Thách thức với 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt mới

Thứ sáu, 16/04/2021, 15:11
Tránh lợi ích cục bộ địa phương, phá "sức ỳ" của bộ máy hành chính, bài toán miễn dịch Covid-19... là những thách thức với dàn lãnh đạo mới của đất nước.

Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đặt nhiều kỳ vọng với 3 lãnh đạo mới - những người sẽ mang đến những bước phát triển ở giai đoạn sắp tới của đất nước.

Là nhà phản biện xã hội và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị, ông Dũng đồng thời phân tích về các thách thức đối với từng vị trí.

- Sau Đại hội Đảng XIII, kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Các vị trí này lần lượt do 3 ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ nắm giữ. Ông đánh giá thế nào về 3 vị trí mới được kiện toàn này?

- Sau Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội là các vị trí quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của chúng ta. Việc lựa chọn được những nhân sự nói trên có thể coi là một thành công.

Một số ý kiến băn khoăn việc tân Thủ tướng là lãnh đạo chuyển từ trưởng một ban Đảng qua Chính phủ, chưa đứng đầu ở các cơ quan hành pháp Trung ương. Tôi cho rằng nói như vậy chỉ đúng về mặt hình thức, chứ chưa chắc đã đúng về mặt thực chất.

Trong mô hình thể chế của chúng ta, tất cả những ai từng làm ủy viên Bộ Chính trị thì đều có kinh nghiệm tương đương với thành viên nội các trong mô hình thể chế của nhiều nước khác. Ông Phạm Minh Chính đã có trọn một nhiệm kỳ 5 năm làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Ngoài ra, ông Chính đã kinh qua chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an - thực chất là người điều hành của một ngành ở tầm quốc gia. Nhân đây, những chuyển biến mang tính đột phá của tỉnh Quảng Ninh đã được bắt đầu kể từ khi ông Chính làm Bí thư Tỉnh ủy ở đó. Đóng góp của ông Chính cho những chuyển biến này là một thực tế khách quan.

Tất nhiên, làm Thủ tướng Chính phủ là một công việc mới. Nhưng nó mới với bất kỳ ai lần đầu tiên giữ trọng trách này.

- Thế còn đối với hai chức danh quan trọng khác là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội?

- Đối với chức danh Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc là một lựa chọn rất phù hợp. Trước đây, trên cương vị Thủ tướng, ông Phúc đã đạt được những thành tích ấn tượng trên mặt trận chống dịch Covid-19 và duy trì sự phát triển của nền triển kinh tế. Sự xông xáo, sự chân tình và tấm lòng rộng mở đã tạo cho ông Phúc một hình ảnh công chúng rất tốt. Ông thật sự là người được quần chúng mến mộ. Đây chính là quyền lực mềm của tân Chủ tịch nước.

Sự mến mộ của người dân là yếu tố rất quan trọng để vận hành thể chế Chủ tịch nước. Bởi vì Chủ tịch nước là biểu tượng cho khối đại đoàn kết và cho sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước.

Tất nhiên, theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước còn có cả quyền lực cứng. Nhưng theo tôi, quyền lực mềm quan trọng hơn.

Với ông Vương Đình Huệ, theo tôi vị trí Chủ tịch Quốc hội cũng là một lựa chọn đúng đắn và phù hợp. Ông Huệ có nền tảng kiến thức của một giáo sư, được đào tạo bài bản, hiểu biết sâu về tài chính và kinh tế.

Quốc hội là thể chế ban hành quyết định trên cơ sở đàm luận. Người có kiến thức nền sâu như ông Huệ rất cần thiết cho một thể chế phải đi sâu xem xét, cân nhắc những vấn đề của chính sách và pháp luật.

Kinh nghiệm điều hành thực tiễn cũng rất có ích ở đây. Do từng làm Bộ trưởng Tài chính, ông Huệ chắc chắn sẽ có thể góp phần nâng cao năng lực của Quốc hội trong việc xem xét và quyết định ngân sách. Mà như vậy thì từ một cơ quan có quyền năng, Quốc hội sẽ trở thành một cơ quan có thực quyền. Bởi vì ngân sách chính là bản chất của mọi chính sách.

Ngoài ra, việc ông Vương Đình Huệ từng làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương giúp ông thấy được bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, từ vĩ mô tới vi mô, từ các động lực tới các thể chế giúp nền kinh tế phát triển.

Tóm lại, Đại hội Đảng XIII đã thành công trong việc tìm chọn ra nhân sự cấp cao. Cả 3 vị trí lãnh đạo đều đủ năng lực và phẩm chất để vận hành các thể chế quan trọng nhất của nền quản trị quốc gia.

- Ông đặt kỳ vọng gì đối với các lãnh đạo của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới?

- Với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tôi kỳ vọng ông tiếp tục vun đắp, xây dựng hình ảnh công chúng vốn có của mình. Chủ tịch nước dẫn dắt bằng sức mạnh của đạo đức và thông qua các thông điệp của mình. Những thông điệp đó phải thể hiện tình đoàn kết, phẩm cấp trí tuệ và nhân văn của toàn dân tộc. Và tôi tin ông Phúc sẽ làm rất tốt công việc này.

Về người đứng đầu Chính phủ, tôi kỳ vọng ông Phạm Minh Chính sẽ là một nhà lãnh đạo nhìn xa, trông rộng và quyết đáp. Để thúc đẩy công việc, ông Chính cần làm sao để cả bộ máy phải chuyển động theo mình.

Tôi tin, hơn ai hết ông Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo hiếm hoi có thể làm được điều này.

Ngoài ra, kỹ năng và năng lực thuyết phục Quốc hội cũng rất quan trọng. Một Chính phủ mạnh là Chính phủ được Quốc hội ủng hộ. Mọi việc sẽ ách tắc, nếu chính sách, pháp luật không được Quốc hội kịp thời thông qua.

Về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đứng đầu Quốc hội với đứng đầu Chính phủ là hai công việc khác nhau. Quốc hội hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Không ai có thể ra lệnh cho Quốc hội được. Chính vì thế quyền lực của Chủ tịch Quốc hội nằm ở khả năng áp dụng quy trình, thủ tục, khả năng xác lập ưu tiên và xác lập đa số.

Đàm luận (thảo luận, tranh luận) để xem xét thấu đáo mọi chính sách là rất quan trọng ở đây. Đây cũng là một trong những cách quan trọng nhất để bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

Để giám sát Chính phủ, thì quan trọng là phát huy đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương - những đại biểu ít chịu tác động của xung đột lợi ích nhất.

- Như ông phân tích, thách thức có vẻ dồn vào 2 vị trí Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Các vị lãnh đạo này, theo ông, đối mặt với những bài toán nào và cần chia sẻ gánh nặng với nhau ra sao?

- Theo tôi thách thức đầu tiên là năng lực vận hành thể chế. Nói Quốc hội có chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, nhưng thực chất một nửa công việc ở đây lại thuộc về Chính phủ. Lập pháp, quyết định là một quy trình có 2 công đoạn: Công đoạn Chính phủ và công đoạn Quốc hội. Công đoạn Chính phủ là hoạch định chính sách và soạn thảo thành văn bản; công đoạn Quốc hội là thẩm định chính sách và thông qua thành chính sách - pháp luật (cũng giống như xây dựng các công trình, thiết kế và thẩm định phải do những cơ quan khác nhau đảm trách).

Như vậy, Chính phủ và Quốc hội là hai thiết chế của một nền quản trị quốc gia. Nếu năng lực quan trọng nhất của Chính phủ là "hoạch định chính sách" thì năng lực quan trọng nhất của Quốc hội là "thẩm định chính sách".

Nghị viện các nước thường thẩm định chính sách qua 3 lần đọc (3 lần xem xét ở phiên họp toàn thể). Có vẻ như Quốc hội nước ta vẫn chưa có được một công nghệ thẩm định chính sách mạch lạc và có chất lượng như vậy.

Thể chế hóa những quyết sách mạng tính đột phá của Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng là thách thức rất lớn đối với cả Quốc hội và Chính phủ. Ví dụ, Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra nhiệm vụ phải “hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế”, thì thách thức là phải tìm được mô hình thể chế phù hợp để hoàn thiện. Đó là mô hình Nhà nước điều chỉnh, mô hình Nhà nước khởi tạo hay mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển?

Rồi chủ trương “có cơ chế đột phá để thu hút và trọng dụng người tài”, cũng cần có được những cải cách thể chế mang tính đột phá mới có thể hiện thực hóa được.

Cuối cùng, yếu tố có tính cấp bách trước mắt chính là biến số Covid-19. Chúng ta đã đi đầu trong việc phòng, chống dịch bệnh song có vẻ đã chậm trễ trong việc tiêm phòng vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng.

Hiện, nước ta mới tiêm được vài chục nghìn liều, nhưng ở các quốc gia con số này đã lến tới hàng triệu, hàng chục triệu. Một số nước có thể sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong vài tháng tới. Từ đó, họ sẽ có mức độ mở cửa và tăng trưởng rất cao.

Tôi lấy ví dụ như ở Mỹ, quốc gia có số người mắc Covid-19 lớn nhất, đầu tháng 4, CDC Mỹ công bố đã tiêm hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 trong 24 giờ - lập kỷ lục mới về số liều tiêm trong một ngày. Hiện, gần 40% số dân của Mỹ đã tiêm một liều vaccine và khoảng 24% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều.

Và thành quả đã đến, OECD dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay - nhanh nhất kể từ năm 1984 - và sẽ đưa quy mô nền kinh tế vượt xa mọi dự báo trước đại dịch. Cần phải biết, 6,5% là con số "chóng mặt" với một nước đã phát triển ở quy mô khổng lồ như Mỹ.

Do vậy, thách thức trong năm 2021 với Chính phủ là sớm tìm được nguồn cung và đẩy nhanh tiến độ, thủ tục để tiêm vaccine tới được với toàn dân. Tránh việc nước ta bị bỏ lại, lỡ một nhịp phát triển với thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều là những chính khách lão luyện và có trình độ. Họ cũng đều có cá tính mạnh. Tôi tin rằng, sự hợp tác tốt giữa hai lãnh đạo đứng đầu cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ là cơ sở quan trọng để đất nước ta có một gian đoạn phát triển nhanh và thuận lợi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn