Việt Nam dành ngân sách cho phúc lợi xã hội cao nhất ASEAN

Thứ năm, 20/05/2021, 12:13
5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc.
Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành; những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết; những công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Nhiều điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Trong bối cảnh đại dịch, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ hơn 14,4 triệu người với tổng kinh phí hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá tại buổi làm việc, trong 5 năm qua, đời sống người có công không ngừng được nâng lên; hằng năm ngân sách nhà nước dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công và thân nhân.
“Giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, tạo được hàng triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn, là một trong 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Vị thế, vai trò và kết quả của giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5%.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế...
Nhưng gói 62.000 tỷ đồng còn nhiều bất cập...
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, khẳng định Bộ và ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, còn những nhóm công việc chưa làm tốt.
Đơn cử, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu tổng thể, liên thông. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trong đó có trách nhiệm của Bộ, nhất là trong đào tạo nghề bởi con người với tri thức, trí tuệ, kỹ năng, tay nghề là yếu tố quyết định trong nâng cao năng suất.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn chậm cải thiện, còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. Việc xuất khẩu lao động còn nhiều yếu kém liên quan đến việc đào tạo tay nghề, kiến thức, luật pháp cho người lao động, lĩnh vực này cũng còn nhiều tiêu cực, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả. Thông tin về thất nghiệp còn chậm được cập nhật.
Cũng theo Thủ tướng, việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (gói 62.000 tỷ đồng) còn nhiều bất cập. Ngân sách đã có, phải “tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả”, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được.
Cơ chế, chính sách và việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ người yếu thế trong xã hội còn bất cập...
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong thời gian tới, trước hết phải tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, những việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.
Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm phiền hà cho nhân dân và ngay trong nội bộ. Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.
Huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, quan tâm tạo môi trường cho trẻ em phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường lao động, nhất là lao động chất lượng cao với sự tham gia, phối hợp của nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường, năng cao năng lực dự báo nhu cầu, thị trường lao động. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện lưới an sinh xã hội, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong lĩnh vực quản lý.
Thủ tướng ủng hộ quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện nghèo trên cả nước, tinh thần là “càng sớm càng tốt” song phải xây dựng đề án với mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn, tiêu chí, cách làm rõ ràng, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.
Nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, chính sách phù hợp với tốc độ già hóa dân số.
Nâng cao hiệu quả quản lý công tác xuất khẩu lao động, khai thác, phát huy hiệu quả thị trường lao động ở nước ngoài, đồng thời cân đối, hài hòa giữa xuất khẩu lao động và sử dụng lao động trong nước, tránh tình trạng ồ ạt đưa ra nước ngoài những lao động có chất lượng tốt nhất nhưng hẫng hụt nguồn cung lao động trong nước.
Tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam tại các nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với hoàn cảnh. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, người lao động thực hiện nghiêm túc 5K, các cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn COVID...
Theo Bizlive

Các tin cũ hơn