Cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia hiện có gần 30.000 người, chủ yếu tập trung tại các quận Chbar Ampov, Russey Keo và Prek Pnov tại thủ đô Phnom Penh, ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia, chia sẻ với VnExpress. Đợt bùng phát Covid-19 dẫn tới lệnh phong toả gây ảnh hưởng nặng ở các quận trung tâm thủ đô, không phải là nơi sinh sống của đa phần người Khmer gốc Việt.
"Tuy nhiên, bốn quận trung tâm thủ đô lại là khu vực mà đa số bà con thường lui đến mua bán, đặc biệt là những khu chợ lớn trong địa bàn. Tình hình vì vậy đang gây ảnh hưởng rất lớn đến bà con Khmer gốc Việt ở Phnom Penh", ông nói.
Cảnh sát chặn phương tiện giao thông ở Phnom Penh để kiểm tra giấy thông hành vào ngày 16/4. Ảnh: Reuters.
Lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và vùng Takhmao lân cận có hiệu lực từ ngày 15/4 đến 28/4, nhằm kìm hãm tốc độ bùng phát lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và ngăn vùng dịch lan rộng sang các tỉnh khác. Trong ngày 18/4, Campuchia ghi nhận thêm 618 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 6.389 người, theo Reuters.
Chợ Orussey ở khu trung tâm Phnom Penh có khu vực tập trung đông đảo tiểu thương gốc Việt. Nơi này có hoạt động mua bán còn nhộn nhịp hơn cả cộng đồng gốc Hoa và người Khmer cùng địa bàn. Đã có ít nhất 3 trường hợp trong cộng đồng người gốc Việt mắc Covid-19.
"Họ đã được cơ quan y tế Campuchia đưa đi cách ly, điều trị được hơn 10 ngày", ông nói thêm.
Vợ chồng chị Ny Tryhua, một gia đình Khmer gốc Việt sinh sống gần chợ Orussey, cho biết họ sống đối diện khu vực cách ly chống dịch. Lệnh phong tỏa tuần qua được ban bố quá đột xuất nên hai vợ chồng không kịp chuẩn bị trước. Đến tầm 17-18h ngày 14/4, họ "thấy mọi người vác đồ về quá trời, hỏi ra mới nghe là sắp phong tỏa".
"Quận của tôi có rất nhiều ca bệnh. Chỉ băng qua lộ là thấy người ta đang bao vây hết rồi. Không cho ai ra vào. Tình hình nguy hiểm, cả nhà tôi không dám đi đâu từ mấy ngày nay", người chồng có tên tiếng Việt là Tý, từng làm hướng dẫn viên du lịch tại Phnom Penh trước đợt dịch, cho biết qua điện thoại.
Trong gần 14 tháng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và Campuchia phải siết chặt kiểm soát biên giới, gia đình anh mất đi nguồn thu nhập từ du khách nước ngoài. Cả nhà đang trông cậy vào việc mua bán nhỏ lẻ của chị Ny Tryhua, nên đợt phong tỏa này càng khiến kinh tế thêm khó khăn.
Ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ouk Channy, hướng dẫn viên du lịch gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Campuchia, chia sẻ đại dịch đã đẩy gia đình vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
"Ông xã chị cũng làm du lịch, chuyên tiếng Tây Ban Nha. Chị làm tiếng Anh và tiếng Việt. Ở Siem Reap này thì chỉ sống bằng du lịch thôi, không có thì cực lắm", chị Ouk chia sẻ.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình hai vợ chồng chị kiếm được khoảng 1.000 USD/tháng. Khoản thu nhập này giờ đây không còn. Không chỉ thế, chị Ouk đã vay để sửa sang nhà cửa tại Siem Reap trước khi đại dịch ập đến. Ngân hàng đã giãn nợ, cho gia đình chị chỉ đóng tiền lãi mỗi tháng và tạm ngưng trả nợ gốc. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi Campuchia siết kiểm soát nhập cảnh, hai vợ chồng cũng không còn sức trả tiền lãi ngân hàng, dẫn đến cảnh nợ chồng thêm nợ.
"Nhà chị khóc không ra nước mắt", chị Ouk chia sẻ.
Dù có phần hoang mang về tình hình, đông đảo người gốc Việt ủng hộ phong tỏa là bước đi cần thiết để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Chị Ouk đồng tình nếu chính phủ Campuchia không có biện pháp mạnh tay tình cảnh khó khăn chỉ kéo dài thêm nữa.
"Bây giờ họ sẽ siết chặt lại nhưng chính phủ vẫn cho người dân đi siêu thị. Họ sẽ khoanh mỗi vùng có khoảng hai siêu thị để bà con mua đồ. Vùng nào được phân ra vùng nấy, người dân không được đi lại tràn lan", chị Ny Tryhua chia sẻ, thêm rằng gia đình vẫn đang chờ đến lượt được tiêm vaccine.
Cảnh sát phong tỏa chợ Orussey, gần khu vực có nhiều tiểu tương người gốc Việt tại Campuchia làm ăn, vào ngày 15/4. Ảnh nhân vật cung cấp.
Theo Phnom Penh Post, cơ quan y tế Campuchia tính đến ngày 18/4 đã tổ chức tiêm ngừa Covid-19 cho hơn 1,2 triệu người trên cả nước. Hoạt động những ngày qua vẫn được duy trì ở các vùng Phnompenh, Takhmao dù bị phong tỏa và việc đi lại giữa các tỉnh, thành phải hạn chế.
"Họ đang ưu tiên những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Như quận Sen Sok (ở trung tâm Phnom Penh), những người từ 60 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm. Mấy người cháu của tôi trong khu đó cũng được tiêm hết rồi", anh Tý cho biết.
Davy Dương, 29 tuổi, một dược sĩ gốc Việt thuộc nhóm ưu tiên, đã được tiêm mũi thứ nhất vaccine Sinovac do Trung Quốc cung cấp cho Campuchia. Một ngày sau khi tiêm, Davy bị sốt nhẹ và mệt mỏi và sức khỏe nhanh chóng hồi phục trong ngày tiếp theo. Chị nói vaccine là một trong nhiều biện pháp ngăn lây nhiễm Covid-19 mà người lao động trong mảng y tế tại Campuchia được cung cấp, bên cạnh trang bị bảo hộ như khẩu trang và tấm chắn mặt.
Theo ông Sim Chy, Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với Bộ Ngoại giao Campuchia về việc hỗ trợ tiêm vaccine cho doanh nghiệp và người lao động thuộc diện đầu tư sang Campuchia. Riêng với cộng đồng người Khmer gốc Việt, bà con gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu vì đa số chưa có quốc tịch.
"Phần đông bà con chỉ có thẻ ngoại kiều, còn được gọi là 'thẻ vàng', được cấp bởi Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia", ông nói.
Tuy nhiên, sau khi Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia phối hợp làm việc với Bộ Nội vụ và 25 tỉnh thành của Campuchia, trên 10 tỉnh thành đã đồng ý cho bà con có thẻ vàng, đang sinh sống hợp pháp tại Campuchia được đăng ký tiêm.
Người gốc Việt tin tưởng vaccine sẽ giúp họ sớm vượt qua đại dịch. "Chất lượng vaccine bao nhiêu phần trăm thì mình không biết rõ được, nhưng mình hiểu là tiêm ngừa để được an toàn và mình muốn được tiêm", chị Ny cho biết.
Theo VNE