Năm 2020 chứng kiến sự bứt phá về tốc độ phủ sóng 5G trên toàn cầu. Việt Nam cũng cho thấy mức độ sẵn sàng cao khi triển khai thử nghiệm kinh doanh và sớm thương mại hoá 5G trong năm tới, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người dùng cũng như chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cho những công nghệ tương lai cần nền tảng 5G để hoạt động.
Trong số 99 nước triển khai 5G, phạm vi phủ sóng tương đối tốt tại Mỹ, châu Âu, bán đảo Ả Rập và Đông Á. Tổng cộng 14.643 thành phố khắp thế giới có 5G vào cuối quý 3/2020, tăng 1.671% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến quý 3/2020, số lượng quốc gia triển khai 5G tăng 62,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Người dùng cũng háo hức với công nghệ mới và nhiều người muốn kiểm tra tốc độ kết nối. Chỉ trong quý 3/2020, có 4.324.788 kết quả Speedtest trên mạng 5G.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc sở hữu tốc độ 5G nhanh nhất, trung bình đạt 411,11 Mbps. Thái Lan xếp thứ hai với tốc độ trung bình 327,31 Mbps. Australia đứng thứ ba với tốc độ 303,11 Mbps. Hàn Quốc cũng đứng đầu về thời gian sử dụng 5G trong khu vực.
Trung Quốc là quốc gia có thiết bị hỗ trợ 5G nhiều nhất thế giới. Có tới 18,9% thiết bị kiểm tra tốc độ trên Speedtest ở quốc gia đông dân nhất có trang bị kết nối mới. Các quốc gia và khu vực tiếp theo gồm Hàn Quốc đứng thứ hai, Hồng Kông thứ ba, Puerto Rico thứ 4 và Qatar thứ 5.
Speedtest dự báo với những tiến bộ gần đây về chipset, bao gồm 5G Carrier Aggregation, các nhà mạng có thể kết hợp hai băng tần 5G trong dải tần sub-6GHz (FR1), cho tốc độ nhanh hơn và độ phủ tốt hơn.
Trong năm 2021, 5G sẽ có mặt tại nhiều khu vực rộng lớn hơn nữa.
Các chuyên gia nhận định khi mới bắt đầu triển khai, tỷ lệ thâm nhập thị trường tại Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam dự báo sẽ nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Điểm lợi thế của Việt Nam là hai tập đoàn trong nước là Viettel và Vingroup tiên phong sản xuất thiết bị 5G. Theo thống kê hiện nay có không nhiều hãng sản xuất thiết bị 5G và thị trường cơ bản nằm trong tay của Ericsson, Huawei, Nokia… Để có thể chen chân vào thị trường này với các ông lớn là chuyện khó khăn trên thế giới.
Đó cũng là điểm nhấn trong năm 2020 của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Một bất ngờ của năm 2020 là Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người kể cả trong nước và nước ngoài tin rằng Việt Nam có thể làm được việc này”.
Việc triển khai sớm các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu cho các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên mức hơn 300 triệu USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, các nhà mạng dự kiến cần đầu tư khoảng 1,5-2,5 tỷ USD cho công nghệ 5G trong giai đoạn 2020-2025.
Theo báo cáo mới đây về tình hình phát triển mạng 5G tại Đông Nam Á của Cisco Việt Nam, đến năm 2025, khu vực Đông Nam Á dự tính có khoảng 200 triệu thuê bao 5G, trong đó Việt Nam sẽ có hơn 6,3 triệu thuê bao.
“Triển khai đúng sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng sai sẽ mang lại thêm nhiều thách thức. Tuy nhiên, 5G là xu thế không thể chậm trễ, vì nếu đi sau sẽ không thể đuổi kịp các nước. Có thể coi 5G là một cuộc đua, cuộc cạnh tranh. Ai nắm bắt được thời cơ, cung cấp đúng thời điểm, và có tính toán hợp lý sẽ thắng. Cũng giống như triển khai 4G, chúng ta cần chờ đợi tiêu chuẩn chính thức từ Liên minh Viễn thông Thế giới chấp nhận, dự đoán số lượng người dùng, cân nhắc yếu tố thiết bị đầu cuối sẵn sàng, giá cả phù hợp chưa, các ứng dụng sẵn sàng chưa”, ông Thắng nói.
Chuyên gia này cũng đưa ra ví dụ, hiện tại doanh thu data 2020 của VNPT chỉ chiếm 33-34%, còn lại phần lớn nguồn thu vẫn là từ thoại và tin nhắn. Vì thế, “phải xem xét kỹ việc triển khai 5G và phủ sóng, đáp ứng nhu cầu thế nào cho phù hợp”.
Ông Thắng phân tích: “5G tốc độ cao, độ trễ thấp, khả năng kết nối mạnh lên tới 1 triệu thiết bị trong 1km2, tuy vậy, khả năng truyền sóng hạn chế với băng tần trung và cao. Vì vậy, các nhà mạng Việt Nam chưa triển khai ở nông thôn, bởi khi đó cần xây dựng vài chục, thậm chí vài trăm trạm phát sóng 5G trên 1km2, đẩy đầu tư của doanh nghiệp lên rất lớn”.
Cùng quan điểm với nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng, ông Lê Bá Tân - Phó Tổng giám đốc Công ty mạng lưới Viettel cho biết: “Bước đầu, 5G được triển khai ở các thành phố lớn, nơi 4G bắt đầu bị nghẽn. Tại đây, chúng tôi phục vụ cho khách hàng VIP có nhu cầu trả tiền nhiều hơn, thậm chí thay thế Wi-Fi tốc độ cao. 5G cũng được phủ ở khu công nghiệp, đáp ứng các công nghệ tương lai như xe tự lái, robot lắp ráp hay phẫu thuật từ xa… Dự kiến tới năm 2023-2025, 5G mới phổ cập như 4G được, lan tới nông thôn”.
Ông Tân chia sẻ số liệu quy hoạch trên mạng lưới của Viettel, dự kiến vào năm 2021 sẽ có khoảng 1,5 đến 2 triệu thuê bao 5G trên cả nước. Ông cũng cho rằng việc triển khai sớm 5G không chỉ tạo điều kiện tốt cho các nhà mạng, mà còn tốt cho toàn xã hội.
Tuy vậy, vị đại diện của Viettel đề xuất: “Làm thế nào để 5G phủ sóng đến các thành phố lớn nhanh nhất. Điều này cần Bộ điều phối để một nhà mạng chia nhau triển khai hạ tầng sau đó các nhà mạng roaming dùng chung. Ngoài ra, cũng nên tận dụng các thiết bị phát hai sóng, phục vụ cho hai nhà mạng. Đến khi 5G phát triển hơn, tải cao lên, các nhà mạng sẽ lại tách sóng”.