Sau 3 năm triển khai, công trình xây dựng bản đồ công nghệ ngành công nghệ vi sinh Việt Nam được nhóm nghiên cứu Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ hoàn thiện, cung cấp hiện trạng năng lực công nghệ vi sinh trong nước. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách khuyến khích và lộ trình phát triển của các ngành, doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu. Nhiệm vụ thuộc Chương trình Đổi mới Quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách.
Theo nhóm nghiên cứu, bản đồ cho thấy các công nghệ vi sinh Việt Nam đang sở hữu, tính ứng dụng và khoảng cách so với thế giới. Từ đó có thể thấy được các thế mạnh, đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp, năng lực nghiên cứu của Viện, Trường và đưa ra những ưu tiên phát triển, lộ trình đổi mới công nghệ trong nước.
Đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan có thể sử dụng bản đồ này phục vụ quá trình nghiên cứu, phát triển. Ngoài ra bản đồ cũng hướng đến nhà hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu trong lĩnh vực phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Bản đồ thể hiện năng lực công nghệ vi sinh trong nghiên cứu của Việt Nam so với thế giới. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.
Dựa trên các thông tin trên bản đồ, các đơn vị nghiên cứu có thêm cơ sở để xác định các hướng trọng tâm trong ngắn và dài hạn, nâng cao hiệu quả ứng dụng của kết quả công trình trong thực tế sản xuất, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghệ vi sinh và các ngành liên quan, các thông tin từ bản đồ này giúp nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường trong nước cũng như khu vực và thế giới. Doanh nghiệp có thể xác định những thị trường mục tiêu, xây dựng lộ trình phát triển công nghệ và chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo giới chuyên môn, dựa trên các dữ liệu cho thấy năng lực công nghệ vi sinh của Việt Nam không thấp so với thế giới và đã làm chủ được các công nghệ nền. Khoảng cách này được thể hiện qua năng lực của 4 nhóm chính, gồm: công nghệ tạo giống (66,04%), công nghệ bảo quản giống (90%), công nghệ lên men (66,06%), công nghệ thu hồi và tạo sản phẩm (78,3%). Trong đó, các công nghệ bảo quản giống tại Việt Nam đạt chất lượng ngang thế giới, có những công nghệ đã nghiên cứu và sẵn sàng ứng dụng (như công nghệ sắc ký, công nghệ kết tủa).
Công nghệ vi sinh là một ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, được phát triển với mục tiêu trở thành ngành kinh tế- kỹ thuật mũi nhọn tại Việt Nam, được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/1/2008. Công nghệ này đang hỗ trợ làm thay đổi quá trình sản xuất từ công nghệ truyền thống sang công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường, phục vụ phát triển bền vững.
Trong y tế, việc sản xuất probiotic, kit xét nghiệm, các loại vaccine dành cho người và thú y, kháng sinh, vật liệu sinh học đều dựa trên năng lực của công nghệ vi sinh. Sự kết hợp các công nghệ sinh học tạo ra nhiều loại kháng thể đơn dòng hỗ trợ chẩn đoán bệnh và phát triển thuốc tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực môi trường, việc xử lý chất thải rắn, nước thải hoặc cải tạo thảm thực vật, đất đai bị ô nhiễm, sự cố tràn dầu được cải tiến nhờ công nghệ sinh học. "Tuy vậy, do chưa tập trung nguồn lực, chưa được đầu tư đồng bộ (một phần vì chi phí đầu tư cao trong khi dung lượng thị trường chưa đủ lớn), nhiều công nghệ vi sinh tiên tiến, có độ chính xác, hiệu năng cao, quy mô lớn vẫn chưa sẵn sàng ở nước ta", đại diện nhóm nghiên cứu nói.
Bản đồ xác định các nhóm công nghệ ưu tiên phát triển. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.
Theo đó, những nhóm công nghệ ưu tiên phát triển được xác định trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2040, gồm công nghệ phân lập sử dụng metagenomics, (kết hợp các kỹ thuật sinh học phân tử và tin sinh học trong tạo chủng giống vi sinh vật), công nghệ chỉnh sửa gene, công nghệ vi nang, công nghệ lên men quy mô lớn. Đồng thời ứng dụng công nghệ 4.0 trong kiểm soát, điều khiển quá trình lên men liên tục và tăng tính đồng bộ hóa.
Từ những kết quả này, một số định hướng phát triển công nghệ vi sinh trong thời gian tới đã được xác định và đề xuất dựa trên 3 nhóm chính (công nghệ, hạ tầng và ứng dụng) và 3 cấp (quốc gia, ngành/lĩnh vực và doanh nghiệp). Những định hướng này góp phần quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học trong thời gian tới, cũng như làm cơ sở cho việc xây dựng đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ của viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Theo VNE