Hai mươi năm trước, khi máy tính vẫn còn là phương tiện xa lạ với hầu hết trẻ em Việt Nam, Nguyễn Xuân Phong đã bắt đầu viết phần mềm đầu tiên của đời mình. "Lúc đó chưa ai có ý tưởng viết phần mềm dạy thể dục cho mọi người. Mình đã tự mò mẫm, vẽ từng chi tiết nhỏ bằng Word Paint rồi lắp ghép các ảnh lại thành một chương trình dạy thể dục hoàn thiện", anh nhớ lại. Sản phẩm của Phong giành giải nhất cuộc thi "Phần mềm sáng tạo toàn quốc" năm 1998, năm đó cậu học trò Hà Nội mới học lớp 4.
Niềm đam mê tin học của Phong tiếp tục được gia đình nuôi dưỡng. Nhưng tuổi trẻ nổi loạn đã đưa tài năng tin học đến nhiều ngã rẽ bất ngờ.
Một trong những may mắn lớn nhất của Phong là được sinh ra trong gia đình "nhà nòi". Bố là dân công nghệ thông tin nên anh sớm được tiếp cận với máy tính. Sau khi giành giải nhất cuộc thi "Phần mềm Sáng tạo Toàn quốc", Phong được bố mẹ cho đi học nhiều hơn về lập trình. Suốt những năm trung học, Phong tiếp tục đi thi và gặt hái được nhiều giải thưởng lớn.
Nghịch lý là được tiếp cận với công nghệ thông tin từ bé, giành được nhiều giải thưởng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng kết thúc quãng thời gian phổ thông, khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp cuộc đời, Phong không chọn theo ngành công nghệ.
"Lúc đó mình thật sự muốn được giải thoát khỏi lập trình. Mình không còn tìm thấy niềm vui và những điều mới lạ nữa", Phong nhớ lại.
Anh gọi tuổi 18 là giai đoạn nổi loạn. Khi du học Singapore, anh quyết định không theo ngành Công nghệ Thông tin bố mẹ chọn mà rẽ sang ngành Quản trị Kinh doanh tại đại học Coventry.
Ra trường đi làm, Phong bắt đầu nhận ra những kỹ năng nền tảng về lập trình được rèn luyện ở Việt Nam từ bé lại được sử dụng nhiều hơn kiến thức quản trị suốt 4 năm du học. Anh quyết định nghỉ việc và quay lại giảng đường để nghiên cứu chuyên sâu về khoa học máy tính.
Trường Phong lựa chọn để theo học là Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ. Đây là một trong những trường nằm top đầu thế giới về công nghệ thông tin. "Lúc này mình mới thật sự cảm thấy đây đúng là môi trường của mình, đây mới là thứ mình tìm kiếm lâu nay", Phong kể. Tại CMU, anh được đào tạo bài bản và tiếp cận những kiến thức mới nhất về công nghệ, tình yêu với lập trình được thổi bùng trở lại.
"Mọi thứ như sự sắp đặt của số phận. Mình từng thoát ra khỏi lập trình nhưng cuối cùng lại về với công nghệ. Đến bây giờ mình vẫn luôn hài lòng và không hối hận về bất kỳ lựa chọn nào trong cuộc đời. Tất cả đều có lý lẽ của nó", Phong nói.
Trong thời gian học thạc sĩ, anh dành một năm làm nghiên cứu sinh ở đại học Adelaide (Australia). Lúc này anh phát hiện ra hướng đi mới có thể sẽ hữu ích trong tương lai là ngành Khai phá dữ liệu (Data Mining) và Trí tuệ Kinh doanh (Business Intelligence). Với Phong, dữ liệu chẳng khác gì mỏ vàng và những người làm phân tích dữ liệu (Data Analysts) chính là những người đi khai thác mỏ vàng thông tin.
Cơ hội đến với Phong vào cuối năm hai, anh có cơ hội thực tập ở tập đoàn Hitachi của Nhật Bản. Năm 2013, kết thúc kỳ thực tập ấn tượng, Phong được mời lại làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, nơi được coi là bộ não của tập đoàn. Lúc này Phong phân vân rất nhiều là nên ở lại Nhật, quay về Mỹ hoặc Canada, Singapore những nơi mình từng học tập sinh sống để tìm kiếm cơ hội mới. Cuối cùng, Phong quyết định ở lại Nhật. Tập đoàn Hitachi là nơi đưa Phong trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về AI.
Với nền tảng tin học sẵn có, kiến thức công nghệ được đào tạo bài bản tại những đại học hàng đầu thế giới và tinh thần làm việc hăng say, năm 24 tuổi Phong trở thành một trong 50 nhà khoa học hàng đầu của tập đoàn Hitachi. 8 năm làm việc tại Nhật, Phong còn được mời dạy về trí tuệ nhân tạo cho các học sinh cấp 3. Thời gian này anh cũng tiếp tục nghiên cứu sâu về AI và lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Tokyo ngành Trí tuệ Nhân tạo ứng dụng.
Năm 30 tuổi, Nguyễn Xuân Phong được tập đoàn cử sang Mila (Canada), làm việc tại viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo hàng đầu thế giới. Tại đây, anh được nghiên cứu và trao đổi trực tiếp với giáo sư Yoshua Bengio, người từng đoạt giải ACM A.M. Turing Award - giải thưởng được ví như giải Nobel trong ngành khoa học máy tính.
Năm 2018, Xuân Phong trở về Việt Nam với tư cách là một trong 100 tri thức trẻ tham gia vào Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do chính phủ tổ chức. Hai năm sau, anh tiếp tục là cầu nối giữa viện nghiên cứu Mila với tập đoàn FPT để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu FPT.AI tại Quy Nhơn, Bình Định.
Lớn lên với tình yêu tin học được thắp lửa bởi gia đình, sau đó có thời gian dài học tập, làm việc và sinh sống tại những những quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển như Singapore, Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Phong đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Trí tuệ Nhân tạo với nhiều góc nhìn thú vị.
Trước lo ngại "Con người có nên lo sợ trước AI", Nguyễn Xuân Phong lạc quan: "AI, robot trong tương lai sẽ chung sống hoà bình với con người như trong truyện tranh Doremon". AI sẽ "giải phóng" con người khỏi những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hàng ngày để họ có nhiều thời gian cho gia đình, để sáng tạo và rèn luyện sức khoẻ.
Ví dụ, thời kỳ đầu của máy móc công nghiệp, con người cũng lo sợ bị lấy mất việc làm. Nhưng thực tế, máy móc đã giúp con người rảnh rỗi hơn rất nhiều để làm những công việc chuyên sâu chất lượng cao hơn. Ngày nay, một chiếc khăn được thêu tay luôn đắt hơn cả trăm, nghìn lần những chiếc khăn được làm bởi máy móc.
Ở phương Tây, trước khi có tủ lạnh, nhiều người phải làm công việc khai thác băng để về ướp thực phẩm. Nhưng khi công nghệ xuất hiện, con người không phải đi lấy băng nữa, tủ lạnh sẽ giữ mát thực phẩm, còn con người chuyển sang lắp ráp tủ lạnh. Đó là sự dịch chuyển công việc chất lượng cao mà con người luôn thích ứng.
Chính phủ nhiều nơi trên thế giới đã chuẩn bị sẵn cho làn sóng AI bằng cách nâng cao tay nghề, chuyển dịch nhân sự sang những công việc chất lượng cao mà AI không thể thay thế.
Tuy nhiên, mọi thứ luôn có hai mặt. Bên cạnh những mặt tích cực, AI cũng sẽ có những góc khuất khiến giới công nghệ lo lắng. Theo anh Phong, có 3 thứ khiến các nhà khoa học luôn suy nghĩ.
Đầu tiên là nguy cơ chiến tranh: AI có thể trở thành vũ khí giết người hàng loạt. Khi công nghệ cao lọt vào tay những nhóm người xấu, AI có thể tạo thành những đội quân giết người hàng loạt mà chỉ cần một người điều khiển. "Đây là lo lắng lớn nhất với những người nghiên cứu về AI. Giống trong y học, những người làm về AI cũng có một lời thề đạo đức là không dùng Trí tuệ Nhân tạo vào giết người hàng loạt. Vì hậu quả của nó là không thể hình dung", Phong nói.
Vấn đề thứ hai là tính công bằng. Máy học phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu đầu vào mà bản thân những người đi thu thập dữ liệu và người cung cấp dữ liệu đã không công bằng với những định kiến có sẵn. Một ví dụ đơn giản là khi tập huấn cho máy móc về dữ liệu tội phạm, trong kho dữ liệu thu thập, những người da màu thường có tỷ lệ phạm tội cao hơn. Dữ liệu này bản thân đã có vấn đề, khi được huấn luyện có thể tạo ra những báo động sai.
Vấn đề thứ ba phân hoá giàu nghèo: AI chắc chắn là công cụ đắc lực để tạo ra các giá trị thặng dư. Những công ty như Google, Apple, Amazon... bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu AI, sau đó họ nắm được những kiến thức quan trọng, tạo ra các giá trị mới và cạnh tranh không công bằng với các công ty nhỏ. Quy luật này đúng ở cả quy mô quốc gia, khu vực. Đây là lý do những viện nghiên cứu về AI hàng đầu thế giới như Mila luôn muốn chia sẻ kiến thức của mình với những quốc gia đi sau, như việc hợp tác với FPT để xây dựng viện nghiên cứu ở Quy Nhơn, Việt Nam.
Mọi người mới nghe nói về AI vài năm trở lại đây, nhưng thực ra, ngành khoa học này đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước ở phương Tây. Ngay khi những cỗ máy tính đầu tiên ra đời, ngành khoa học về máy tính đã bắt đầu. "Mùa đông AI" đã qua, giờ là lúc ngành khoa học này bứt phát và được cả thế giới chú ý.
Theo Nguyễn Xuân Phong, "may mắn là Việt Nam nhận ra con tàu 4.0 đã xuất phát và đã nhảy lên con tàu đó để không bị bỏ lại. Nhưng thành thật mà nói, Việt Nam vẫn chỉ đang loay hoay ở vạch xuất phát, trong khi các quốc gia khác đã có hàng chục năm để nghiên cứu về AI".
Làn sóng AI đầu tiên xuất phát từ Bắc Mỹ với những cái nôi như thành phố Montreal, Canada. Ở đây, ngành khoa học máy tính đã phát triển từ rất sớm với những trung tâm nghiên cứu, trường đào tạo hàng đầu thế giới. Không khí AI ở đây luôn sôi sục với những nhân tài hàng đầu thế giới.
Làn sóng thứ hai là Nhật Bản, Đức... Tinh thần nghiên cứu về AI ở các quốc gia này không sục sôi như ở Bắc Mỹ nhưng đã sớm tiếp cận trí tuệ nhân tạo và có những chiến lược quốc gia rõ ràng. Họ không chạy đua để dẫn đầu thế giới về AI mà đầu tư một cách thông minh để áp dụng những thành tựu của AI vào cuộc sống.
Một trường hợp đặc biệt nhưng gần gũi với Việt Nam là Trung Quốc. Họ tiếp cận với AI muộn hơn ở Bắc Mỹ, Canada và Nhật nhưng đang tiến rất nhanh trong cuộc đua. Xét về chất lượng, có thể họ không bằng, nhưng xét về số lượng bằng nghiên cứu, sở hữu trí tuệ, họ lại đang vượt trội. Nguyên nhân là chính phủ Trung Quốc rất nhiều tiền, họ có thể đổ cả trăm tỷ USD một lúc để đẩy ngành này phát triển.
Nhưng Việt Nam không đi theo con đường của Trung Quốc. Anh Phong đánh giá Việt Nam đang ở làn sóng thứ ba, giống đa số các quốc gia đang phát triển. "Con đường tốt nhất mà Việt Nam có thể học tập là giống Nhật Bản, Đức. Có nghĩa là, không cần chạy đua mà tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ của những nước đi trước vào các ngành mũi nhọn, đầu tư một cách thông minh để không bị bỏ lại", anh phân tích.
"Điều lạc quan nhất trong cuộc đua về AI của Việt Nam là chính phủ đã hiểu và đi đúng hướng bằng cách thu hút người tài từ khắp thế giới về cùng phát triển đất nước. Việt Nam đang có đầy đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hoà’ để bứt phá, tuy nhiên, mỗi thứ đang còn thiếu một chút nên chưa ghi được dấu ấn trên bản đồ AI thế giới", anh nhận xét.
Theo anh, tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đã có những công ty tiên phong nghiên cứu về AI như FPT, Vingroup, VNPT, Viettel, BKAV..., cùng nhiều trường đại học. "Tôi tin rằng, chỉ 3 đến 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có những sản phẩm AI chất lượng cao, có thể cạnh tranh với thế giới. Nhưng để có được trái ngọt về AI, phải trồng cây từ bây giờ", anh Phong nhận định.
Theo VNE