Bức xúc tín dụng đen, lo lắng mạng xã hội có nhiều phản cảm

Thứ sáu, 26/03/2021, 07:26
Nhiều vấn nạn xã hội gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân được cử tri quan tâm, phản ánh tới kỳ họp Quốc hội.

Triệt phá một điểm tín dụng đen ở TP.Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: nlđo.

Lo ngại tình trạng cướp giật

Ngày 25/3, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng; công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân; công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, khách quan, các đồng chí được bầu vào Trung ương tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và có khát vọng phát triển đất nước.

Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân đánh giá cao lực lượng Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp về những kết quả trong phòng, chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đó, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị phản ánh một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý, trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới.

Tại tỉnh Tây Ninh, nhiều trụ sở các ngành như: Tòa án thành phố Tây Ninh (cũ), Viện KSND huyện Trảng Bàng (cũ), trụ sở Liên đoàn lao động tỉnh (cũ), Bảo hiểm xã hội tỉnh (cũ) dù đã được địa phương bố trí đất xây dựng trụ sở mới nhưng chưa có quyết định bàn giao đất về địa phương quản lý sử dụng. Còn tại tỉnh Quảng Trị có một số công trình được xây xựng bằng ngân sách nhà nước nhưng không được đưa vào sử dụng trong thời gian khá dài.

Kiến nghị sửa quy định cho học sinh dùng điện thoại trên lớp

Theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước tình trạng phát tán các bài viết, hình ảnh phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh trên mạng xã hội. Cụ thể là trường hợp Nguyễn Văn Hưng (tức "Hưng Vlog") liên tục bị Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang xử phạt vì các clip có nội dung phản cảm; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ TT&TT đã xử phạt hành chính đối với Bùi Xuân Huấn (tức "Huấn Hoa Hồng") vì cung cấp, phát tán thông tin giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam trên Facebook cá nhân; gần đây nhất là vụ việc chủ kênh Youtube "Thơ Nguyễn" đăng clip có nội dung bùa ngải, truyền bá nội dung mê tín dị đoan...

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, theo ông Dương Thanh Bình, cử tri quan tâm nhiều đến thông tư của Bộ GD&ĐT, quy định về các hành vi học sinh không được làm, trong đó có việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Cử tri 8 địa phương đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi thông tư này.

Cử tri cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.

Báo cáo công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5% (vượt 11,5% so với chỉ tiêu Quốc hội giao). Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.


Theo TPO

Các tin cũ hơn