“Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thường xuyên liên lạc xin lịch gặp tôi để trình bày. Đồng ý gặp và ngồi trao đổi hết lẽ 4 tiếng, tôi nói đây là cuộc gặp duy nhất để sau này thành phố thống nhất xử lý sai phạm”, ông Vương Đình Huệ chia sẻ câu chuyện liên quan đến việc xử lý “nút thắt nhiệm kỳ” 8B Lê Trực trong một cuộc họp sau khi mới nhậm chức Bí thư Thành ủy Hà Nội được một tháng - 3/2020.
Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Hà Nội, 5 tháng sau (5/10/2020), việc xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực hoàn tất.
Đây là điển hình về vi phạm trật tự xây dựng và cũng là nỗi bức xúc kéo dài trong suốt 5 năm ở Hà Nội mà không được giải quyết. Việc xử lý dứt điểm sai phạm minh chứng quyết tâm của lãnh đạo thành phố với người đứng đầu Đảng bộ là ông Vương Đình Huệ.
Quyết đoán nhưng linh hoạt và mềm mỏng, đó là phong thái lãnh đạo được ông Huệ thể hiện qua nhiều cương vị từng nắm giữ.
Bước chuyển trong sự nghiệp của Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ đến vào đầu tháng 2/2020 - khi ông được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần đầu tiên ngồi “ghế nóng” ở một địa phương mang tầm quan trọng đặc biệt là thủ đô của cả nước, lại trong đúng giai đoạn nhiều thách thức, chỉ trong một năm, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đã thể hiện dấu ấn rõ nét về tư duy, tầm nhìn và phong cách lãnh đạo.
Thử thách đầu tiên đến với ông ngay sau một tháng nhậm chức - đó là ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Gần nửa đêm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố triệu tập cuộc họp khẩn để một mặt chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc. Mặt khác, ông trấn an người dân khi chứng kiến cảnh mọi người đổ xô đi mua lương thực tích trữ.
Vốn là một chuyên gia kinh tế, ông Vương Đình Huệ xác định “Chống Covid-19 thành công là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển, không thể vì tập trung chống dịch mà bỏ quên mặt trận kinh tế”. Sau tác động nặng nề của dịch Covid-19, một số địa phương phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, song người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội vẫn nêu cao quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu.
Tập trung chống dịch, ông Huệ cùng Thường trực Thành ủy, UBND Hà Nội không quên nhiệm vụ xây dựng các kịch bản tăng trưởng, điều hành phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Giai đoạn đó, ở trụ sở Thành ủy Hà Nội, nhiều cuộc họp dưới sự chủ trì của Bí thư Vương Đình Huệ kéo dài quá trưa hoặc đến tận 23h, rốt ráo bàn về kịch bản tăng trưởng và ổn định xã hội, chăm lo đời sống người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Hà Nội là địa phương hàng năm đều tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhưng trong một năm nhiều biến cố như 2020, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức hội nghị này khiến nhiều người e ngại. Còn ông Huệ lại cho rằng: “Đi thì có thể đến hoặc không, nhưng không đi thì sẽ không bao giờ đến”. Vì thế, một mặt ông chỉ đạo các sở, ban, ngành làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho hội nghị, mặt khác tiếp tục yêu cầu quyết liệt chống dịch.
Cũng vì lẽ đó, ngay khi kiểm soát được dịch, thành phố đã tổ chức rất thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển”, thu hút số dự án và số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi đó đã đánh giá Hà Nội là một trong những thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch Covid-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. "Đây là một kỳ tích", ông Lộc chia sẻ.
Kết thúc năm 2020, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3,98%, cao gấp 1,4 lần tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước - đúng như lời hứa của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ với Trung ương, rằng Hà Nội sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn ít nhất là 1,3 lần so với mức bình quân cả nước.
Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII diễn ra hồi tháng 10/2020 - sau 8 tháng ông Huệ nhậm chức Bí thư Thành ủy, là điểm sáng của thành phố trong nhiệm kỳ. Đại hội gặt hái nhiều thành công khi không chỉ đưa ra định hướng, chiến lược phát triển thủ đô, mà còn thống nhất cao về phương án nhân sự trong bối cảnh thành phố có nhiều biến động.
Dự đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với những bài toán khó mà thủ đô phải đối mặt, giải quyết như xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực, bãi rác Nam Sơn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nhưng đồng thời nhấn mạnh “khó cũng phải quyết tâm làm”.
Hiện thực hóa chỉ đạo và quyết tâm đó, Bí thư Vương Đình Huệ đã lần lượt giải quyết, tháo gỡ từng nút thắt ở những dự án tồn đọng khiến dân bức xúc.
Công trình 8B Lê Trực là sai phạm kéo dài trong suốt cả nhiệm kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm. Tiếp quản những công việc dang dở từ người tiền nhiệm, ông Huệ nêu rõ tinh thần quyết liệt, kiên trì giải quyết. Chỉ sau gần 5 tháng, đến tháng 10/2020, thành phố hoàn thành tháo dỡ, phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực, bảo đảm đúng 3 yêu cầu của Thủ tướng: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
"Nút thắt" 8B Lê Trực vừa được gỡ, tình trạng người dân chặn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) vốn diễn ra nhiều năm nay, lại tái diễn. Đích thân khảo sát tình hình thực địa, ông Vương Đình Huệ chia sẻ: "Phải trực tiếp đến bãi rác, ngửi mùi không khí ở đó, hiểu rõ được sự chịu đựng của người dân để tập trung thực hiện".
Cuối năm 2020, thành phố đồng ý cho một đơn vị xử lý mùi bằng công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản. Sau một tháng thí điểm, tình trạng ô nhiễm do mùi hôi thối đã giảm gần 100%, đạt cả quy chuẩn Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Huệ cho biết thành phố và đơn vị chủ đầu tư phấn đấu lắp đặt 2 tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện rác Nam Sơn và khoảng tháng 5/2021 vận hành toàn bộ nhà máy, dự kiến xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, phát ra được 75-100 MW điện.
Cũng trong giai đoạn ông Huệ đảm đương vai trò người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, nhiều dự án, công trình lớn ở thành phố hoàn thành, giải quyết được nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay, cải thiện bộ mặt đô thị như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ thành phố, Bí thư Vương Đình Huệ đã xuống thăm và làm việc với 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành thành phố. Mỗi cuộc làm việc đều tập trung bàn về tầm nhìn và những vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển, trước hết là quy hoạch và động lực tăng trưởng kinh tế.
Cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, tạo bước đột phá về công tác quy hoạch với sản phẩm là Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử và Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (dự kiến ban hành trong quý II/2021) - điều mà người dân thủ đô mòn mỏi chờ đợi suốt 10 năm qua.
Những dấu ấn trong một năm ngắn ngủi của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Bí thư Hà Nội góp phần tạo bước chuyển động mới cho thủ đô, từ một “Hà Nội không vội được đâu” đến “Hà Nội không vội không xong”.
Sau khi Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng từ đầu tháng 4/2016, ông Vương Đình Huệ được phân công phụ trách theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác thuộc khối kinh tế tổng hợp.
Nhiệm vụ nặng nề “gác cửa” lĩnh vực rộng và rất quan trọng, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cùng tập thể Chính phủ nỗ lực, ghi nhiều dấu ấn giúp kinh tế vĩ mô vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Đầu nhiệm kỳ cũng là giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thách thức. Tham nhũng chưa được đẩy lùi và là nguy cơ lớn, phát triển kinh tế - xã hội gặp khó về thu chi ngân sách Nhà nước, thiên tai bão lũ, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi...
Trong bối cảnh như vậy, ông Huệ từng nói “không có nhiệm vụ nào dễ dàng và có lẽ cũng không còn thời gian để cảm thấy nản chí hay đuối sức”. Trong muôn vàn khó khăn, ông nhận thấy đất nước hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để cải cách và phát triển.
Thử thách đến với ông ngay khi vừa bắt đầu bước vào nhiệm kỳ với việc nợ công ở mức báo động, sát trần Quốc hội cho phép - 64,73% GDP; nợ Chính phủ cũng vượt trần ở mức 53,62% GDP. Đặc biệt, cơ cấu chủ yếu là nợ vay ngoài nước, thời gian vay ngắn, lãi suất cao nên tạo áp lực trả nợ lớn, ảnh hưởng tới an toàn tài chính quốc gia và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thực hiện theo chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ: Tài chính, Công Thương và nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan để cùng giải bài toán cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ.
Kết quả của sự nỗ lực này thể hiện rõ qua con số tốc độ tăng dư nợ công giai đoạn 2016-2019 giảm mạnh so với thời kỳ 2011-2015 (8% so với 18%). Nhờ đó, tỷ lệ nợ công trong 4 năm của nhiệm kỳ XIV giảm từng năm và giảm sâu so với mức trần 65% GDP mà Quốc hội phê duyệt.
Đến cuối năm 2019, nợ công chỉ còn khoảng 55% GDP. Song song với đó, cơ cấu vay nợ chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước, giảm rủi ro tỷ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước.
Dư nợ vay nước ngoài đều vượt trên 60% vào năm 2011 và 2016, nhưng đến 2019 đã “đảo chiều”, tỷ trọng vay trong nước đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ. Cùng với đó, lãi suất vay giảm sâu nên áp lực vay đảo nợ giảm, áp lực trả nợ cũng giảm. An toàn nợ công, an toàn tài chính nhờ vậy mà được giữ vững.
Không chỉ có nợ công, nợ xấu - “cục máu đông” của nền kinh tế được xử lý cũng có phần đóng góp không nhỏ của Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Ông Huệ là người tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Qua quá trình triển khai, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng giảm từ 10,08% vào năm 2012 xuống chỉ còn 1,89% vào cuối năm 2019.
Trong công tác kiểm soát lạm phát, cùng với vai trò Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đã yêu cầu xây dựng độc lập các kịch bản tăng giá tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong điều hành giá để triệt tiêu hoàn toàn lạm phát kỳ vọng - vốn là lực cản lớn trong kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.
Kết quả, chỉ số lạm phát bình quân giảm từ 4,74% năm 2016 xuống còn 3,53% năm 2017; rồi tiếp tục giảm từ 3,54% năm 2018 và xuống 2,79 % năm 2019 - mức thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ yêu cầu.
Cùng với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã góp phần tạo ra thành quả tăng trưởng GDP 4 năm 2016-2019 liên tục ở mức cao (trên 7%), kinh tế phục hồi rõ nét.
Là Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Huệ đã chỉ đạo các cơ quan có nhiều giải pháp tháo gỡ nợ đọng xây dựng cơ bản. Sự quyết liệt lan tỏa từ Trưởng ban chỉ đạo Vương Đình Huệ đã góp phần đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm. Đồng thời, kéo nợ đọng xây dựng nông thôn mới giảm 96%.
Điều đáng nói, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thu hút sự tham gia sâu rộng của người dân, có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu. Có lẽ vì vậy, Phó Thủ tướng còn được mọi người ưu ái đặt biệt danh “Ông nông thôn mới”.
Từng chia sẻ sự tự hào về biệt danh này, ông Huệ nói “để tạo ra được những thành quả, thì không có riêng ‘ông’ nào, mà là của cả hệ thống chính trị, và đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của chính người dân”.
Cũng trong giai đoạn giữ trọng trách Phó Thủ tướng, ông Huệ phải thốt lên 2 từ “xót xa” khi nói về 12 dự án nghìn tỷ đắp chiếu, vì đó đều là tài sản của Nhà nước, là tiền thuế của dân. “Nếu tiếp tục để chậm trễ, dự án nghìn tỷ đồng mà cứ phơi gió, phơi sương, biết nói thế nào với dân”, ông Huệ từng trăn trở.
Công việc nặng nề, áp lực lớn, song ông động viên anh em “đừng chưa lâm trận đã sợ”. Xác định quyết tâm, kỷ luật trong xử lý trách nhiệm liên quan đến những dự án đắp chiếu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đơn vị liên quan đã tạo được chuyển biến căn bản. Đến hết năm 2020, các đơn vị đã cơ bản xử lý xong tồn tại, vướng mắc và yếu kém của những dự án này.
Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn là “chủ công” giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ khóa XIV xây dựng và trình Trung ương 3 đề án quan trọng: Cải cách tiền lương, Cải cách BHXH, Đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.
Kết quả cho những nỗ lực của ông cùng Chính phủ khóa XIV là sự ra đời của Nghị quyết 27 Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết 28 Trung ương 7 khóa XII về Cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 19 Trung ương 6 khóa XII về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Zing hồi đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thể hiện sự kiên quyết bởi “không thể có chuyện công nghệ ngày càng phát triển mà vẫn tăng biên chế”.
Cho biết một số cơ quan không những không giảm biên chế theo chủ trương chung mà đề xuất xin tăng, Phó Thủ tướng nêu rõ chỉ đạo của Chính phủ là “kiên quyết bác tăng biên chế để dành tiền tăng lương”.
Đóng góp của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Phó Thủ tướng đáp ứng kỳ vọng và niềm tin của các đại biểu Quốc hội khi bỏ lá phiếu bầu ông giữ cương vị này. Ngay trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa XIV, đại biểu Dương Trung Quốc đã rất phấn khởi khi nói về ông Vương Đình Huệ: “Có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới có được một vị Phó Thủ tướng là một nhà khoa học, nhà kinh tế am hiểu sâu sắc thực tiễn của cuộc sống”.
Nhìn lại những chặng đường đã qua, tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho thấy bản sắc của một chính khách “nói ít, làm nhiều” và làm quyết liệt. Bởi vậy, triết lý “vô vi” mà ông yêu thích lại rất hợp với ông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu năm 2018, ông Vương Đình Huệ - trên cương vị Phó Thủ tướng mỉm cười khi nhận được câu hỏi từ phóng viên về “bí quyết vượt qua áp lực”.
“Tôi thích triết lý vô vi. Làm lặng lẽ, vô vi, nhưng phải mang lại hiệu quả cao” - ông cho rằng đón nhận áp lực, chấp nhận thách thức là cơ hội để thử sức mình.