Liên quan đến sự xuất hiện của hơn 220 tàu cá Trung Quốc (TQ) tại đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ Việt Nam mà còn cộng đồng quốc tế.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Hoàng Việt, chuyên gia luật biển quốc tế (ĐH Luật TP.HCM), nhận định: Nếu nhìn lại sự kiện TQ chiếm đoạt bãi cạn Scarborough năm 2012 từ tay Philippines, có thể hình dung mưu đồ chiến lược của Bắc Kinh qua động thái đưa hàng trăm tàu cá, bản chất là tàu dân quân biển, đến Trường Sa”.
Mưu đồ tại đá Ba Đầu
. Phóng viên: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh biện bạch rằng tàu TQ chỉ muốn trú ẩn để tránh gió gần đá Ba Đầu. Bà Hoa cho rằng điều này là rất bình thường. Sự thật đằng sau đội tàu này là gì, thưa ông?
Chuyên gia Hoàng Việt. |
+ Chuyên gia Hoàng Việt: Sự kiện lần này khiến tôi nhớ đến vụ TQ chiếm đoạt bãi cạn Scarborough vào năm 2012 từ tay Philippines. Bản chất các đội tàu cá của TQ là dân quân biển, tức là lực lượng có vũ trang đóng vai ngư dân. TQ đã áp dụng chiến thuật “cải bắp”, trong đó có nhiều lớp tàu khác nhau: Tàu dân quân biển, hải giám, hải cảnh và ngoài cùng là hải quân. Như vậy, tôi tin là không có chuyện hàng trăm tàu đến Trường Sa chỉ để trú ẩn như Bắc Kinh nói.
TQ rất sành sỏi việc áp dụng triết lý trong binh pháp Tôn Tử - “Không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Phương Tây gọi đây là chiến thuật “Vùng xám”, tức gây hấn nhưng để căng thẳng dưới mức chiến tranh. Các đội tàu dân quân của TQ góp phần quan trọng vào chiến thuật này, vì họ người đông thế mạnh, không ngại va chạm, thường tạo ra sự đe dọa.
. Đá Ba Đầu nói riêng và cụm Sinh Tồn nói chung có vai trò địa chiến lược như thế nào mà TQ đang nhăm nhe lấn chiếm?
+ Đá Ba Đầu là một bãi ngầm ở cụm Sinh Tồn (Union banks). Cụm Sinh Tồn có hàng loạt đảo, trong đó có một số thực thể, điển hình như Gạc Ma, đã bị TQ chiếm đóng trái phép vào năm 1988, đồng thời quân sự hóa. Khu vực này chủ yếu có ý nghĩa quan trọng về vấn đề quân sự - an ninh, nhất là trong trường hợp nó bị bồi lấp và quân sự hóa.
TQ muốn chiếm khu vực này là bởi nếu họ nhân tạo hóa, quân sự hóa đá Ba Đầu (như họ từng làm với một số thực thể khác như Xu Bi, Vành Khăn - PV) thì an ninh của cả khu vực sẽ bị ảnh hưởng, nhất là an ninh của các quốc gia ven Biển Đông. Cán cân kiểm soát thực địa tại đây cũng sẽ bị thiên lệch nghiêm trọng về phía TQ.
Nhóm tàu trong hơn 220 tàu dân quân biển TQ hiện diện trái phép ở đá Ba Đầu. (Ảnh chụp ngày 7-3) Ảnh: PHILIPPINE COAST GUARD
Bất chấp luật pháp quốc tế
. Nếu soi dưới lăng kính luật pháp quốc tế thì cách hành xử của TQ sai trái ra sao?
+ Phải khẳng định là cho đến lúc này TQ bất chấp luật pháp quốc tế khi hành xử ở Biển Đông. Thứ nhất, khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Thứ hai, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 thì quy định rõ mỗi quốc gia có quyền chủ quyền, quyền tài phán với một vùng biển nhất định. Thứ ba, phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 vụ Philippines kiện TQ cũng cho thấy cái gọi là “quyền lịch sử” của TQ là vô giá trị về pháp lý. Cuối cùng, Công ước Viên năm 1969 cũng quy định các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ “thiện chí” (trong thực thi, giải thích các điều ước quốc tế - PV). Tất cả nội dung pháp lý trên không chỉ bị TQ làm méo mó mà còn phớt lờ, không tuân thủ.
. Có cách nào đối phó hiệu quả chiến thuật “Vùng xám” của TQ?
+ Rõ ràng là giải pháp đụng độ quân sự là không khả thi. Thứ nhất là nó không đúng với tinh thần của luật pháp quốc tế. Thêm nữa là so về cán cân quân sự thì TQ hiện nay mạnh hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Vậy nên trong ứng xử với TQ, các quốc gia phải hết sức cẩn trọng, không để TQ khiêu khích và chủ động gây ra xung đột.
Tuy nhiên, các quốc gia cũng phải tăng cường sức mạnh cứng của mình, cụ thể là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Việc này nhằm ngăn TQ lấn lướt và làm càn. Song song đó, cần tiến hành các giải pháp ngoại giao. Không chỉ Philippines, Malaysia, Việt Nam cùng lúc lên tiếng phản đối TQ, mà cần phải kêu gọi, vận động thêm các nước khác, đặc biệt là Mỹ, Úc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) cũng hiện diện và phản đối TQ.
Cuối cùng, giải pháp pháp lý cũng cần được nghiên cứu và áp dụng. Tất nhiên, các phán quyết như phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, cho đến nay khó cưỡng ép TQ thực thi. Tuy nhiên, nó tạo ra sự chính danh của các quốc gia ở Biển Đông, trái lại làm xói mòn niềm tin của cộng đồng quốc tế về tinh thần thượng tôn pháp luật của TQ. Điều đó tạo ra thêm các sức ép lớn để Bắc Kinh không bước thêm những bước đi bành trướng.
. Xin cám ơn ông.
Việt Nam phản đối tàu Trung Quốc ở Trường Sa Ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Hoạt động của các tàu TQ trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và TQ. Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu TQ chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”. |