Lực lượng tuần tra thuộc nhóm chuyên trách Biển Đông của Philippines cho biết tính tới ngày 9/5, 287 tàu "dân quân biển" Trung Quốc phân tán tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó các cụm tàu lớn hơn xuất hiện tại các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở khu vực này. Số lượng này đã tăng lên đáng kể so với khoảng 200 tàu cách đây hai tháng.
Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 3. Ảnh: AP.
Tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lực lượng tuần tra Philippines, bên cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này, phát hiện 34 tàu Trung Quốc hiện diện.
Trao đổi với VnExpress, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nói rằng diễn biến này phù hợp với những gì chúng ta đã thấy về cách Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân trong vài năm qua. "Luôn có khoảng 250 - 300 tàu dân quân hoạt động trong khu vực. Họ di chuyển xung quanh, ra vào các tiền đồn Trung Quốc xây dựng tại đá Vành Khăn và đá Subi, nhưng con số tổng thể vẫn tương tự kể từ cuối năm 2018", ông nói.
Trước đó, hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu. Bắc Kinh phủ nhận đây là các tàu dân quân biển và nói chúng chỉ là "tàu cá" neo đậu tránh thời tiết xấu. Sau khi nhiều nước lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc, phần lớn đội tàu này đã rời khỏi bãi Ba Đầu, tỏa ra các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn duy trì vài tàu neo đậu tại đây.
"Đây là một chiến dịch gây áp lực với giới chức Philippines và Việt Nam bằng lợi thế số lượng khổng lồ của Trung Quốc, họ muốn dần ép các tàu Đông Nam Á ra khỏi vùng biển này", Poling nhận xét thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 13/5 cho biết Việt Nam theo dõi sát diễn biến và thực thi chủ quyền trên Biển Đông. Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói việc Trung Quốc duy trì hiện diện của dân quân biển thể hiện mưu đồ "chiếm thêm" các khu vực ở Biển Đông.
Giáo sư Jay L. Batongbacal tại Trường Luật thuộc Đại học Philippines, đồng thời là Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của trường, đánh giá Bắc Kinh đã thể hiện rằng họ duy trì sự hiện diện của các tàu như một cách thay thế cho việc chiếm đóng thực tế các thực thể mà họ nêu yêu sách chủ quyền. "Đây là cách để họ 'lách' cam kết trong Tuyên bố ứng xử năm 2002 về việc không chiếm thêm bất kỳ thực thể địa lý nào ở Biển Đông", Batongbacal nói thêm.
Batongbacal chỉ ra rằng Trung Quốc từng làm được điều này với bãi cạn Scarborough và bãi cạn James, bằng cách cho tuần duyên đóng quân liên tục tại những địa điểm đó, không chịu rời đi, canh gác khi ngư dân của họ đánh bắt cá và ngăn tàu của các quốc gia khác đến gần. Ông cảnh báo họ có khả năng tiếp tục sử dụng phương pháp này với các thực thể khác để mở rộng kiểm soát ở Biển Đông.
Các chuyên gia nhận định sự hiện diện của gần 300 tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông là lời nhắc nhở về yêu sách "đường lưỡi bò" nước này đơn phương đặt ra để đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Jose Antonio Custodio, nhà phân tích quốc phòng và an ninh, từng là cố vấn cho Văn phòng An ninh Quốc gia Philippines, đánh giá việc các tàu Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở Biển Đông có thể gây phức tạp cho các hoạt động đánh bắt và khai thác năng lượng xa bờ của các quốc gia khác.
Ông nhắc đến việc hồi đầu tháng 5, Tổng thống Philippines Duterte gây xôn xao khi cho rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong đó bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, chỉ là "mảnh giấy" ông có thể ném vào sọt rác.
"Bình luận của Duterte đã hạ thấp đi rất nhiều giọng điệu cứng rắn hơn với Trung Quốc mà các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của ông đã đưa ra", Custodio nói. "Chúng tôi không có sự thống nhất về thông điệp gửi đi. Điều đó đang dung túng cho hành động của Trung Quốc".
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), cũng có chung quan điểm. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã phản ứng trước thông tin gần 300 tàu Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách ra công hàm phản đối, nhưng "những công hàm đó sẽ đi thẳng vào thùng rác ở Bắc Kinh, vì Tổng thống Duterte coi phán quyết của trọng tài năm 2016 như giấy vụn", ông nói.