Tối 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh, thành về phòng chống dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, Thường trực Chính phủ triệu tập cuộc họp gấp với các địa phương để đánh giá các công việc liên quan.
"Công tác phòng chống dịch lần này chưa có tiền lệ nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", ông nói.
Về một số hạn chế cần tập trung khắc phục, Thủ tướng nêu rõ, đầu tiênlà vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị; một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách.
Nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn mở cửa, số lượng người ra đường đi lại đông, nhiều chợ dân sinh mở cửa nhưng thiếu các biện pháp an toàn. Việc kiểm tra, giám sát còn sơ hở. Tại một số điểm xét nghiệm, tiêm vaccine còn xảy ra chen lấn.
Thứ hai, tại nhiều nơi, tổ Covid cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí chưa có, đây là điều phải khắc phục ngay.
Thứ ba, một số địa phương đã chia sẻ, làm tốt việc đón người từ vùng dịch trở về ngay tại bến cảng, sân bay, ga tàu..., xét nghiệm và cách ly theo quy định, nhưng nhiều nơi khác cần phải rút kinh nghiệm. "Phải làm thật nghiêm khâu này để dịch bệnh không lây lan ra các địa phương khác", Thủ tướng yêu cầu.
Thứ tư, qua kiểm tra, rà soát, báo cáo cho thấy nhiều nơi chưa làm nghiêm túc trong thực hiện "4 tại chỗ", để xảy ra thiếu hụt thiết bị y tế, bị động, lúng túng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng chống Covid-19, tối 23/7. Ảnh: Nhật Bắc
Thứ năm, việc tiêm vaccine nhìn chung còn chậm, nhiều nơi tập huấn suôn sẻ nhưng việc tổ chức tiêm khi vaccine về nhiều còn lúng túng.
Thứ sáu, hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có những lúng túng, bị động, thiếu hụt cục bộ, cần phát hiện và khắc phục ngay.
"Tóm lại, điểm yếu là tổ chức thực hiện các quy định, chỉ thị, hướng dẫn còn yếu ở một số nơi, một số lúc. Kiểm tra, giám sát thực hiện chưa nghiêm, chưa đúng quy định. Ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân còn chưa thực sự nghiêm, còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, ngoài các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn đã có, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16, 16+ theo phương châm "rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả".
Bộ Y tế và các cơ quan nghiên cứu, tổng kết, thống nhất mô hình điều trị, trong đó quan trọng nhất là thu dung, phân loại F0 theo tình trạng bệnh để phân bổ, tập trung nguồn lực điều trị hợp lý, hiệu quả nhất; hướng dẫn để các tỉnh, thành xác định tình trạng không có dịch, đang có dịch, hết dịch; các tiêu chuẩn, tiêu chí để địa phương biết khi nào áp dụng Chỉ thị 15, 16, 16+.
Thủ tướng yêu cầu tận dụng tối đa thời gian vàng, trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách phải phát hiện đầy đủ, khoanh vùng các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, sau đó dần hình thành, củng cố các vùng an toàn, vững chắc nhất có thể. "Nếu để phát sinh ổ dịch mới thì một tuần giãn cách không có ý nghĩa gì", ông nêu rõ.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động, đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn như miễn, giảm thuế và các khoản đóng góp.
Nhân viên FPT Software ở Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19, ngày 19/6. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua 5 ngày áp dụng Chỉ thị số 16 tại các tỉnh, thành phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang" trong một vài ngày tới nếu TP.HCM và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, vòng lây nhiễm ngắn; nhiều ca bệnh đã có trong cộng đồng từ trước đó. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm chủ yếu tại khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ quyết tâm kiểm soát bằng được dịch bệnh, đạt được mục tiêu giảm F0, giảm ca tử vong. F0, F1 đủ điều kiện tiếp tục được cách ly tại nhà.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, cuối tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng số 77.916 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng. TP.HCM có số ca nhiễm cao nhất cả nước trong đợt dịch này, với 50.474 ca.
Đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 11 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, cả nước mới tiêm được 4,4 triệu liều vaccine, trong đó hơn 4 triệu người tiêm mũi một; 334.000 người tiêm đủ hai mũi. Riêng TP.HCM đã tiêm hơn 1 triệu liều; trong đó 915.000 người tiêm mũi một; 62.000 người tiêm đủ hai mũi.