Trung Quốc và Mỹ đang ráo riết với cuộc chạy đua phát triển mạng 6G?

Thứ ba, 09/02/2021, 12:37
Mạng 6G sẽ có thể mang đến những trải nghiệm công nghệ mà bao lâu nay người ta mới chỉ được thấy trong phim khoa học viễn tưởng ví như xe taxi bay, công nghệ Internet kết nối cơ thể và bộ não con người.
Ảnh: SmartCity
Phần đông các nước trên thế giới thậm chí còn chưa được hưởng những lợi ích của mạng 5G, tuy nhiên cuộc chạy đua địa chính trị nhằm giành lợi thế vượt trội trong ngành viễn thông toàn cầu vẫn đang tiếp tục nóng lên.
Theo Bloomberg, đối với các doanh nghiệp và chính phủ, cơ hội có được khi phát triển mạng 6G là vô cùng lớn. Nước nào chiến thắng trong quá trình phát triển mạng 6G sẽ trở thành “kẻ thắng” trong cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Dù rằng sẽ phải mất ít nhất 1 thập kỷ nữa việc phát triển mạng 6G mới trở thành hiện thực, mạng 6G sẽ có thể mang đến những trải nghiệm công nghệ mà bao lâu nay người ta mới chỉ được thấy trong phim khoa học viễn tưởng ví như xe taxi bay, công nghệ Internet kết nối cơ thể và bộ não con người.
Cuộc đua phát triển mạng 6G đang ngày một nóng lên dù rằng cho đến hiện tại nó vẫn chủ yếu trong các kế hoạch nghiên cứu & phát triển nhiều hơn. Sự cạnh tranh về địa chính trị đang khiến cho sự đối đầu về công nghệ ngày một lớn hơn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Bell Labs thuộc Nokia, ông Peter Vetter, nhận xét: “Mục tiêu phát triển cho được mạng 6G quan trọng đến nỗi mà nó thực sự đã trở thành cuộc chạy đua xét trên nhiều góc độ. Sẽ cần đến rất nhiều chuyên gia nghiên cứu để có thể duy trì được sức cạnh tranh”.
Nhiều năm dưới chính quyền Donald Trump, các công ty công nghệ Trung Quốc đã chịu tác động nặng nề, tuy nhiên Trung Quốc vẫn nổi lên trong vai trò một trong những đất nước có mạng 5G phát triển nhất thế giới.
Trung Quốc có hạ tầng mạng 5G lớn nhất thế giới và dù phía Mỹ có cố gắng ngăn cản đến thế nào đi nữa, Huaweti vẫn đang tiếp xúc mạnh mẽ với các nhà thầu trên khắp thế giới bằng gói 5G có giá cả vô cùng hấp dẫn.
Về phía Mỹ, nếu phát triển được mạng 6G, Mỹ sẽ có thể cơ hội “lấy lại những gì đã mất” trong công nghệ không dây.
Giám đốc phụ trách công nghệ viễn thông và thông tin tại công ty tư vấn Frost & Sullivan ở Mỹ, ông Vikrant Gandhi, nhận xét: “Không giống như 5G, Bắc Mỹ sẽ không để cho cơ hội dẫn đầu công nghệ rơi vào tay nước khác dễ dàng như lần này. Nhiều khả năng cuộc đua giành thế dẫn dắt công nghệ 6G sẽ còn khốc liệt hơn so với cuộc đua 5G lần này”.
Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách tại cả Washington và Bắc Kinh đều đã tính đến việc phát triển mạng 6G. Vào đầu năm 2019, ông Donald Trump từng nói rằng ông muốn có mạng 6G càng sớm càng tốt.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển mạng 6G. Vào tháng 11/2020, Trung Quốc công bố vệ tinh để thử nghiệm sóng mạng 6G, Huawei hiện đang có trung tâm phát triển 6G tại Canada, theo giới truyền thông Canada đưa tin. Công ty thiết bị viễn thông ZTE cũng đã hợp tác với công ty Unicom ở Hồng Kông để phát triển công nghệ 6G.
Nước Mỹ đã cho thấy rằng người Mỹ hoàn toàn đủ khả năng có thể ngăn chặn phần nào sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc, cũng giống như trường hợp của ZTE. Công ty này đã gần như sụp đổ sau khi vào năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ cấm công ty này mua công nghệ Mỹ trong vòng 3 tháng. Các động thái tương tự cũng có thể ảnh hưởng xấu, ngăn chặn tham vọng phát triển mạng 6G của Huawei.
Washington cũng đã bắt đầu triển khai phát triển mạng 6G. Liên minh các giải pháp viễn thông của Mỹ (ATIS) đã thành lập liên minh Next G vào tháng 10/2020 để có thể giúp Bắc Mỹ dẫn đầu về mạng 6G. Liên minh này bao gồm nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Apple, AT&T, Qualcomm, Google và Samsung Electronics chứ không có Huawei Technologies.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn