Loạn "thần y" trên mạng xã hội

Thứ bảy, 03/04/2021, 08:03
Nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do tin lời quảng cáo của các "thần y", thuốc gia truyền... trên các trang mạng

Trong thời gian gần đây khi xem các chương trình trên mạng (nhiều nhất là chương trình ca nhạc, kể cả chương trình thiếu nhi) người xem rất bực mình khi phải xem những nội dung quảng cáo về "thần y" chữa bệnh khắp nơi từ Bắc chí Nam.

"Nhà tôi 3 đời chữa bệnh"

Nội dung các quảng cáo này rất sốc như "Tin bão khẩn cấp", sau đó giới thiệu nội dung quảng cáo chữa bệnh. Theo lời quảng cáo thì các "thần y" có thể chữa bách bệnh như yếu sinh lý, hiếm muộn, vô sinh, xương khớp, suy thận, tiểu đường... Nội dung quảng cáo cam kết chữa khỏi, không khỏi sẽ trả lại tiền, hay "nhà tôi đã 3 đời chữa bệnh".

Thế nhưng không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh vì nghe theo lời quảng cáo này. Mới đây, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết BV đang điều trị cho bệnh nhân N.T.Đ, 73 tuổi, ở Hà Nam được đưa vào cấp cứu trong tình trạng mê man, suy hô hấp. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, bà Đ. bị suy gan, suy thận nặng.

Gia đình bệnh nhân cho biết bà Đ. mắc viêm gan B và viêm đa khớp nhiều năm nay. Mặc dù vẫn đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thế nhưng khi nghe thông tin ở đâu có loại thuốc nam "chữa bệnh hay" là bà Đ. lại tìm mua để sử dụng thêm.

Loạn thần y trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Một trường hợp nguy kịch cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương sau khi uống thuốc nam trôi nổi Ảnh: HẢI ANH

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, thời gian qua BV liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trung bình, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 20 trường hợp, hầu hết các bệnh nhân đều bị suy gan, suy thận.

Bác sĩ Nam cho rằng các loại thuốc nam gia truyền từ xưa có tác dụng rất tốt trong điều trị bệnh nhưng phải là các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép. Với các sản phẩm trôi nổi không loại trừ việc thuốc có thể bị trộn thêm các chất khác từ tây y, thậm chí là các chất cấm sử dụng. Phổ biến nhất là thuốc nam trộn corticoid với liều cao để giảm đau, kháng viêm, giúp bệnh nhân viêm khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh nhưng hậu quả lâu dài hết sức nặng nề.

Trước đó, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân (63 tuổi, có tiền sử bệnh đái tháo đường 20 năm) trong tình trạng nguy kịch, vật vã, tụt huyết áp. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị suy thận, suy đa tạng, toan chuyển hóa, toan lactic rất nặng. Theo các bác sĩ, nhiễm toan lactic là tích tụ acid lactic trong máu. Sau hồi sức tích cực, sức khỏe bệnh nhân khả quan hơn, song tiên lượng vẫn nặng.

BV gửi túi thuốc nam do người nhà cung cấp tới Viện Pháp y quốc gia để phân tích thành phần. Kết quả, thuốc viên có thành phần phenformin, đây là nguyên nhân chính khiến người đàn ông rơi vào tình trạng nguy kịch. "Chất này giúp hạ đường huyết nhanh nhưng có nhiều tác dụng phụ. Ngộ độc phenformin gây tỉ lệ tử vong lên tới 60%. Nhiều năm qua, Việt Nam và các nước trên thế giới đã cấm lưu hành phenformin" - bác sĩ Nam thông tin.

Chỉ giảm triệu chứng, có thể tái phát

Theo lãnh đạo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong thời gian gần đây cục đã tiếp nhận nhiều phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên mạng, cụ thể là các ứng dụng YouTube, Facebook... tại các địa phương.

Rất nhiều "lang băm" không có bằng cấp đã tự tôn vinh mình là "thần y", lương y "3 đời", quảng cáo thuốc chữa các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi như: gout, đái tháo đường, khớp, thậm chí chữa khỏi cả ung thư giai đoạn cuối.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y dược cổ truyền khẳng định những quảng cáo thuốc đông y chữa dứt điểm nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo lan tràn trên mạng xã hội hiện nay là không đúng sự thật. Đối với một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hóa đốt sống thuốc đông y hay tây y đều không thể chữa khỏi mà chỉ giảm triệu chứng và có thể tái phát sau một thời gian. Đặc biệt, thuốc đông y, thuốc nam không chữa được các bệnh sùi mào gà, lậu, giang mai. Bệnh nhân bị bệnh này đều phải đi khám và điều trị bằng thuốc tây mới có thể khỏi bệnh.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin "thần y" trên mạng xã hội. Văn bản nêu rõ, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, cho biết cục đang họp bàn để đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh y dược cổ truyền tại địa phương, cũng như quảng cáo "thần y" lan tràn trên mạng xã hội. Sau khi có phương án, cục sẽ trình Bộ Y tế xem xét, triển khai thực hiện.

GS-TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết có khoảng 40 trang mạng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của ông cắt ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y chữa khỏi bệnh gây hiểu lầm. “Tôi đã nhiều lần phản ánh, gửi khiếu nại về các trang web này nhưng họ vẫn dùng hình ảnh của tôi” - GS Bình bức xúc.
Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích