WHO: 'Covid-19 tại Việt Nam đang ở giai đoạn rất nghiêm trọng'

Thứ bảy, 24/07/2021, 13:58
Trả lời VnExpress, Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng dịch tại Việt Nam đang ở giai đoạn rất nghiêm trọng, cần huy động nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo hệ thống y tế không quá tải.

- Chiến lược chống dịch trọng điểm hiện nay của Việt Nam là tập hợp mọi nguồn lực để điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm thiểu tỷ lệ tử vong; rút ngắn thời gian điều trị F0 và cho F1 cách ly tại nhà. WHO đánh giá thế nào về chiến lược này?

- Bài học rút ra từ đại dịch là mỗi quốc gia cần có một hệ thống y tế mạnh, nguồn lực bền vững để xử lý các thách thức từ công tác chống dịch. Hệ thống y tế cần đủ khả năng giảm thiểu ca tử vong, điều trị người bệnh và chăm sóc người đang cách ly.

Dịch bệnh tại Việt Nam đang ở giai đoạn rất nghiêm trọng. Số ca nhiễm gia tăng ở nhiều nơi trên toàn quốc. Việt Nam cần thận trọng lập kế hoạch, huy động đủ nhân lực, vật lực và tài chính tùy theo bối cảnh của từng địa phương nhằm đảm bảo hệ thống y tế không quá tải.

Cần lưu ý kiểm soát Covid-19 không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế. Việt Nam cần có sự phối hợp hành động từ nhiều bộ ban ngành, sự tuân thủ và ủng hộ từ người dân.

- WHO khuyến cáo gì trong chiến lược giảm tỷ lệ tử vong bệnh nhân Covid-19?

- Kinh nghiệm chống dịch từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy các biện pháp xã hội và y tế công cộng toàn diện, cộng với việc tiêm chủng cho các nhóm dân cư dễ tổn thương, rất quan trọng để ngăn chặn virus lây lan, làm giảm tỷ lệ tử vong. Thực hiện kết hợp các biện pháp mạnh mẽ, xác định nhanh những ca dương tính, cách ly và kiểm dịch là chìa khóa quản lý các ổ dịch.

Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách xã hội cần được áp dụng dựa trên các đánh giá nguy cơ và tình hình thực tế ở địa phương. Cần xem xét tác động của các biện pháp này đối với nền kinh tế, phúc lợi chung của xã hội và của mỗi cá nhân.

Ngoài ra, việc truyền thông cần tiến hành hành kịp thời, nhất quán, đáng tin cậy và đảm bảo mọi người đều hiểu và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết, ở cấp độ cá nhân và cộng đồng, ví dụ như thông điệp 5K.

Đối với chương trình tiêm chủng, cần ưu tiên nhân viên y tế và lao động tuyến đầu. Quan trọng hơn nữa, cần đảm bảo người già và những người dễ tổn thương được tiêm vaccine, bảo vệ họ khỏi triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế như hiện nay, Trung ương cần quản lý tốt công tác phân phối, đảm bảo vaccine cho những người cần được tiêm nhất.

Ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh:WHO cung cấp

Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WHO cung cấp

- Việt Nam đang chuẩn bị oxy y tế cho tình huống xấu. WHO nhận định như thế nào về khả năng Việt Nam sẽ gặp tình huống thiếu oxy như Ấn Độ, Indonesia, khi số ca nhiễm tăng cao?

- Trong quá trình đại dịch diễn ra, chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm về cách chăm sóc người mắc Covid-19. Bệnh chia thành nhiều giai đoạn, cần có các phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Phần lớn người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình và rất nhiều người thậm chí không có biểu hiện gì. Tỷ lệ nhỏ phát triển bệnh nặng. Họ cần nhập viện và có thể cần phải thở oxy, thở máy.

Oxy là một trong những nguồn cứu sinh cần thiết đối với bệnh nhân Covid-19 bị khó thở hoặc viêm phổi. Điều đáng mừng là Việt Nam đang chuẩn bị cho kịch bản cần cung cấp nhiều oxy hơn.

- Covax phân phối vaccine dựa trên bối cảnh đại dịch. Với tình hình hiện tại, chính sách ưu tiên vaccine cho Việt Nam từ Covax như thế nào, mức độ ưu tiên cụ thể đến đâu?

- Nhiệm vụ của Covax là tiếp cận toàn cầu và phân bổ công bằng vaccine Covid-19.

Do chúng ta gặp khó khăn về nguồn cung, thời gian vận chuyển vaccine được dựa trên đánh giá về mối đe dọa và tính dễ tổn thương, nhằm bảo vệ hệ thống y tế, ngăn ngừa các ca bệnh nghiêm trọng và tử vong.

Do đó, Covax đặt mục tiêu tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên - những người cần vaccine nhất - bao gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi.

Do lượng vaccine trong nước còn thấp nên Covax nghiêm túc xem xét Việt Nam là một trong những quốc gia cần được phân bổ nhiều vaccine Covid-19 hơn.

Tính đến ngày 23/7, Covax đã chuyển hơn 138 triệu liều vaccine Covid-19 đến 136 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam nhận được 4.493.240 liều từ Covax và dự kiến sẽ có thêm 3.000.060 liều vào cuối tuần này từ lượng vaccine do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Cơ chế Covax.

Covax tiếp tục huy động vaccine theo nhiệm vụ của mình để góp phần chấm dứt đại dịch Covid-19.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích