'Bác sĩ máy thở' nghìn người cần: 'Tôi không thấy phiền bởi các cuộc gọi nửa đêm'

Chủ nhật, 18/07/2021, 18:49
“Bác sĩ máy thở”- đó là biệt danh mà các bác sĩ Nhi khoa phía Nam yêu mến đặt cho bác sĩ Đặng Thanh Tuấn- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, nguyên Trưởng khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Nhật Bản còn ngỡ ngàng

Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành tại các tỉnh phía Nam, ban ngày bác sĩ Tuấn cùng đồng nghiệp chống dịch, buổi tối ông lại cặm cụi soạn “giáo án máy thở” để kịp lên lớp giảng bài cho cả nghìn bác sĩ trẻ về sử dụng máy thở cho bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Tuấn cho biết, chỉ các bác sĩ hồi sức cấp cứu kha khá năm nghề thật sự mới kiểm soát được 'vũ khí chính' của mình là máy thở. Bác sĩ trẻ không thể tự thân làm được tất cả mọi chuyện với bệnh nhân thở máy.

Vì vậy, từ tháng 4-5/2020, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên, nhóm Café Hồi sức của bác sĩ Tuấn đã có một loạt bài giảng về thở máy cho bệnh nhân Covid-19 và tổ chức trực tuyến buổi tối nhưng ít người biết đến do Covid-19 còn ít ca.

Nhưng, gần đây dịch gia tăng nhanh, nhất là ở TP.HCM, rất nhiều bác sĩ trẻ được huy động đến các bệnh viện điều trị Covid-19 với kinh nghiệm về sử dụng máy thở còn ít ỏi.

'Bác sĩ máy thở' nghìn người cần: 'Tôi không thấy phiền bởi các cuộc gọi nửa đêm'

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn

Bác sĩ Tuấn cho rằng việc bác sĩ được huấn luyện máy thở trở thành nhu cầu cấp thiết. Nhưng do giãn cách, không thể đi khắp nơi để dạy về máy thở được, nên bác sĩ Tuấn ướm lời thử trên Facebook và được gần cả 1.000 lượt like.

Để làm trực tuyến thành công, theo bác sĩ Tuấn cần có 1 account zoom lớn với 1.000 người tham dự nên phải nhờ đến một công ty hỗ trợ.

“Với mục tiêu huấn luyện miễn phí cho các bạn cả nước, việc dạy cách làm việc với máy thở tạo nên động lực không nhỏ cho tôi dành hết tâm huyết cho lớp này” – BS Tuấn nói.

Ban ngày chống dịch trong bệnh viện, tối về bác sĩ Tuấn lại cặm cụi soạn bài giảng. Cuối cùng lớp học cũng ra đời. Buổi đầu tiên là 20 giờ tối ngày 08/07/2021, có 1.000 người tham gia, quá tải sau đó phải nhờ một account 3.000 member ở bên Nhật. Buổi thứ hai (12/07) và buổi 3 (15/07) đều đạt trên 1.200 lượt tham gia. Số học viên lớn đến độ chủ tài khoản zoom bên Nhật Bản cũng ngỡ ngàng.

Bác sĩ Tuấn tâm sự “nhiều người hỏi tôi sao già mà đi dạy máy thở hoài. Gần 20 năm tôi đã lặn lội đi dạy máy thở khắp cả miền Nam (từ Huế trở vào). Vài năm gần đây cũng có một số lớp phía Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa …). Dạy máy thở không còn là nhiệm vụ, mà là niềm vui. Không đi dạy máy thở được tôi cũng khá buồn”.

Khó khăn của đào tạo online máy thở đó là không thể cầm tay chỉ việc. Máy thở là 1 kỹ năng thực hành. Dạy máy thở mà không có cái máy thở kế bên quả là thiệt thòi cho học viên. Vì vậy, bác sĩ phải đầu tư, cấu tạo bài sao cho nói không mà học viên vẫn hiểu.

Phòng chat Covid-19

Không chỉ tập trung bài giảng cho lớp máy thở online, bác sĩ Tuấn còn mở phòng chat Covid-19. Hàng ngày ông phải sắp xếp, điều động cho các học viên đi tăng cường các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhìn các đồng nghiệp trẻ chỉ bằng tuổi con cháu mình lên đường tới các vùng dịch, trong lòng ông dấy lên nhiều cảm xúc. Điều quan trọng là các đồng nghiệp trẻ phải có hành trang vững chắc để vừa trị bệnh hiệu quả, vừa phòng tránh lây nhiễm cho chính mình. Bác sĩ Tuấn cho rằng nếu có người hỗ trợ các em sẽ vững tâm hơn.

Vì vậy mỗi lần đi dạy ở đâu ông đều cung cấp số điện thoại, email, tài khoản Viber, Zalo, Facebook cho các em để dành khi “bí” cái gì về máy thở thì có nơi để hỏi. Bản thân bác sĩ Tuấn cũng mở máy 24/24, nghe điện thoại bất cứ lúc nào, ông bảo cũng không thấy phiền gì khi nghe cuộc điện thoại vào nửa đêm.

“Vì tôi biết bên kia đầu dây là một người bệnh nặng, thậm chí hấp hối, chờ một quyết định quan trọng của bác sĩ. Khi bác sĩ sắp sửa phải ra một quyết định quan trọng nhưng phân vân giữa các phương án, hoặc có khi chẳng có phương án nào cả thì họ sẽ xin ý kiến của “thầy Tuấn”.

'Bác sĩ máy thở' nghìn người cần: 'Tôi không thấy phiền bởi các cuộc gọi nửa đêm'

Các lớp phòng chat Covid-19

Bản thân bác sĩ Tuấn cũng đã làm công việc tư vấn máy thở nhiều năm nay rồi chứ không phải chỉ trong đợt dịch. “Sau mỗi lần xin tư vấn, các bạn điều chỉnh theo ý kiến của tôi tư vấn thì tình trạng bệnh có thể giảm nhẹ hay cải thiện nên tạo được niềm tin cho các em. Và khi nhận được tin tốt như vậy tôi cũng vui, thấy no luôn không cần phải ăn uống” – BS Tuấn nói.

Trong đợt dịch Covid-19 lần này, bác sĩ Tuấn chia sẻ ông lo cho TP.HCM 1 thì phải lo cho các tỉnh phía Nam 10. Trước đây bệnh nặng thường được dồn về TP.HCM chữa trị. Vì vậy, các khoa Hồi sức cấp cứu của các tỉnh trở nên yếu hơn về nhân lực và về trang bị. Bây giờ bị dịch bệnh bùng phát rất dễ tạo nên khủng hoảng, nhất là trong mặt trận Hồi sức cấp cứu. Khả năng lấp khoảng trống ngay tức thời chỉ giải quyết được bằng việc huy động nơi khác tới. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung đã cử nhiều đoàn bác sĩ viện trợ, hy vọng có thể lấp được khoảng trống đó.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn