Sau khi phát hiện nhiều ca "viêm phổi lạ" và xác định đây là Covid-19, Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, quyết định áp lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố 11 triệu dân từ ngày 23/1/2020. Nhiều hãng tin khi đó bình luận Trung Quốc đã hy sinh Vũ Hán và cả Hồ Bắc để ngăn dịch lan rộng khắp đất nước.
Toàn cầu chăm chú quan sát xem liệu lệnh phong tỏa đầu tiên và nghiêm ngặt bậc nhất thế giới này có phát huy tác dụng trong việc ngăn cản một đại dịch có khả năng lây lan rất lớn hay không.
Và sau hơn hai tháng "phong thành" nghiêm ngặt, ngày 8/4/2020, Vũ Hán tái mở cửa. Người dân, với chiếc khẩu trang giờ đây là vật bất ly thân, đổ ra đường phố. Các địa điểm công cộng, trung tâm thương mại bắt đầu nhộn nhịp trở lại, khi người dân ăn mừng thành phố "đã đánh bại virus".
Đường phố Vũ Hán trong những ngày phong tỏa đầu năm 2020. Ảnh: AFP.
Sự hồi sinh của Vũ Hán sau hai tháng rưỡi phong tỏa mang đến bài học về kinh nghiệm chống dịch cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Chỉ trong vòng vài giờ sau khi thông báo phong tỏa được đưa ra vào ngày 23/1/2020, mọi cửa ngõ giao thông ra vào thành phố đều bị đóng, không có bất kỳ ngoại lệ nào, ngay cả với những trường hợp khẩn cấp về y tế. Trường học lúc bấy giờ đang nghỉ Tết Nguyên đán và học sinh, sinh viên không thể ngờ rằng kỳ nghỉ này của họ lại kéo dài tưởng như vô tận.
Tất cả cửa hàng trong thành phố đều đóng cửa, trừ những nơi bán thực phẩm và dược phẩm. Các phương tiện giao thông cá nhân bị cấm lưu thông trừ khi được cấp phép đặc biệt. Hầu hết các phương tiện giao thông công cộng cũng ngừng hoạt động, khiến đường phố trở nên vắng lặng. Vũ Hán trông không khác gì một "thành phố ma".
Ban đầu, người dân vẫn có thể ra khỏi nhà, song các biện pháp hạn chế nhanh chóng được thắt chặt. Vài khu phố cho phép các hộ gia đình cử đại diện ra ngoài mua nhu yếu phẩm hai ngày một lần. Song tại nhiều nơi khác, người dân bị cấm tuyệt đối ra đường. Nhà chức trách yêu cầu họ đặt thực phẩm cùng những hàng hóa thiết yếu khác từ các ứng dụng giao hàng.
Chưa dừng lại ở đó, theo thời gian, các biện pháp kiểm soát tiếp tục được siết chặt hơn nữa với việc nhân viên y tế gõ cửa từng nhà kiểm tra sức khỏe của người dân, bắt buộc bất kỳ ai có triệu chứng bệnh phải cách ly tập trung.
Sau khi Vũ Hán bị "khóa cửa", các biện pháp kiểm soát cũng được tăng cường trên khắp Trung Quốc, một phần bởi nhà chức trách lo ngại rằng những người dân vội vã rời khỏi thành phố trước giờ phong tỏa sẽ mang mầm bệnh về địa phương, qua đó khiến virus lây lan rộng hơn.
Trong thời gian phong tỏa, hầu hết các tòa nhà cao tầng ở Vũ Hán đều có nhân viên bảo vệ đứng gác và kiểm tra thân nhiệt người ra vào. Các chung cư "đóng cửa" hoàn toàn với khách viếng thăm.
Phần lớn người dân Vũ Hán đều nghiêm túc chấp hành quy định phong tỏa, mặc dù cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn do các lệnh hạn chế nghiêm ngặt.
Khi tới thăm Vũ Hán hồi tháng 3/2020, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã gọi đây là "tình hình thời chiến", đồng thời nhấn mạnh giới chức không được phép "bỏ sót bất cứ người nào hay hộ gia đình nào" trong hệ thống kiểm tra, giám sát và cách ly để khống chế virus.
Chính quyền Vũ Hán trước đó cũng ra thông báo về 4 dạng đối tượng cần được cách ly, gồm người có kết quả xét nghiệm dương tính, người nghi nhiễm, người bị sốt và người tiếp xúc gần với ca nhiễm.
"Thời gian giám sát cách ly sẽ được quyết định dựa trên kết quả xét nghiệm y tế và bệnh nhân cần hợp tác. Nếu người nào không chịu hợp tác, cơ quan công an sẽ buộc họ phải thi hành theo quy định của pháp luật", thông báo của chính quyền Vũ Hán có đoạn.
Đến khoảng tháng 3, khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, lệnh phong tỏa dần được nới lỏng. Mỗi người dân trong mỗi hộ gia đình được phép rời khỏi nhà trong tối đa hai giờ. Các trung tâm mua sắm cũng bắt đầu mở cửa trở lại, phương tiện giao thông dần khởi hành và mọi người bắt đầu ra ngoài, song vẫn đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách.
Nhiều nhà hàng, cửa hàng yêu cầu khách phải đo nhiệt độ và khai báo y tế trước khi vào hoặc đặt giới hạn số lượng khách đón tiếp. Một số tòa nhà chỉ mở cửa cho những người có chỉ báo "an toàn" trên các ứng dụng theo dõi sức khỏe của chính phủ, dựa trên lịch sử đi lại.
Một bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán, hồi giữa tháng 2 năm ngoái. Ảnh: Guardian.
Trong thời gian thành phố bị phong tỏa, một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà chức trách là làm thế nào đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân.
Để đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa thuận lợi, Trung Quốc thiết lập "luồng xanh", cho phép phương tiện chở nông sản đi qua trạm kiểm dịch hoặc trạm thu phí bằng giấy thông hành do chính quyền cấp tỉnh cấp.
Với giấy thông hành này, tài xế không bị yêu cầu đỗ xe, trả phí hoặc bị kiểm tra mất nhiều thời gian. Các nhân viên tại trạm kiểm soát cũng hỗ trợ khử trùng phương tiện. Khi xe đến đích, giới chức đo thân nhiệt tài xế, ghi lại lịch trình, khử trùng phương tiện một lần nữa trước khi cho phép nó tiến vào cơ sở.
Tại Vũ Hán, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã làm việc với các nhà bán lẻ ở các địa phương khác, kể cả những nơi rất xa như Vân Nam hay Hải Nam, để cung cấp thực phẩm cho thành phố. Họ cũng mạnh tay trấn áp các thương nhân có hành vi tích trữ hoặc đầu cơ để ngăn vật giá leo thang.
Kết quả là dù bị phong tỏa suốt thời gian dài, gần chục triệu dân ở Vũ Hán vẫn không bị thiếu lương thực thực phẩm, khi các siêu thị, cửa hàng vẫn đảm bảo nguồn cung.
Mặt khác, Vũ Hán chưa bao giờ phải chiến đấu một mình. Kể từ thời điểm dịch bùng phát, hơn 40.000 nhân viên y tế đã được cử đến từ khắp nơi trên đất nước để giúp đỡ thành phố và cả tỉnh Hồ Bắc. Lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế cùng những nhu yếu phẩm khác liên tục được chi viện từ cả nước ngoài.
Hồi tháng một, nhân kỷ niệm một năm ngày Vũ Hán phong tỏa, Trung Quốc phát hành bộ phim "Ngày và đêm ở Vũ Hán". Lily Wu, cư dân của thành phố, cũng xếp hàng đi xem.
"Tôi biết là nó buồn, tôi biết mình sẽ khóc khi xem phim. Nhưng tôi thực sự muốn có thêm một góc nhìn khác về Vũ Hán thời gian đó", cô nói.
Hàng nghìn người chen chúc trong tiệc bể bơi tại một công viên nước ở Vũ Hán hồi tháng 8/2020. Ảnh: AFP.
Bộ phim kể về cuộc sống của những người bình thường, từ bệnh nhân và nhân viên y tế đến các tình nguyện viên, nhân viên công tác cộng đồng, khi Covid-19 tàn phá thành phố.
"Xem bộ phim đối với tôi giống như việc banh vết sẹo mà phải mất một năm mới có thể liền. Cảm giác đau buồn tràn ngập rạp. Tôi nhìn thấy gần như toàn bộ khán giả đều lau nước mắt", Wu nói.
Đã hơn một năm trôi qua nhưng y tá Gao Gao cho biết cô vẫn khó có thể xem lại những bộ phim kể về việc Vũ Hán phong tỏa. "Vết sẹo vẫn còn đó. Đeo khẩu trang, rửa tay và kiểm tra nhiệt độ giờ đã trở thành thói quen giống như việc bạn mang theo điện thoại khi ra đường ở Vũ Hán. Thậm chí việc bạn ho trên tàu điện ngầm cũng khiến người xung quanh sợ hãi. Chúng tôi đã bị tổn thương rất nhiều nhưng nhờ thế chúng tôi biết phải bảo vệ mình thế nào", cô nói.