel còn nói về một nguy cơ ít được nhắc đến hơn: Các chiến dịch xâm nhập đường biển của Hamas vào lãnh thổ Israel bằng lực lượng đặc công. Các cuộc tấn công có thể nhắm đến các cơ sở năng lượng hoặc khu định cư. Israel đã công bố đoạn video cho thấy quân đội nước này bắn phá một con tàu bị nghi là đang trên đường tấn công Israel.

Hệ thống Vòm Sắt là gì?

Để chống lại các cuộc tấn công bằng rocket của Hamas, Israel đã phát triển hệ thống phòng không Vòm Sắt. Trong tuần qua, hình ảnh bầu trời Israel rực sáng bởi rocket từ Gaza và tên lửa phòng không của Israel là một trong những hình ảnh được thế giới biết đến nhiều nhất.

xung dot Israel Palestine anh 4

Tên lửa thuộc hệ thống Vòm Sắt của Israel (trái) và rocket của Hamas (phải) thắp sáng bầu trời. Ảnh: AFP.

Đi vào hoạt động từ năm 2011, hệ thống Vòm Sắt gồm các tên lửa cảm biến có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa của Hamas trước khi chúng rơi xuống mặt đất.

Thách thức lớn đầu tiên mà hệ thống này phải đối mặt đến vào năm 2014, trong cuộc chiến 7 tuần giữa Israel và Hamas. Khi đó, các lực lượng ở dải Gaza đã bắn khoảng 1.500 quả tên lửa vào Israel. Giới chức Israel tuyên bố tỷ lệ đánh chặn thành công của Vòm Sắt là 90% trong cuộc xung đột này.

Dù hệ thống không thể đánh chặn toàn bộ rocket và Israel vẫn ghi nhận thương vong về dân thường, Vòm Sắt vẫn được coi là bức màn hiệu quả bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công.

Chính trị nội bộ tác động thế nào đến xung đột?

Sự tranh giành về quyền lực chính trị nội bộ ở Israel và Palestine cũng góp phần giải thích nguyên nhân xung đột.

Sau bốn cuộc bầu cử liên tiếp, Israel vẫn chưa thể thành lập chính phủ ổn định. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng, hy vọng người dân Israel sẽ ủng hộ ông khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Trong khi đó, lực lượng Hamas muốn xây dựng hình ảnh của mình như những người bảo vệ Jerusalem. Họ muốn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, tổng thống và Hội đồng Dân tộc Palestine, dự kiến diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8. Tuy vậy, các cuộc bầu cử đã bị hoãn lại.

xung dot Israel Palestine anh 5

Lực lượng Hamas muốn nhận được sự ủng hộ của người dân nhằm giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: BBC.

Cuộc xung đột trước đó được giải quyết thế nào?

Để tìm lời giải cho thế bế tắc giữa Israel và Palestine hiện nay, chúng ta có thể quay ngược thời gian 7 năm. Năm 2014, Israel xâm lược Gaza bằng bộ binh sau khi chiến dịch không kích không thể khiến Hamas ngừng bắn rocket vào lãnh thổ nước này. Sau 7 tuần xung đột, hai bên chấp nhận đình chiến vào tháng 8. Cuộc chiến đã khiến 2.251 người Palestine và 73 người Israel thiệt mạng, theo Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Israel đã chấp nhận rút quân dưới áp lực ngoại giao và dư luận. Với việc chấp nhận đình chiến, Israel vừa có thể giải quyết các mối đe dọa Hamas sử dụng đường hầm để tấn công Israel, bắt cóc công dân nước này, vừa tránh bị cộng đồng quốc tế lên án khi giết hại dân thường Palestine.

Giống như Israel, Hamas chịu áp lực ngừng bắn của cộng đồng quốc tế, cũng như từ chính những người dân Palestine đang phải hứng chịu bom đạn của Israel, dẫn đến bao đau thương và tàn phá.

Theo Zing

Các tin cũ hơn